Kinh doanh thông minh: Hướng đi mới cho doanh nghiệp muốn phát triển

(PLO) - Việc ứng dụng các giải pháp thông minh có thể giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến và nâng cao năng suất chất lượng từ đó khẳng định vị thế trên thị trường.
Xu hướng về hệ thống thông minh, nhà máy thông minh là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt. Ảnh minh họa
Xu hướng về hệ thống thông minh, nhà máy thông minh là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt. Ảnh minh họa

Số lượng nhiều nhưng chưa sâu

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam (VNPI), thực tế nền kinh tế Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ chiếm trên 95% tổng số DN đăng ký, tạo ra khoảng 43,2% GDP, 31% giá trị xuất khẩu, đóng góp 29% các khoản thu vào ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho hơn 5 triệu lao động. Mặc dù thể hiện được vai trò động lực tăng trưởng của nền kinh tế nhưng thực tiễn khu vực này còn nhiều khó khăn do quy mô nhỏ và thiếu chủ động trong áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh. 

Lý giải điều này, ông Tuấn đưa ra con số, hiện nay máy móc thiết bị đang được sử dụng ở các DN chỉ có 10% hiện đại, 38% trung bình và 52% lạc hậu. Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao mới chỉ có 2%, trong khi đó ở Thái Lan tỷ lệ này là 31%, Malaysia là 51% và Singapore là 78%. Bên cạnh đó năng lực quản trị, tiếp cận chuẩn quốc tế cũng còn hạn chế.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu ý kiến: “Hiện xu hướng về hệ thống thông minh, nhà máy thông minh, quyết định thông minh là thách thức đối với các doanh nghiệp. Nếu chúng ta không tìm những giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất và năng lực cạnh tranh thì chúng ta sẽ bị thụt lùi. Để tiến đến những hệ thống thông minh chắc chắn sẽ tốn rất nhiều công sức, kinh phí nhưng đây sẽ là xu hướng của công nghệ 4.0 và DN nào áp dụng thành công các giải pháp thông minh vào hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ giúp cải tiến và nâng cao năng suất lao động”.

“Năng lực cạnh tranh của DN chính là khả năng DN tạo ra được năng suất và chất lượng cao hơn đối thủ cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần, tạo ra thu nhập cao và phát triển bền vững. Năng lực cạnh tranh của DN còn thể hiện thực lực và lợi thế của DN so với đối thủ cạnh tranh trong việc đáp ứng các nhu cầu của khách hàng. Việc ứng dụng các giải pháp thông minh giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trong thời đại kỷ nguyên số”, ông Vinh nhấn mạnh.

Phát triển nhờ kinh doanh thông minh

Tại hội thảo “Giải pháp kinh doanh thông minh để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững kinh nghiệm từ Hàn Quốc”, ông Kwon Jong Goo – kỹ sư phát triển giải pháp Cty Young Lim Won Soft Lab cho biết, hiện nay các Cty hàng đầu thể hiện sự kinh doanh bền vững như trường hợp của Amazon, Samsung, Apple, Walmart…Các Cty này rất nổi tiếng và là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh toàn cầu của họ và để nắm giữ được vị trí này, gần đây các Cty này đang xem xét và phát triển một vài thứ quan trọng như: A.I (trí tuệ nhân tạo), I.O.T (kết nối vạn vật qua Internet)…

“Sẽ là thách thức nếu DN không áp dụng công nghệ để hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn. Cơ hội hiện hữu nhưng chỉ đến với những DN chớp nhanh lấy thời cơ, tận dụng được cơ hội. DN cần ứng dụng giải pháp thông minh tăng hiệu quả hoạt động, đưa ra quyết định sản xuất kinh doanh nhanh nhất và hiệu quả nhất”, ông Nguyễn Quang Vinh đưa ra lời khuyên.

Bên cạnh đó, tại Hàn Quốc hiện nay, các DN vừa và nhỏ sử dụng hình thức kinh doanh thông minh (BI – Business Intelligence). Đây là phương pháp giúp các DN đưa ra quyết định trong kinh doanh thông qua việc sử dụng các dữ kiện và các hệ thống dựa trên dữ kiện và phân tích dữ liệu đa chiều về khách hàng, thị trường và đối tác.

Ông Kwon Jong Goo lấy ví dụ, Tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Walmart có khoảng 245 triệu khách hàng, những khách hàng này tạo ra một số lượng lớn dữ liệu từ các thông tin bán hàng cơ bản đến các các bộ phận đăng ký thu ngân. Mỗi giờ họ thu thập 2,5 petabytes dữ liệu phi cấu trúc từ 1 triệu khách hàng để thống kê các nhu cầu mua sắm. Chiến lược của Walmart cho thấy làm thế nào để có được những thông tin hữu ích từ dữ liệu thô dựa trên các ví dụ về khai phá dữ liệu.

“Nhờ công nghệ BI, DN có thể xử lý một lượng lớn dữ liệu để đưa ra các quyết định kinh doanh đúng đắn. Ngoài ra, có thể đánh giá nhu cầu và sự phù hợp của các sản phẩm, dịch vụ cho các phân khúc thị trường khác nhau, tạo lợi thế cạnh tranh của DN” -  ông Kwon Jong Goo cho hay.

Đọc thêm