Kỷ niệm 20 năm BTA: Ấn tượng với Trưởng đoàn đàm phán BTA đậm chất “nhà quê”

(PLVN) - Đắn đo mãi tôi mới dám bốc điện thoại đặt vấn đề phỏng vấn ông, một nhân vật rất nổi tiếng lúc bấy giờ, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ (BTA) Nguyễn Đình Lương. Đó là một ngày cuối năm Tân Tỵ 2001…
Ông tự nhận mình là “người nhà quê”
Ông tự nhận mình là “người nhà quê”

Suốt hơn 20 năm làm báo, tiếp xúc với rất nhiều nhân vật, song ấn tượng về nhà ngoại giao này vẫn rất sâu đậm trong tôi bởi cái nét chân chất, hiền lành rất “nhà quê”  như ông tự nhận…

“Ông vận tự nhận mình là “dân nhà quê”. Có lẽ anh nông dân xứ Nghệ” này chẳng bao giờ hình dung nổi mình đã 7 lần  đặt chân đến đất Mỹ, đã từng ngồi bàn đám phán đấu trí với người Mỹ, bắt tay Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại Nhà Trắng. Ngay lần tiếp xúc đầu tiên, tôi đã rất ấn tượng với cái “chân chất” , “quê mùa” không thường thấy ở các nhà ngoại giao, chính khách… “Mình là dân cày đấy chứ!”- ông cười hồn hậu. “Ngày trước cha tôi dạy đi dạy lại cho tôi là làm nghề cày phải có đường cày thẳng, muốn có đường cày thẳng mắt phải nhìn xa, nhìn phía trước, không được nhìn vào khu con bò… “Trận” này ngày hôm nay chính là nhìn thẳng, nhìn xa, nhìn vào thời đại, nhìn vào hướng đi của đất nước…”. Câu chuyện của chúng tôi đã bắt  đầu trong không khí như vậy…”

Đây là đoạn mở đầu trong bài viết “Nước Mỹ qua con mắt của nhà thuyết khách kinh tế” đang trên báo Pháp luật (nay là Pháp luật Việt Nam) Xuân Nhâm Ngọ 2002.

Từ bản thảo đến bài viết trong cuốn sách.
 Từ bản thảo đến bài viết trong cuốn sách.

Ngày 13/7/2000, tại Washington, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) đã được chính thức ký kết giữa Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Vũ Khoan và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Charlene Bashefsky. Cái tên được nhắc đến nhiều nhất thời điểm đó là Nguyễn Đình Lương, Trưởng đoàn đàm phám BTA.

Nếu ai ở sống thời khắc lịch sử đó hẳn sẽ không quên được cảm xúc vỡ òa bởi BTA được xem dấu mốc quan trọng trong quan hệ bình thường hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, là tấm hộ chiếu để Việt Nam hội nhập với thế giới. Cái cảm xúc đó, với cá nhân tôi, còn đặc biệt hơn cả khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới WTO sau này.

Đã từng sinh ra trong thời kỳ chiến tranh, đã chứng kiến trận B52 Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc, nước Mỹ trong ký ức của những thế hệ chúng tôi là chiến tranh, là đau thương, là thù hận. Và việc BTA được ký kết đã mang đến trong tôi một cảm giác rất khó tả. Một chút nghi hoặc, một chút hãnh diện, một chút tò mò… Và ý định phải gặp người trong cuộc đã thôi thúc tôi…

Đắn đo mãi tôi mới dám bốc điện thoại đặt vấn đề phỏng vấn ông. Thời điểm đó chỉ có điện thoại cố định và may mắn ông đã nghe máy và đã có cuộc hẹn khi ông hỏi lại có phải báo Pháp luật của Bộ Tư pháp không?

Đó một chiều cuối năm Tân Tỵ 2001, một khoảng thời gian trống giữa các bộn bề lịch họp, hội thảo giới thiệu về BTA, tôi đã có được một buổi phỏng vấn với một nhân vật đã đi vào lịch sử đàm phán tại trụ sở Bộ Thương mại, 21 Ngô Quyền (Hà Nội)

Năm 2010, đúng 10 năm sau ngày BTA được ký kết, thông qua một đồng nghiệp, ông Nguyễn Đình Lương ngỏ ý muốn tập hợp một số bài viết để in thành sách, trong đó có bài viết của tôi. Ít lâu sau, cuốn sách “Hiệp định Thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ tạo điều kiện cho Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới”  do Bộ Công Thương phát hành đã dược chuyển đến tòa soạn với lời ghi tặng của ông, Trưởng đoàn Đàm phán BTA: “ Thân tặng bạn Thanh Lan, một cây bút mềm và sắc. Bác Lương”

Ở cái tuổi ngoài 80, ông vẫn dõi theo những vấn đề thời sự của đất nước, đặc biệt các Hiệp định mới mà Việt Nam đã và đang đàm phán ký kết. Trang facebook cá nhân của ông vẫn “sáng đèn” với những bài viết, những bức kỷ niệm về BTA của những phóng viên, đồng nghiệp và những người yêu quý ông gửi cho ông. 

Và ông vẫn nhận ra tôi, một cô phóng viên ngày nào đến hóng chuyện ông đàm phán trên đất Mỹ. “Bác khỏe không? - Tôi nhắn tin hỏi thăm - Khỏe, khỏe của người già! …” Và tôi lại hình dung nụ cười sảng khoái, đôn hậu của ông, một nhà ngoại giao đậm chất “nhà quê”…

Ấn tượng đầu tiên về ông là một người cởi mở, dễ gần với nụ cười đôn hậu. Ông mở đầu cuộc nói phỏng vấn khi giới thiệu: “Tớ là nông dân chính hiệu đấy!” Và cuộc phỏng vấn giữa phóng viên báo Pháp luật với Trưởng đoàn đàm phán BTA như là một cuộc trò chuyện cởi mở, chân tình… 

Trước đó, một số báo đã phỏng vấn ông với tư cách trưởng đoàn đàm phám BTA về nội dung hiệp đinh, về những vấn đề doanh nghiệp quan tâm, về lộ trình triển khai… Nhưng chính sự cởi mở, dễ gần của ông đã khiến tôi quyết định không đi theo hướng đó.

Ông kể, ông đã 7 lần đặt chân đến nước Mỹ, nhưng ấn tượng nhất là lần đầu tiên, vào năm 1994. Ông nói, trong lần đầu tiên đó ông đã đi đánh bạc và thua cháy túi, rồi chuyện ông ngồi xe Cadilac bị người biểu tình ném trứng gà trứng vịt nổ lốp đốp…

Những cảm nhận của một anh chàng nhà quê đã từng đi qua cuộc chiến tranh khốc liệt của dân tộc trên đất Mỹ qua lời kể mộc mạc, lôi cuốn  của ông khiến tôi quên mất mình đang đi phỏng vấn viết bài. Điều mà tôi “note” lại sau những câu chuyên thú vị đó chính là câu “Tôi hiểu rằng, muốn xây dựng quan hệ với Mỹ ở góc độ đối tác phải hiểu Mỹ nhiều hơn, cả về văn hóa, lịch sử, chính trị- kinh tế và tình cách người Mỹ”

Chính vì “hiểu Mỹ nhiều hơn” đã giúp đông và Đoàn đàm phán kiên trì, mền dẻo trong những lần đấu trí trên bàn đàm phán suốt 5 năm với 11 vòng đàm phán. 

Nhưng khó khăn không chỉ trên bàn đàm phán mà còn đến từ chính những rào cản tâm lý trong nước, khi dư âm của cuộc chiến tranh tàn khốc mà Mỹ đã tiến hành ở Việt Nam khi đó còn quá nặng nề. Ông nói: “Cả quá khứ, hiện tại và tương lai đều là lực cản nặng ngàn cân đè nặng lên quá trình đàm phán BTA  từ ngày khởi đầu…”

Những chi tiết mang tính nhạy cảm khi đó tôi đã không đưa vào bài viết và chỉ gói gọn trong một đoạn: “5 năm 11 vòng đàm phán, giả sử hồi đó “cha nào” ôm cho tôi thì tôi sướng lắm! Hơn ai hết, tôi hiểu đây là một thứ quả đắng khó xơi. Cuộc chơi này là cuộc chơi trí tuệ, chứ không phải cuộc đấu bằng gươm, bằng súng. Và tôi hiểu rất sâu sắc rằng không dễ gì ở thời điểm đó hai bên “gặp” được nhau…”

Câu chuyện với Trưởng đoàn phán BTA đã diễn suốt buổi chiều. Ông tiễn tôi ra tận cửa khi thành phố bắt đầu lên đèn với một cơ số ảnh sự kiện về quá trình đàm phán BTA trên đất Mỹ. Rất tiếc, thời điểm đó tôi đã không lưu được hình ành nào bởi với phóng viên khi đó có máy ảnh để tác nghiệp là một sự xa xỉ…

Bài viết trên báo Pháp luật được đăng lại trên cuốn sách.
Bài viết trên báo Pháp luật được đăng lại trên cuốn sách.

Bài viết sau này đã thực hiện rất nhanh và bây giờ đọc lại cũng giật mình vì không thuộc thể loại nào đã được học trong trường - vừa là tự sự, cảm nhận của người viết, xen với những đoạn phỏng vấn để làm toát lên chân dung nhân vật. Đến bây giờ, đọc lại câu kết của bài viết tôi vẫn  rất ấn tượng và hình dung nụ cười sảng khoái của ông. 

Đó là khi tôi đặt câu hỏi trước khi kết thúc buổi phỏng vấn: “Cảm giác của ông lúc này như thế nào?” Ông nói: “… Như ngày xưa ở quê, khi cày xong thửa ruộng, rít một hơi thuốc lào, thả khói lên trời. Sướng!"

Câu chuyện về một bức ảnh
Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam bắt tay Tổng thống Mỹ Bill Clinton sau khi BTA được ký ngày 13/7/2000.

 Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam bắt tay Tổng thống Mỹ Bill Clinton sau khi BTA được ký ngày 13/7/2000.

Thời điểm tôi gặp ông để viết bài về Trưởng đoàn đàm phán BTA Nguyễn Đình Lương, cũng là lúc ông mới nhận được bức ảnh này. Ông nói, đây là món quà của Nhà Trắng gửi tặng ông 

Đó là chiều ngày 13/7/2000, BTA được ký. Bộ trưởng thương mại Việt Nam và Trưởng đoàn đàm phán được mời đến Nhà Trắng để diện kiến Tổng thống Hoa Kỳ.

Lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong đời được được vào Nhà Trắng gặp Tổng thống Mỹ, ông đã bỏ túi chiếc máy ảnh với hy vọng "chớp" được hình ảnh về buổi gặp lịch sử này. Tuy nhiên, tới đó ông được yêu cầu không chụp ảnh.

Hơn 1 năm sau, tháng 11/2001, khi Tổng thống Bill Clinton thăm Hà Nội, ông Lương có dịp gặp lại bạn bè từ Mỹ, cả trong đoàn đàm phán, cả từ văn phòng Nhà Trắng. Ông đã rất bất ngờ khi nhận được món quà ý nghĩa này. Bức ảnh ghi lại khoảng khắc ông Lương được Tổng thống Bill Clintơn tiếp chuyện và bắt tay tại Nhà Trắng. Các bạn Mỹ còn nhắc đi nhắc lại rằng đây là món quà đặc biệt vì không phải ai vào Nhà Trắng cũng được chụp ảnh với Tổng thống và không phải ai chụp ảnh với Tổng thống cũng được tặng ảnh. 

Bức ảnh ghi lại giây phút tự nhiên, thân tình khi Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam bắt tay Tổng thống Mỹ đã được lưu lại với vẹn nguyên thần thái. Dáng đứng thẳng, nụ cười tươi tắn, hai người  bắt tay nhau, nhìn thẳng vào mắt nhau với một thái độ trân trọng, thân thiện…

Ông chia sẻ: "Ảnh này do Nhà Trắng chụp tại phòng Roosevelt. Với tôi đây là món quà quý quý nhất đời, cũng là chuyện hiếm có trong cuộc đời một nhà đàm phán như tôi".

Đọc thêm