Kinh doanh xăng dầu: Điều kiện cắt giảm chỉ là... “râu ria”

(PLO) - Trong 675 điều kiện kinh doanh, đầu tư vừa được Bộ Công Thương cắt giảm thì lĩnh vực xăng dầu chiếm 5 điều kiện. “Soi” kỹ những điều kiện cắt giảm trong lĩnh vực xăng dầu, nhiều người không khỏi thất vọng vì những nội dung được cắt giảm chỉ là “râu ria”. Vì thế, để kinh doanh được xăng dầu thì phải là những... “ông lớn” mới đủ tài chính đáp ứng được các điều kiện.
Ngặt nghèo về điều kiện kinh doanh đã phá vỡ tính thị trường mặt hàng xăng dầu ở Việt Nam
Ngặt nghèo về điều kiện kinh doanh đã phá vỡ tính thị trường mặt hàng xăng dầu ở Việt Nam

Vẫn là sân chơi của các “ông lớn”

Đã từ lâu, kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam được đánh giá là thiếu môi trường cạnh tranh, chỉ là sân chơi của một số ít doanh nghiệp (DN) đầu mối, dẫn đầu là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với khoảng 50% thị phần. Từ người dân cho đến nhiều chuyên gia kinh tế đều mong muốn có cuộc cải cách lớn về điều kiện kinh doanh xăng dầu để những DN nhỏ cũng có thể nhảy vào lĩnh vực này, tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh, người dân được hưởng lợi khi mua nhiên liệu.

Trong đợt cắt giảm điều kiện kinh doanh được đánh giá là “lịch sử” chưa từng có của Bộ Công Thương lần này, nhiều người kỳ vọng những điều kiện cơ bản, gây khó khăn cho DN khác chen chân vào lĩnh vực xăng dầu sẽ được cắt bỏ. Nhưng những kỳ vọng này vẫn  chưa được đáp ứng.

Nghị định số 83/2014/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 83) ràng buộc những điều kiện kinh doanh ngặt nghèo, được coi là “vòng kim cô” cho những  DN lớn, khó có cửa cho những DN khác chen chân vào, nhất là những DN nhỏ và vừa.

Theo Nghị định trên, để kinh doanh nhập khẩu, xuất khẩu xăng dầu thì thương nhân phải có cầu cảng chuyên dụng nằm trong hệ thống cảng quốc tế của Việt Nam, bảo đảm tiếp nhận được tàu chở xăng dầu hoặc phương tiện vận tải xăng dầu có trọng tải tối thiểu 7.000 tấn, thuộc sở hữu DN hoặc đồng sở hữu, nếu không phải thuê sử dụng từ 5 năm trở lên. Thương nhân cũng cần có kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu dung tích tối thiểu 15.000 m3, thuộc sở hữu hoặc thuê từ 5 năm trở lên. Ngoài ra, còn phải có phương tiện vận tải xăng dầu nội địa; có hệ thống phân phối xăng dầu tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ, 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ.

Đối với phân phối xăng dầu, Nghị định 83 quy định, DN kinh doanh phải có kho, bể dung tích tối thiểu 2.000m3; có phương tiện vận tải xăng dầu; có phòng thử nghiệm; có hệ thống phân phối xăng dầu từ hai tỉnh, thành phố trở lên, sở hữu tối thiểu 5 cửa hàng bán lẻ, 10 cửa hàng thuộc các đại lý bán lẻ xăng dầu. Với tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, cũng phải có kho, bể xăng dầu dung tích tối thiểu 2.000m3; có phương tiện vận tải xăng dầu và có hệ thống phân phối xăng dầu.Với đại lý kinh doanh bán lẻ xăng dầu, Nghị định 83 quy định phải được sở Công Thương cấp tỉnh cấp chứng nhận đủ điều kiện.

Giảm tính cạnh tranh, tăng độc quyền?

Nhìn chung, Nghị định 83 quy định chặt chẽ về cảng chuyên dụng, dung tích kho chứa, phương tiện vận tải, hệ thống phân phối xăng dầu… Một số điều kiện không cần chủ sở hữu nhưng DN phải thuê ít nhất từ 5 năm trở lên (phương tiện vận tải). Như vậy, để nhập khẩu, phân phối, kinh doanh xăng dầu, DN phải đầu tư mới hàng loạt hạng mục lớn với số vốn không hề nhỏ. Điều này khiến các DN nhỏ không thể chen chân vào, tạo kẽ hở cho kinh doanh xăng dầu thiếu tính cạnh tranh, ảnh hưởng đến lựa chọn của người tiêu dùng.

Nghị định trên có 41 điều kiện kinh doanh xăng dầu thì mới đây trong đợt cắt giảm, Bộ Công Thương chỉ đề xuất cắt 5 điều kiện. Điều đáng nói, những điều kiện về cầu cảng chuyên dụng, dung tích kho chứa, phương tiện vận tải, số lượng cửa hàng… không được Bộ này đề xuất cắt giảm?  Năm nội dung cắt giảm thực chất chỉ là phần “râu ria” của những điều kiện trên! Nói cách khác, sau đợt cắt giảm điều kiện kinh doanh “lịch sử” của Bộ Công Thương, lĩnh vực xăng dầu vẫn là sân chơi “độc quyền” của các “ông lớn”.

Trao đổi với PLVN, TS.Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, trong kinh doanh xăng dầu, những quy định về cầu cảng, dung tích kho chứa, phương tiện vận tải, hệ thống phân phối, số lượng trạm xăng... cần phải được cân nhắc lại; phải làm sao để tạo ra sự cạnh tranh, bình đẳng, DN nào cũng có thể tham gia kinh doanh, tránh hiện tượng độc quyền. Khi đó người tiêu dùng sẽ có lợi. 

“Với các DN xăng dầu nhỏ thì không nên nhất thiết đòi hỏi họ có bao nhiêu kho xăng dầu lớn, bao nhiêu trạm xăng dầu. Những điều kiện này, tôi nghĩ Bộ Công Thương nên xem xét lại có cần thiết hay không? Tôi nghĩ quy định về quy mô kho xăng dầu, phương tiện vận tải, số lượng trạm xăng nên để nhà kinh doanh tự quyết định, vì cái đó không ảnh hưởng gì cả”, ông Doanh nói. 

Một số ý kiến khác cho rằng, chính những quy định ngặt nghèo về điều kiện kinh doanh đã phá vỡ tính thị trường mặt hàng xăng dầu ở Việt Nam; “khuyến khích” cái độc quyền, hạn chế cạnh tranh, dẫn đến xăng bán lẻ chỉ có một giá. Cũng từ đó, dư luận nghi ngại về sự minh bạch trong giá bán xăng; việc quản lý, sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu, nguồn gốc xăng…

Một số điều kiện nên để nhà kinh doanh tự quyết

“Với các DN xăng dầu nhỏ thì không nên nhất thiết đòi hỏi họ có bao nhiêu kho xăng dầu lớn, bao nhiêu trạm xăng dầu. Những điều kiện này, tôi nghĩ Bộ Công Thương nên xem xét lại có cần thiết hay không? Tôi nghĩ quy định về quy mô kho xăng dầu, phương tiện vận tải, số lượng trạm xăng nên để nhà kinh doanh tự quyết định, vì cái đó không ảnh hưởng gì cả”, TS.Lê Đăng Doanh. 

Đọc thêm