Kiểu chống tham nhũng 'khác người' của Ấn Độ

Ngày 8/11 vừa qua, ông Narendra Damodardas Modi - Thủ tướng Ấn Độ - bất ngờ tuyên bố: Hai loại giấy bạc mệnh giá lớn nhất là 500 và 1000 Rupee sẽ ngừng lưu thông trên thị trường từ nửa đêm cùng ngày để trừng trị tham nhũng, “tiền bẩn” và tiền giả. 
Xếp hàng dài để gửi tiền và rút tiền qua ATM ở Ấn Độ.
Xếp hàng dài để gửi tiền và rút tiền qua ATM ở Ấn Độ.

Tất cả các ngân hàng nghỉ giao dịch trong ngày hôm sau (9/11), các cây ATM cũng tạm ngừng hoạt động 1 ngày. Ngày 10/11, Ngân hàng trung ương Ấn Độ phát hành hai loại giấy bạc gồm 500 Rupee bản mới và 2000 Rupee. Ông Narendra D.Modi cho biết, người dân có thể đem những loại “tiền cũ” này gửi vào ngân hàng, hoặc đem chúng đến đổi lấy loại tiền mới tại các ngân hàng và bưu cục trước cuối năm nay.

Cô Jily, 28 tuổi, là khách du lịch người Mỹ đến Ấn Độ  cùng mấy người bạn từ 3 ngày trước thực sự thấy sốc bởi tin này. Những đồng 500 và 1000 Rupee mà họ đang có lập tức bị ngừng lưu thông mà không có sự trì hoãn khiến cô và các bạn rất đỗi bất ngờ. Sau khi vất vả dò hỏi, tìm kiếm, cuối cùng cô và các bạn cũng đổi được cả mớ tiền mặt khó xử đang có ra USD từ một “ngân hàng chui”, nhưng phải mất thêm 20% “lệ phí”.

Gần 10 ngày sau khi chính sách mới được công bố, tại các ngân hàng, dòng người vẫn xếp hàng rồng rắn để chờ được gửi tiền. Sau khi đòn chống tham nhũng này bất ngờ ban hành, cả dân chúng địa phương lẫn du khách quốc tế đều cảm thấy mệt mỏi. Còn biện pháp kiểu “tuốt gươm khỏi bao” này có hiệu quả đến đâu thì còn phải chờ thời gian kiểm nghiệm mới biết được.

Biện pháp “treo”

Trước biện pháp chống tham nhũng bằng cách hủy bỏ lưu thông một số lượng rất lớn tiền mặt mệnh giá lớn này của chính phủ Narendra D.Modi, ông Lý- một người Trung Quốc làm ăn ở Ấn Độ hơn 10 năm nay - nói: “Việc này xảy ra nằm ngoài dự đoán của chúng tôi, nhưng chính phủ cũng có lý của họ”. 

Ông nói, muốn hiểu được logic phía sau chính sách đó của chính phủ Narendra D.Modi thì phải nắm được hiện trạng tình hình xã hội và kinh tế của Ấn Độ hiện nay. Những trở ngại gây cho chính phủ Narendra D.Modi hiện nay, ngoài áp lực về phát triển kinh tế, còn có tham nhũng – vấn đề đã trở nên “thâm căn cố đế” ở nước này.

“Sau khi chính phủ Narendra D.Modi lên cầm quyền, chỉ số tham nhũng của Ấn Độ đã giảm, nhưng vẫn còn rất nghiêm trọng. Tại quốc gia này từ những chuyện nhỏ như vi phạm luật giao thông đến vấn đề lớn như ký hợp đồng kinh tế, đều tồn tại “giao dịch màu xám”. Những thỏa thuận ngầm được gọi là “giao dịch màu xám” này hầu như đều phải sử dụng tiền mặt. Điều đó có nghĩa là, trong tay nhiều quan chức tham nhũng đang nắm giữ một lượng tiền mặt rất lớn dưới hình thức các đồng bạc mệnh giá lớn”, ông Lý nói

Sau khi chính sách mới ra đời, số tiền này hoặc là được gửi vào ngân hàng, hoặc chỉ có thể được “rửa sạch” thông qua các giao dịch với hoạt động ngân hàng ngầm (đổi tiền chui); nhưng dù dưới hình thức nào cũng đều phải giao nộp một khoản thuế suất cao mang tính trừng phạt hoặc “phí thủ tục” rất lớn.

Ông Lý cung cấp một biểu tính thuế đối với các khoản tiền gửi đăng tải trên trang web thuế vụ “caclubindia”. Theo đó, nếu không thể chứng minh tính hợp pháp của số tiền mặt đang nắm giữ, không có hóa đơn, biên lai thuế hợp pháp thì người sở hữu chúng phải nộp khoản thuế phụ trội mang tính trừng phạt, mức cao nhất lên tới 200% mức bình thường.

Tiền gửi dưới 250 ngàn Rupee thì được miễn phí, nhưng nếu gửi trên 250 ngàn Rupee là phải nộp thuế phân chia theo mức, mức cao nhất tới 80%; tức là nếu đem gửi 10 triệu Rupee thì chỉ có 2 triệu được vào tài khoản cá nhân. Các ngân hàng chui cũng bị trừng phạt rất nặng, nếu không có mánh lới, nếu bị phát hiện cũng sẽ phải nhận đòn trừng phạt mang tính hủy diệt. Chính phủ Narendra D.Modi đưa ra thời hạn gửi tiền đến cuối năm 2016 này. Đến khi đó, nếu ai không xử lý ổn thỏa số tiền mặt mệnh giá 500 và 1000 Rupee đang có thì nó thực sự sẽ trở thành giấy lộn.

Vậy những người có thu nhập hợp pháp có bị thu thuế không?. Ông Lý cho biết: nếu là khoản thu nhập hợp pháp, thì khoản tiền vượt quá 250 ngàn Rupee chỉ cần trình ra biên lai, hóa đơn thuế liên quan là sẽ không bị phạt thuế. Mặt khác, do hiện nay giấy bạc mệnh giá lớn đang bị làm giả rất nghiêm trọng nên hành động đổi tiền lần này là biện pháp hữu hiệu để đánh vào nạn tiền giả, các giấy bạc 500 và 2000 Rupee mới phát hành đều được thiết kế chống làm giả.

Dân chúng mang tiền cũ đi gửi ngân hàng
Dân chúng mang tiền cũ đi gửi ngân hàng


Tiểu thương, người bán lẻ bị ảnh hưởng nặng nề

Ngoài các quan tham, ngân hàng chui và những kẻ làm và lưu hành tiền giả ra, một bộ phận tiểu thương bán buôn, bán lẻ cũng đau đầu vì nghĩ cách xử lý khoản tiền mặt họ đang nắm giữ. Một người dân giấu tên khi được hỏi đã nói: “Hiện tượng trốn thuế, lậu thuế trong ngành thương mại rất phổ biến; về cơ bản người buôn bán không thể trình được hóa đơn thuế hợp pháp”.

Mấy năm trước ông này làm nghề xuất khẩu hương liệu thổ sản; tuy không phải là làm ăn lớn, nhưng ông cũng tích cóp được số tiền mặt khá nhiều, phần lớn đều là loại giấy bạc mệnh giá lớn 1000 Rupee. Chính vì không nộp thuế nên ông không có các hóa đơn thuế theo quy định để có thể gửi tiền vào ngân hàng một cách hợp pháp. “Tôi đã đến ngân hàng hỏi. Họ nói nếu gửi vào thì tôi bị mất đi khoảng một nửa số tiền ấy, đau xót quá!…”. Còn nếu ông “rửa tiền” thông qua các ngân hàng chui thì qua tìm hiểu, ông nắm được “phí thủ tục” cũng đã tăng từ 10% lúc đầu lên tới 60%, “rửa càng nhiều tiền thì phí thủ tục càng đắt”.

Người đại diện của Hội thương gia Trung Quốc tại Ấn Độ hôm 16/11 cho biết: hiện hội này chưa nhận được yêu cầu xin giúp đỡ từ bất cứ thành viên là chủ công ty, xí nghiệp nào. Tuy nhiên, ảnh hưởng của chính sách mới đối với tỷ suất hối đoái và mậu dịch đối ngoại của Ấn Độ hiện vẫn chưa rõ, cần phải tiếp tục quan sát trong thời gian tới.

Mỗi ngày chỉ được rút 4.000 Rupee

Cùng với việc hủy bỏ giấy bạc mệnh giá lớn, chính sách mới của chính phủ cũng hạn chế việc rút tiền. Hiện nay, người Ấn Độ mỗi ngày chỉ có thể rút 4000 Rupee (tương đương 1,3 triệu VND) tiền mặt từ các cây ATM. Điều này hầu như đã kìm hãm hoàn toàn hoạt động mậu dịch trên toàn lãnh thổ Ấn Độ.

Ông Vũ, một doanh nhân Trung Quốc có nhà kinh doanh cho thuê, nói: “Kiểu tiêu dùng quẹt thẻ ở Ấn Độ hiện chưa trở nên phổ biến, mọi giao dịch trong cuộc sống thường ngày đều sử dụng tiền mặt, nên một tuần sau khi chính phủ đưa ra chính sách mới, dòng người xếp hàng rồng rắn trước các ngân hàng vẫn không hề giảm, người gửi tiền, người rút tiền đều có; việc mua sắm giờ đây phải được mọi người tính toán kỹ lưỡng.

Theo ông Vũ, phần lớn dân chúng ở tầng lớp nghèo thực ra không có nhiều giấy bạc mệnh giá lớn, nên sau khi chính sách mới của chính phủ Narendra D.Modi ban hành, phản ứng của tầng lớp bình dân ngoài đôi chút phàn nàn về việc hạn chế rút tiền ra, cũng không có gì lớn…

Đọc thêm