Kinh Môn (Hải Dương): Để đá núi muôn đời là gia sản

(PLO) -Nhắc đến vùng đất Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) là người ta biết đến Xi măng Hoàng Thạch. Xung quanh Hoàng Thạch là la liệt nhà máy xi măng lớn nhỏ, làm thành một khu công nghiệp xi măng lớn nhất nước. Những nhà máy lớn như Hoàng Thạch, Phúc Sơn, Ching Phong, Hải Phòng công suất gần 20 triệu tấn/năm đều “châu tuần” cả ở đây…
Kinh Môn (Hải Dương): Để đá núi muôn đời là gia sản

1. Xi măng làm giàu cho cả nước, cũng làm giàu cho Kinh Môn, nhưng hậu quả ô nhiễm đất đai, môi trường, núi sông bị tàn phá, thì dường như chỉ mình Kinh Môn chịu.

Một thời gian dài trước đây, hệ lụy của ô nhiễm xi măng đã tốn biết bao nhiêu giấy mực, từ kêu cứu đến tranh chấp. Việc này chắc chắn các cấp từ địa phương đến trung ương phải xúm vào cùng lo tính, chứ huyện không thôi thì không đủ sức lo. 

Gần đây, Kinh Môn đang có một hướng phát triển mới, triển vọng rất lớn. Đó là chuyển hướng, khai thác tiềm năng vốn có của thiên nhiên, núi non, thắng cảnh và di tích ở địa phương để phát triển du lịch, khai thác thế mạnh về nông sản để phát triển kinh tế.

2. Kinh Môn có vị trí địa lý đặc biệt, nằm ở ngã ba phân giới 3 tỉnh Hải Dương (Kinh Môn) - Quảng Ninh (Đông Triều) và Hải Phòng (Thủy Nguyên). Đó là một vùng phong thủy hiếm có, nơi hội tụ các con sông Kinh Thày, Đá Bạc, Bạch Đằng, với những dãy núi đá vôi hùng vĩ, nhiều núi đá vôi đa dạng, trong lịch sử gọi là “Hạ Long cạn”. Một vùng non nước hữu tình, đất thiêng của nhiều đời cha ông để lại, ngày nay chỉ đang bị hủy hoại để phát triển công nghiệp xi măng. 

Hang Nhẫm Dương với ngôi chùa cổ là di tích ít ỏi còn sót lại, ngày nay cùng với quần thể An Phụ, Kính Chủ vừa được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Những người dân địa phương đều biết rõ rằng, loại hang như Nhẫm Dương, hang Đốc Tít, thì ngày xưa khu vực này có rất nhiều. Hang nhỏ không đếm xuể. May thay, tuy muộn còn hơn không, đã đến lúc mọi người đều thấy rõ giá trị của phong thủy, địa hình, địa vật việc công nhận di tích quốc gia đặc biệt là một hành động cứu một vùng sông núi thiên nhiên hùng vĩ và tráng lệ.

Núi Yên Phụ là “núi cha” của vùng Đông Bắc, nằm trong phạm vi trang ấp An Sinh của An Sinh vương Trần Liễu xưa. Đỉnh núi An Phụ cũng chính là nơi an táng An Sinh vương Trần Liễu. Ngày nay, quần thể tượng đài Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là quần thể tượng đẹp nhất, hội đủ yếu tố tâm linh và phong thủy.

Cách Yên Phụ khoảng 2 kilomet là quần thể núi Kính Chủ với những hang động rất đẹp, một địa danh thiêng. Đọc Đại Việt Sử ký toàn thư, mỗi khi có biến động về lở đất, hay bão gió ảnh hưởng đến núi đều được ghi chép lại, từ đó suy đoán vận mệnh triều đình. Núi này gắn với câu chuyện cổ tích Thần trụ trời, chân của trụ chính là Kính Chủ. 

Vào năm 1284, khi quân Nguyên đánh vào Đại Việt, thế giặc rất mạnh, vua Trần Nhân tông đã phải đi thuyền nhẹ tìm Hưng Đạo vương Quốc Tuấn để tìm kế chống giặc. Người đã dừng ở xã Hữu Triều Môn, tức là vùng gần Kính Chủ - Bến Triều hiện nay rồi mới đi đến Vạn Kiếp. 

Kính Chủ cũng là nơi sinh ra những danh nhân thời Hậu Trần như Phạm Sư Mạnh, Phạm Ngộ. Phạm Sư Mạnh đã khắc thơ trên vách hang Kính Chủ, nay vẫn còn. Bài thơ là tiếng reo vui kiêu hãnh tôn vinh chiến thắng chống Nguyên của quân dân nhà Trần.

3. Theo tin từ Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, hiện nay tổng công suất các nhà máy xi măng cả nước đạt hơn 80 triệu tấn/năm, riêng năm 2017, có thể dư thừa đến 26 triệu tấn. 

Đã đến lúc cần đặt ra một bài toán về hiệu quả của việc làm xi măng, việc đánh đổi xi măng với việc phá hủy môi trường sinh thái, cái nào lợi hơn? Tại sao một đất nước dày đặc núi đá vôi như Đài Loan lại chỉ chú ý nhập khẩu xi măng. Tại sao một địa phương có vùng địa lý đá vôi tương tự Kinh Môn, là Ninh Bình, ngày nay lại phát triển du lịch cực mạnh. Có thể là do trước kia Ninh Bình không thể gọi đầu tư xây dựng nhà máy xi măng lớn, hóa ra lại là điều may cho Ninh Bình. 

Giữ gìn phong thủy là một yếu tố làm nên sức mạnh tâm linh của dân tộc ta, từ đó mà hình thành thổ nhưỡng, khí hậu, địa linh sinh nhân kiệt. 

Kinh Môn (Hải Dương) có một kho của thiên nhiên ngàn đời để lại, ở đây không chỉ có các thắng tích, thắng cảnh, mà còn có sản vật rất đặc biệt ít nơi nào có. Tỏi, nếp cái hoa vàng là các nông sản rất nổi tiếng; rươi, cà ra, ruốc là sản vật thiên nhiên ban tặng xuất đi khắp nơi. Một vùng non sông gấm vóc như vậy mà đánh đổi để lấy xi măng thật là lãng  phí. 

Việc công nhận quần thể di tích quốc gia đặc biệt cho 3 cụm di tích ở huyện Kinh Môn (An Phụ, Kính Chủ, Nhẫm Dương) là một tín hiệu “đèn xanh” của cấp Nhà nước nhìn nhận một xu thế phát triển mới về du lịch và sinh thái cho không chỉ vùng Kinh Môn, mà còn có hy vọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của mọi vùng đất nước.

Đọc thêm