Kinh tế Việt Nam đã “thoát đáy”

(PLO) - “Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2014 là tín hiệu khả quan để cả năm 2014 có thể thực hiện được chỉ tiêu kế hoạch đề ra (khoảng 7%), thậm chí có thể còn tăng thấp hơn 6% - mức tăng thấp nhất từ năm 2004 đến nay và đây là năm thứ 3 liên tục chỉ số giá tiêu dùng tăng chậm lại” – thông tin dự báo dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê về chỉ số kinh tế - xã hội 6  tháng đầu năm. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Hôm nay (30/6), phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 (kéo dài đến ngày 1/7) sẽ bắt đầu với những nội dung quan trọng để triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm, trong bối cảnh “Quốc hội không điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội dù có ảnh hưởng của tình hình bất ổn trên biển Đông” như khẳng định của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Hạnh Phúc sau khi bế mạc Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII.
6 tháng đầu năm, CPI tăng 4,77%
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), CPI tháng 6 của cả nước tăng 0,3% so với tháng 5 và tăng 4,98% so với cùng kỳ năm 2013. Tính chung 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2013, CPI tăng 4,77%. Đa số các nhóm hàng hóa (như: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống; Đồ uống và thuốc lá; May mặc, mũ nón, giày dép; Nhà ở và vật liệu xây dựng; Thiết bị và đồ dùng gia đình; Thuốc và dịch vụ y tế; Giao thông; Giáo dục;  Văn hóa, giải trí và du lịch; Hàng hóa và dịch vụ khác) có chỉ số giá tăng dưới 1% so với tháng 5.
Trong đó, tăng cao nhất là thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,74%, còn thấp nhất là giáo dục chỉ tăng 0,01%; riêng nhóm hàng bưu chính viễn thông có chỉ số giá giảm 0,13% so với tháng 5. Trong khi chỉ số giá USD tăng 0,49% so với tháng 5/2014 thì trong tháng 6, chỉ số giá vàng giảm 0,12%. Như vậy, so với tháng 6/2013, giá vàng đã giảm 9,79%. 
Một chỉ số quan trọng khác là tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm cũng ước tính tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,7%).
Không đáng lo khi CPI tăng thấp
Ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, việc tăng thấp của CPI tháng  6 và 6 tháng đầu năm 2014 do nhiều yếu tố như giá  nhập khẩu tính bằng USD nhìn chung giảm so với cùng kỳ năm trước, tỷ giá VND/USD cơ bản ổn định, lãi suất vay ngân hàng đã giảm từ 1 - 2% so với cùng kỳ năm trước. 
Cùng với đó, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước về qui mô tuyệt đối có cao lên qua các tháng, nhưng cộng dồn so với cùng kỳ năm trước theo giá thực tế 5 tháng vẫn còn giảm 0,1%; tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP tiếp tục thấp hơn cùng kỳ năm trước và thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch cả năm, một bộ phận người tiêu dùng vẫn tiếp tục “thắt lưng buộc bụng” nên tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng/GDP đã giảm nhanh trong các năm trước, có thể không tăng, thậm chí còn tiếp tục giảm trong năm nay…
Đồng thời, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, CPI tăng thấp không đáng lo vì “lạm phát tăng thấp không phải là điều lo lắng, ngược lại đây là tín hiệu mừng” vì những tháng cuối năm, thông thường CPI tăng mạnh, nhưng với bối cảnh chung hiện nay, lạm phát năm 2014 sẽ chỉ trên 5%. Bên cạnh đó, dư địa để GDP nửa cuối năm đạt 6,25% là hoàn toàn khả thi nên “mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 5,8% cả năm 2014 nằm trong tầm tay” – ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định.
Với nhiều tín hiệu khả quan cho thấy “nền kinh tế Việt Nam đã chính thức thoát đáy”, nhưng trong tình hình kinh tế - xã hội chịu nhiều tác động và sức ép trong thời điểm này thì cần chú ý việc kiểm soát lạm phát và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường để đẩy tốc độ tăng dư nợ tín dụng tương ứng với yêu cầu tăng trưởng kinh tế.

Đọc thêm