Kiên quyết cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

(PLO) - Nhiệm vụ cải tổ các doanh nghiệp nhà nước (DNNN)  đã được các đơn vị chức năng báo cáo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2014 – 2015 vào hôm qua - 18/2.
Kiên quyết cổ phần hóa  doanh nghiệp nhà nước
Tăng trưởng sau cổ phần hóa
Từ năm 2011 đến năm 2013, cả nước đã sắp xếp được 180 doanh nghiệp (DN), trong đó cổ phần hóa 99 DN và sắp xếp theo các hình thức khác 81 DN. Tổng số DN cổ phần hóa từ trước đến nay là 4.065 DN, bao gồm 3.650 DN và bộ phận DN. Số DN 100% vốn nhà nước tính đến ngày 31/12/2013 còn 949 DN. 
Qua đó, những đơn vị này được tập trung hơn nữa vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ. Kết thúc thí điểm 3 tập đoàn kinh tế (Sông Đà, HUD, Công nghiệp tàu thủy), hình thành các TCty nhà nước phù hợp với tình hình thực tế, điều kiện quản lý và triển vọng phát triển. 
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, cổ phần hóa tiếp tục được xác định là khâu trọng tâm, là giải pháp chủ yếu, hiệu quả trong tái cơ cấu DNNN. Trong ba năm qua  đã cổ phần hóa được 99 DN, trong đó có 19 tổng công ty nhà nước. Đây là những DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành, tài chính phức tạp. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, kinh tế trong nước gặp khó khăn, việc cổ phần hóa được số doanh nghiệp nói trên với số cổ phần chào bán trị giá 19 nghìn tỷ đồng là nỗ lực, cố gắng đáng ghi nhận. 
Hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa có tốc độ tăng trưởng khá, hoạt động hiệu quả hơn. Sự ra đời các công ty cổ phần qua cổ phần hóa tiếp tục làm tăng tính cạnh tranh trong nền kinh tế, thúc đẩy tái cơ cấu thị trường chứng khoán. 
Tính từ năm 2010 đến năm 2011, vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp tiếp tục được bảo toàn và phát triển từ 700 nghìn tỷ đồng lên 810 nghìn tỷ đồng và 1.019 nghìn tỷ đồng trong năm 2012. Tổng tài sản năm 2011 là 2.274 nghìn tỷ đồng, năm 2012 là 2.570 nghìn tỷ đồng, tăng 296 nghìn tỷ đồng. Tổng nợ phải trả năm 2011 là 1.343 nghìn tỷ đồng, năm 2012 là 1.422 nghìn tỷ đồng, tăng 79 nghìn tỷ đồng. Tổng doanh thu năm 2011 đạt 1.638 nghìn tỷ, năm 2012 đạt 1.709 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2013, riêng 18 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quy mô lớn, có vốn nhà nước là 840 nghìn tỷ đồng, trong đó tài sản là 1.989 nghìn tỷ đồng, tổng doanh thu đạt 1.184 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, 17/18 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có lãi.
Vi phạm hàng nghìn tỷ đồng
Dù có những chuyển biến rõ rệt nhưng nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn có nhiều khuyết điểm, vi phạm. Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy, kết quả thanh tra đã phát hiện nhiều khuyết điểm, vi phạm đối với các DNNN. Trong đó phát hiện vi phạm 39.920 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi gần 4.980 tỷ đồng, kiến nghị loại khỏi giá trị quyết toán và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý trên 43.940 tỷ đồng. 
Những vi phạm của các DNNN chủ yếu diễn ra trong các lĩnh vực về thẩm quyền, về đối tượng, hạch toán không đúng cũng như trình độ quản trị doanh nghiệp còn yếu.
Những doanh nghiệp được nêu tên như Tập đoàn Dầu khí (PVN) đầu tư ra ngoài ngành 16.647 tỷ đồng, đầu tư cho 130 công ty con, Tập đoàn Sông Đà đầu tư ngoài ngành 7.572 tỷ. VNPT đầu tư vốn góp vào 86 DN với tổng giá trị 3.273 tỷ, trong đó có 20 DN đầu tư 723 tỷ không thu được lợi nhuận. EVN đầu tư ra ngoài doanh nghiệp 121.790 tỷ đồng, đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán 1.997 tỷ đồng, chưa mang lại hiệu quả kinh tế.  
Vinachem được xác định hầu hết các dự án đầu tư của tập đoàn này đều chậm tiến độ, có những dự án chậm từ 1 đến 2 năm. Tổng công ty Hàng hải đã đầu tư 14 dự án xây dựng cảng nhưng mới có 5 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, EVN triển khai 20/40 dự án chậm tiến độ dẫn đến việc thiếu hụt sản lượng điện và tăng chi phí đầu tư. 
PVN đã chỉ định thầu cho đơn vị thành viên dự án 2000 tỷ đồng không đúng quy định của Thủ tướng về chỉ định thầu, Sông Đà thì chuyển nhượng dự án Nam An Khánh trái quy định để thu về 155 tỷ đồng. Nhiều đơn vị năng lực quản lý dự án hạn chế, khả năng quản lý yếu nhưng vẫn được quản lý nhiều dự án, như Cty bất động sản Viettel mới được thành lập, mô hình và tổ chức biên chế có nhiều thay đổi nhưng được giao thay mặt chủ đầu tư trực tiếp quản lý nhiều dự án xây dựng với số lượng dự án lớn…
Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DNNN, nhiệm vụ chung tái cơ cấu DNNN đến năm 2015 là kiên quyết thực hiện tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế; thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường; tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích, đồng thời hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền sở hữu nhà nước đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN; tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu; kiện toàn cán bộ quản lý, giám sát, kiểm tra chủ sở hữu; thực hiện công khai, minh bạch kết quả hoạt động của DNNN theo quy định của pháp luật...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
Phải làm cho thật hiệu quả
- Từ nay tới năm 2015, cần kiên quyết thực hiện tái cơ cấu DNNN theo đề án được duyệt mà trọng tâm là cổ phần hóa doanh nghiệp, tái cơ cấu là để DNNN hoạt động hiệu quả hơn, làm tốt hơn vai trò của mình; đồng thời thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường và tập trung nâng cao hiệu quả quản trị DN.
Trong cổ phần hóa DN phải làm quyết liệt, hiệu quả việc cổ phần hóa 432 DN theo kế hoạch trong 2 năm 2014-2015; đồng thời tiếp tục rà soát, bổ sung thêm các DNNN cần phải cổ phần hóa theo hướng giảm mạnh hơn DN 100% vốn nhà nước và giảm mạnh DNNN giữ cổ phần chi phối. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ cần có biện pháp quyết liệt và có bài bản, có lộ trình thực hiện rõ ràng; thực hiện nguyên tắc bán theo giá thị trường, nhất là đối với các khoản đầu tư không hiệu quả cần xây dựng phương án cụ thể, chặt chẽ, khả thi; phân loại rõ từng khoản vốn mà DNNN đầu tư ngoài ngành.
Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành tăng cường phối hợp nhằm xử lý kịp thời, dứt điểm các vướng mắc nảy sinh trong quá trình sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa DNNN. Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN giai đoạn 2013-2015; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN đến năm 2015 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tiếp tục thực hiện hiệu quả tái cơ cấu DNNN trong thời gian tới.

Đọc thêm