Kinh doanh dưới làn sóng Covid lần thứ 4: Cầm cự, chuyển hướng thích nghi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hàng quán dịch vụ ăn uống nếu không có dịch thường “sống khỏe”, thậm chí còn tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội. Nhưng dịch bệnh ập tới, nhiều ông chủ, bà chủ phải xoay đủ cách để cầm cự nhưng thu nhập thì nhỏ giọt. 
Có tiệm cà phê tiền thuê mặt bằng gần 80 triệu đồng/tháng, nhưng doanh thu chưa tới 2 triệu đồng/ngày trong mùa dịch.
Có tiệm cà phê tiền thuê mặt bằng gần 80 triệu đồng/tháng, nhưng doanh thu chưa tới 2 triệu đồng/ngày trong mùa dịch.

Chuyển hình thức bán hàng

Lần thứ 4 trong 2 năm, Covid-19 lại tấn công Việt Nam. Ngay lập tức các hệ thống phòng dịch được kích hoạt mạnh mẽ để phòng ngừa tối đa sự lây nhiễm trong cộng đồng. Hệ thống loa công cộng phát huy tác dụng khi liên tiếp thông tin cảnh báo về các ca nhiễm trong khu vực dân cư cũng như nhắc nhở về 5K mọi lúc, mọi nơi.

Có lẽ những hộ kinh doanh nhỏ lẻ đã quá quen với các tình huống ứng phó với dịch Covid nên mọi thứ nhanh chóng vào “khuôn khổ”. Các quán trà đá lập tức nghỉ bán ngay sau khi có lệnh. Các hàng ăn nhỏ lẻ lập tức treo bảng “bán hàng mang về” để có thể tiếp tục nhịp mưu sinh hàng ngày. Thậm chí, nhiều cửa hàng có phòng ăn nhỏ cũng dọn dẹp bàn ghế, quyết định chuyển sang bán mang đi để đảm bảo an toàn tuyệt đối. 

Chị Hoàng Thị Thùy - chủ cửa hàng bán quà vặt trên phố Bùi Ngọc Dương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, bình thường cửa hàng của chị vẫn có phòng ăn cho khách ăn tại chỗ dù cửa hàng bán online là chủ yếu. Số lượng ăn tại chỗ chiếm khoảng 20% doanh thu của cửa hàng. Tuy nhiên, ngay khi dịch Covid xuất hiện lần thứ 4, chị đã chuyển sang “bán hàng mang đi” ngay dù chưa có bất kỳ khuyến cáo nào từ cơ quan chức năng. 

Những hàng ăn phục vụ khách văn phòng cũng ngay lập tức sử dụng vách chống ngăn. Các chủ quán cà phê cũng lên các hội nhóm hỏi về các địa điểm mua vách ngăn để sử dụng. Thậm chí, nhiều chủ các cửa hàng còn lên tiếng động viên nhau chịu khó kê bàn giãn cách, đầu tư vách ngăn để có đủ trang thiết bị cầm cự qua mùa dịch, vì có đóng cửa hàng cũng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng. 

Cầm cự mỗi ngày…

Thực tế, khi các thành phần kinh tế vẫn chưa hồi phục sau nhiều đợt dịch liên tục trong thời gian qua thì làn sóng dịch lần thứ 4 này như dội một gáo nước lạnh vào các ngành nghề dịch vụ nhỏ lẻ. Trong đó, hoạt động cho thuê bất động sản (đặc biệt là loại hình nhà mặt phố), khách sạn mini không có bất kỳ sự thay đổi gì sau đợt dịch lần đầu tiên. Khá nhiều khách sạn nhỏ trên khu phố cổ Hà Nội đã chấp nhận phá vỡ décor hàng ngày, lắp ghép thêm giường ngủ trong từng phòng để cho thuê theo tháng với giá rẻ hơn để cầm cự qua mùa dịch. Nhưng đợt dịch này chưa hồi, đợt dịch khác lại đến. 

Bà Nguyễn Lê Thủy - chủ một căn nhà trên phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội) cho biết, sau khi bị trả nhà trong đợt dịch đầu tiên, bà đã đăng cho thuê căn nhà của mình trên nhiều trang cho thuê bất động sản, cũng có người hỏi thuê. Nhưng khi đang tiến hành sửa chữa để ký hợp đồng thì lại có đợt dịch mới. “Đến giờ, đã có 2 người đồng ý thuê và sửa chữa nhưng nhà vẫn đóng cửa im ỉm vì người thuê chấp nhận bỏ cọc để tránh thua lỗ chứ không cố thuê nhà nữa”. 

Đại diện của một tòa nhà khá lớn trên phố Xã Đàn (Hà Nội) cũng cho biết, vì Covid-19 mà toàn bộ các căn phòng nằm phía mặt đường không thể cho thuê kể từ khi dịch Covid xuất hiện dù đã đưa giá thuê về thấp nhất có thể. 

Theo tìm hiểu của PLVN, trong nhóm kinh doanh cà phê Hà Nội, những dòng trạng thái thông tin về cho thuê mặt bằng, sang nhượng quán không một người bình luận, hỏi han… Kể cả những thông tin cực kỳ hữu ích trong mùa dịch Covid như “giá thuê rẻ nhất khu vực Ba Đình”, “nếu phải nghỉ vì Covid chủ nhà chủ động miễn phí tiền nhà”… cũng chỉ có vài người vào hỏi thăm, xin thông tin. 

Quanh chuyện thuê mặt bằng, chủ quán cà phê G- Kim không ngần ngại cho biết, chị thuê nhà 75 triệu/tháng, có 12 nhân viên mà mỗi ngày chỉ bán được gần 2 triệu đồng, trong khi trước khi dịch ập tới, mỗi ngày thu đến 15 triệu đồng. Chị này than: “Sắp ngất rồi! không biết còn cầm cự được bao lâu nữa!”.

(còn tiếp)

Đọc thêm