Kinh tế năng lượng: Tiềm năng có, khó khai thác!

(PLO) - Theo PGS.TS  Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, năm nay chúng ta chứng kiến sự thay đổi lớn của nền kinh tế, đặc biệt về năng lượng khi những ngành khai thác tài nguyên đã có sự thay đổi căn bản. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, khai thác năng lượng không dễ “ăn”, kể cả năng lượng tái tạo…

Chúng ta đang tận thu tài nguyên!

Những thay đổi căn bản của ngành khai thác tài nguyên, đặc biệt than và khí, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, đang có xu hướng giảm, đặc biệt khai thác dầu khí không những giảm mà còn âm. “Nếu không thay đổi cách khai thác, đó là thảm họa chứ không theo nghĩa khó khăn bình thường. Chúng ta đang tận thu tài nguyên!”- ông Thiên phát biểu.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Viện trưởng Viện dầu khí Việt Nam, trước đây ngành Dầu khí cũng có tham vọng tìm được mỏ khí ở cả 3 miền để kết nối năng lượng cả nước như đường dây 500 KV của ngành điện, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

“Quả thật chúng ta có rất nhiều tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, khoáng sản nào cũng có nhưng ít, trừ than. Tuy nhiên, công nghệ khai thác mới là vấn đề.  Tìm ra nó dễ, nhưng khai thác khó vì nó liên quan đến hệ cân bằng, khi khai thác không đúng ảnh hưởng đến môi trường”- ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, thực ra ngành dầu khí đã tính đến nguồn dầu khí phi truyền thống cách đây 10- 15 năm, ví dụ khí metan trong than. Viện Dầu khí cũng đã khảo sát bể than sông Hồng nhưng hàm lượng khí metan cũng thấp; về năng lượng tái tạo.  PVN cũng đã từng nghĩ đến nhưng không phải là đơn vị chuyên nghiệp, nên nếu làm cũng phải hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước, chưa kể bài toán vốn, quản trị sao cho hiệu quả hơn…

TS Dương Trung Kiên, Trưởng khoa quản lý năng lượng, Đại học Điện lực dẫn số liệu thống kế và cho biết hiện chúng ta vẫn đang khai thác tài nguyên nhưng vẫn nhập khẩu năng lượng, và nếu tiết kiệm được sẽ giảm đi rất nhiều ngoại tệ nhập năng lượng. Theo vị chuyên gia này, vấn đề quan trọng vẫn là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Kết quả kháo sát được TS Kiên đưa ra là có 100% DN chưa có chính sách năng lượng cụ thể, 100% chưa có cam kết của lãnh đạo trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, mới chỉ có 25% DN có các hướng dẫn về sử dụng năng lượng; mới có 12,5% DN có cấu tổ chức về quản lý năng lượng theo quy định của Luật; 25% DN chưa có bộ phận quản lý năng lượng; 62,5% có bộ phận quản lý năng lượng nhưng chưa đúng, chưa xác định được chức năng, nhiệm vụ theo quy định…

Năng lượng tái tạo - Khó vì công nghệ, thiết bị…

Theo ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, trong khi nguồn từ khai thác khoáng sản tài nguyên đang có xu hướng giảm thì nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam lại đầy tiềm năng, nhất là năng lượng gió, mặt trời, điện sinh khối…, về chính sách thu hút đầu tư phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo cũng tương đối đầy đủ, từ Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đến các Quyết định  ban hành cơ chế khuyến khích phát triển các loại nguồn sử dụng năng lượng tái tạo để phát điện (về dự án điện gió,  dự án điện sử dụng chất thải rắn, dự án điện sinh khối, dự án điện mặt trời...) cùng với các chính sách tài chính, tín dụng (tín dụng, thuế…), nhưng lúng túng nhất hiện nay vẫn là về công nghiệ thiết bị…

Vấn đề này càng đặc biệt hơn trong bối cảnh cuộc cách mang công nghiệp 4.0, cuộc cách mạng theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS. TS Trần Đình Thiên, đang thay đổi cực kỳ nhanh mà rất có thể công nghệ chúng ta sử dụng ngày hôm nay ngày mai thế giới không còn sử dụng. Điều này đòi hỏi chúng ta phải bám sát, cập nhật tình hình và đòi hỏi phải có tầm nhìn chiến lược.

Điểm lại một loạt vấn đề của ngành năng lượng, trong đó có dự án điện hạt nhân, chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cho rằng, khi dự án này đưa ra và khi dừng dự án các lý lẽ đều rất thuyết phục. Tiếp đến là 12 dự án, trong đó chủ yếu là dự án năng lượng đều thua lỗ… “Rõ ràng câu chuyện ở đây là quy hoạch và chiến lược. Đây là vấn đề quan trọng nhất. Chúng ta phải có cái nhìn chiến lược toàn diện để từ đó mới nói đến chuyện phối hợp các ngành như thế nào, tránh những vụ việc đau xót như đã xảy ra…”-TS Thành đề nghị.

Vị chuyên gia này lưu ý, đặc thù năng lượng của Việt Nam chúng ta chủ yếu là thủy điện và không có điện hạt nhân, và nói đến năng lượng không thể không đề cập đến, tiêu dùng và sử dụng năng lượng. Theo ông, nhu cầu năng lượng vẫn rất cao và áp lực vẫn rất lớn. Đây là những vấn đề cần tính đến khi xây dựng chiến lược về năng lượng. 

Đọc thêm