Kiến nghị xử lý tài chính: Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu nâng cao chất lượng

(PLVN) - Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc vừa ký và ban hành công điện về việc nâng cao chất lượng kiến nghị xử lý tài chính, gửi thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước (KTNN). 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

KTNN cho biết, qua theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán cho thấy chất lượng kiến nghị xử lý tài chính vẫn còn hạn chế. Điều này đặc biệt thể hiện ở các khoản kiến nghị xử lý tài chính khác chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số kiến nghị xử lý tài chính hàng năm.

Kiến nghị xử lý tài chính tăng từng năm

Theo KTNN, trong những năm qua, KTNN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các mặt công tác, trong đó nổi bật là các kiến nghị xử lý tài chính lớn và tăng cao theo từng năm. Tuy nhiên, qua theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán cho thấy chất lượng kiến nghị xử lý tài chính còn hạn chế, đặc biệt là các khoản kiến nghị xử lý tài chính khác chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số kiến nghị xử lý tài chính hàng năm.

Cụ thể như, năm 2016, kiến nghị xử lý tài chính 38.775 tỷ đồng thì kiến nghị xử lý tài chính khác là 21.269 tỷ đồng, chiếm 54% tổng số kiến nghị xử lý tài chính; năm 2017 kiến nghị xử lý tài chính 91.322 tỷ đồng thì kiến nghị xử lý tài chính khác là 53.417 tỷ đồng, chiếm 58% tổng số kiến nghị xử lý tài chính; năm 2018, kiến nghị xử lý tài chính 92.499 tỷ đồng thì kiến nghị xử lý tài chính khác là 60.264 tỷ đồng, chiếm 65% tổng số kiến nghị xử lý tài chính. 

Theo KTNN, việc kiến nghị xử lý tài chính khác lớn qua các năm đã gây khó khăn cho công tác thực hiện kiến nghị của các đơn vị được kiểm toán và làm giảm hiệu lực kiến nghị của KTNN. 

Kiến nghị xử lý khi có đủ bằng chứng

Theo chỉ đạo của Tổng KTNN, từ 15/11/2019, đối với tất cả các cuộc kiểm toán, kể cả các cuộc kiểm toán đang thực hiện, chưa kết thúc, chỉ tổng hợp vào kiến nghị xử lý tài chính các khoản tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN), giảm chi NSNN do KTNN phát hiện với đầy đủ bằng chứng chắc chắn.

Không được tổng hợp vào số liệu kiến nghị xử lý tài chính đối với các khoản kiến nghị xử lý tài chính khác và kiến nghị khác, mà chỉ sử dụng để nhận xét, đánh giá và kiến nghị bằng lời. Trường hợp đặc biệt, các khoản tăng thu NSNN, giảm chi NSNN đang chờ ý kiến giải quyết cấp có thẩm quyền thì đưa vào kiến nghị xử lý tài chính khác để theo dõi đôn đốc xử lý.

Tổng KTNN cũng lưu ý, các khoản kiến nghị tăng thu NSNN, giảm chi NSNN do KTNN phát hiện, kiến nghị phải tương ứng với các nội dung đã được quy định tại Điều 2, Thông tư 16/2019/TT-BTC ngày 18/3/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí được trích để thực hiện chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của KTNN.

Tổng KTNN giao Vụ Tổng hợp chủ trì, phối hợp với các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán rà soát, thẩm định chính xác kết quả kiểm toán để kiến nghị xử lý tài chính đúng theo quy định trên. Đồng thời, lưu ý việc tổng hợp báo cáo kết quả kiểm toán năm 2019 phải thực hiện theo đúng yêu cầu Công điện này.

Tổng KTNN cũng giao Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán chủ trì, phối hợp với Vụ Tổng hợp và các đơn vị trong ngành tổ chức rà soát, nghiên cứu và đề xuất sửa đổi, bổ sung Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán có liên quan đến tổng hợp kết quả kiểm toán cuộc kiểm toán, tổng hợp kết quả kiểm toán năm và tổng hợp kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, trong đó đặc biệt nêu rõ các khoản được kiến nghị tăng thu NSNN, giảm chi NSNN, kiến nghị khác để thống nhất kết quả xử lý tài chính trong toàn Ngành…

Đọc thêm