“Kinh tế phát triển sẽ tạo nguồn thu lớn hơn và bền vững hơn…”

(PLO) - Dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp (DN), đang được Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, DN, trong đó có giải pháp giảm thuế cho đối tượng DN nhỏ và vừa (DNNVV). Liệu việc giảm thuế này có ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn như hiện nay? 
“Kinh tế phát triển sẽ tạo nguồn thu lớn hơn và bền vững hơn…”

Xung quanh vấn đề này, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính đã có cuộc trao đổi với báo chí. 

Thưa ông, nếu được phê duyệt, lộ trình giảm thuế sẽ như thế nào và tiêu chí cụ thể DNNVV như thế nào thì được hưởng ưu đãi? 

- Như trong dự thảo đã đề xuất, thuế suất đối với DNNVV là 17% được áp dụng trong giai đoạn từ 2017-2020. Trong quá trình thực hiện Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổng kết lý luận và thực tiễn để nghiên cứu khi sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Về tiêu chí xác định DNNVV khi áp dụng các ưu đãi nêu trên, hiện mỗi quốc gia đều có một tiêu chí xác định DNNVV riêng nhưng chủ yếu là dựa vào tiêu chí doanh thu, thu nhập, lao động và vốn đầu tư. Một số quốc gia xác định theo tiêu chí thu nhập của DN như Hàn Quốc, Thái Lan; một số nước khác sử dụng tiêu chí doanh thu hoặc lao động (như Malaysia); một số nước khác lại kết hợp đồng thời hai hoặc 3 tiêu chí để xác định DNNVV như: Pháp sử dụng cả hai tiêu chí doanh thu và thu nhập, Trung Quốc sử dụng đồng thời 03 tiêu chí về số lao động, doanh thu và tổng tài sản,…

Theo Luật Thuế TNDN số 32/2013/QH13 thì DN có quy mô nhỏ và vừa được áp dụng mức thuế suất phổ thông 20% trong giai đoạn 2013-2015 là DN có tổng doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng.

Tại dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV (Bộ KH&ĐT đang gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng DN, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV vào tháng 10/2016) đề xuất việc xác định DNNVV dựa theo tiêu chí doanh thu (doanh thu của năm trước liền kề không vượt quá 100 tỷ đồng) hoặc lao động (lao động bình quân năm của năm trước liền kề không quá 300 người). Tuy nhiên, nếu lấy tiêu chí theo đề xuất này để xác định đối tượng được áp dụng mức giảm thuế suất thuế TNDN theo diện DN có quy mô nhỏ và vừa thì chưa thật sự phù hợp.

Thực tế cho thấy, các DN càng có quy mô nhỏ thì càng dễ bị tổn thương trước những biến động của nền kinh tế, môi trường kinh doanh, trước sự cạnh tranh khi hội nhập kinh tế quốc tế,… trong bối cảnh kinh tế - xã hội và thu ngân sách hiện nay thì việc xác định tiêu chí DNNVV để đề xuất giải pháp hỗ trợ giảm thuế suất thuế TNDN cần dựa trên nguyên tắc: hỗ trợ đúng, trúng đối tượng để đạt được lợi ích kinh tế, xã hội cao nhất nhưng lại không làm ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách nhà nước (NSNN). Thực tế, Luật Thuế TNDN số 32/2013/QH13 cũng đã xác định DN có quy mô nhỏ và vừa được áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất phổ thông trong giai đoạn 2013 - 2015 là DN có tổng doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng.

Từ những phân tích nêu trên, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội xác định tiêu chí DNNVV như quy định tại Luật Thuế TNDN số 32/2013/QH13 (doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng).

Trong năm qua, số DNNVV đóng thuế được bao nhiêu và chiếm bao nhiêu phần trăm. Nếu giảm thì NSNN hụt thu bao nhiêu?

- Theo số liệu số thu thuế TNDN năm 2015, nếu xác định DNNVV theo tiêu chí doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng như quy định tại Luật Thuế TNDN số 32/2013/QH13 thì số lượng DN này mặc dù chiếm đến 86,2% nhưng số thu về thuế TNDN chỉ có 2.746 tỷ đồng; còn nếu nâng mức doanh thu lên 100 tỷ đồng như đề xuất tại dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV thì số lượng DN chiếm 95,2% (tăng 9% so với số DN có mức doanh thu không quá 20 tỷ đồng) và số thu về thuế TNDN là 8.710 tỷ đồng (tăng 5.964 tỷ đồng so với DN có mức doanh thu không quá 20 tỷ đồng).

Do đó, nếu xác định DNNVV được áp dụng thuế suất 17% theo tiêu chí doanh thu năm không quá 100 tỷ đồng thì mức giảm thu ngân sách khoảng 1.500 tỷ đồng/năm, còn nếu xác định DNNVV theo tiêu chí doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng thì mức giảm thu ngân sách chỉ khoảng 473 tỷ đồng.

Theo ông, con số hụt thu này có đáng lo ngại không?

- Cũng có người đặt ra câu hỏi vì sao đặt ra chính sách giảm thu trong bối cảnh ngân sách đang khó khăn. Nhưng chúng tôi cho rằng nếu chính sách của chúng ta trúng, đúng đối tượng thì chúng ta chỉ cần sử dụng một nguồn lực rất nhỏ nhưng lại có tác động rất lớn đến sản xuất kinh doanh. Tác động đó chính là tạo điều kiện cho DNNVV phát triển, cũng chính là tăng trưởng GDP. Mà tăng trưởng GDP là cái gốc của vấn đề thu ngân sách.

Nếu chúng ta đạt được điều đó thì chúng ta không sợ giảm thu ngân sách vì kinh tế phát triển sẽ tạo nguồn thu lớn hơn và bền vững hơn, cũng là cơ hội tái cơ cấu lại nguồn thu trong nước để tăng tỷ trọng thu nội địa. Thực tế, kinh nghiệm thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN trong giai đoạn 2012-2014 cũng đã cho thấy điều này. Mặt khác ngân sách những năm hiện tại cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều do số lượng DNNVV chiếm phần lớn trong nền kinh tế nhưng tỷ trọng đóng góp vào NSNN về thuế TNDN lại nhỏ.

Mặt khác, để vừa đảm bảo nguồn thu NSNN, vừa có các chính sách thuế nhằm hỗ trợ và phát triển DN, số giảm thu ngân sách do thực hiện các giải pháp về thuế sẽ được bù đắp bằng các giải pháp như: Đẩy mạnh công tác xử lý nợ đọng thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, nhất là chống chuyển giá; thực hiện có kết quả Nghị định 19 năm 2016 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách thuế mới có hiệu lực thi hành.

Xin cám ơn ông!

Đọc thêm