Làm gì để mô hình Hợp tác xã hết cảnh “ốm yếu”?

(PLO) - “Hơn 30 năm qua, các hộ sản xuất cá thể Việt Nam đã luôn tham gia vào chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ở trong nước và quốc tế. Song đó là sự tham gia yếu thế, bị động, không có khả năng đàm phán, lựa chọn để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình”, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Quy mô nhiều HTX hiện còn nhỏ lẻ, năng suất giá thành chưa đủ sức cạnh tranh, thu nhập người lao động còn thấp.
Quy mô nhiều HTX hiện còn nhỏ lẻ, năng suất giá thành chưa đủ sức cạnh tranh, thu nhập người lao động còn thấp.

Với tinh thần “Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển bền vững”, hôm qua (19/7), Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam lần thứ 5 đã khai mạc tại Hà Nội, với sự tham dự của 546 đại biểu đại diện cho khoảng 30 triệu lao động của hơn 2 vạn HTX, 43 liên hiệp HTX, 15 vạn tổ hợp tác và hệ thống Liên minh HTX Việt Nam từ Trung ương đến các địa phương.

Báo cáo tại Đại hội nêu rõ, trong 5 năm qua, khu vực kinh tế HTX trong cả nước đã từng bước đổi mới về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động. Đóng góp của khu vực kinh tế HTX vào GDP là 5,05% năm 2013, lên 6,5% năm 2015.

Trong nhiệm kỳ tới, Liên minh HTX định hướng phát triển HTX kiểu mới gắn với xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, ưu tiên phát triển HTX sản xuất vật chất và HTX bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, HTX dịch vụ công. Phát triển kinh tế hợp tác, nòng cốt là HTX gắn liên kết với các thành phần kinh tế khác; với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và tái cơ cấu nền nông nghiệp…

Khẳng định Liên minh HTX các cấp phải thật sự là niềm tin, chỗ dựa cho các tổ hợp tác, HTX , Liên hiệp HTX và các thành viên, ông Nguyễn Đắc Thắng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX  khóa 4 còn cho rằng, Liên minh HTX các cấp đồng thời phải có đủ năng lực để định hướng, dẫn dắt thành phần này đối phó với các thách thức, vượt qua mọi khó khăn, phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn để cùng với các thành phần kinh tế khác tạo nền tảng kinh tế Việt Nam, hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, khu vực kinh tế hợp tác vẫn đứng trước một số thách thức, hạn chế cần tiếp tục khắc phục. 

Đó là quy mô các HTX còn nhỏ lẻ, khu vực kinh tế tập thể còn phát triển chậm cả về số và chất lượng; năng suất, giá thành sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường, thu nhập của HTX và người lao động còn thấp. 

Ngoài ra, đã quá thời hạn đăng ký chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 (1/7/2016), nhưng đến nay vẫn còn khoảng 60% HTX chưa đăng ký chuyển đổi. Bên cạnh đó, tỷ trọng đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế tập thể năm 2015 dù đã tăng lên 6,5% nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của khu vực kinh tế hợp tác. 

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, để tạo nên sức cạnh tranh mới, Liên minh HTX các cấp cần phát huy hơn nữa vai trò đại diện giúp đỡ và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên, người lao động trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX. Mở rộng quan hệ đối ngoại, đặc biệt là nâng cao hiệu quả của hoạt động kinh tế đối ngoại nhằm tranh thủ sự giúp đỡ và hợp tác với các tổ chức quốc tế và tổ chức hợp tác xã của các nước. Gắn xây dựng và phát triển HTX kiểu mới với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, bổ sung tiêu chí xã nông thôn mới phải có các HTX kiểu mới.

“Hơn 30 năm qua, các hộ sản xuất cá thể Việt Nam đã luôn tham gia vào chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ở trong nước và quốc tế. Song đó là sự tham gia yếu thế, bị động, không có khả năng đàm phán, lựa chọn để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình. Mô hình HTX, liên minh HTX chính là con đường căn bản để các hộ sản xuất cá thể trở thành chủ thể kinh tế, có tư cách pháp nhân, có sức cạnh tranh, chủ động liên kết, hợp tác và tiêu thụ sản phẩm”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Cùng với đó, Liên minh HTX các cấp, nhất là các tỉnh, cần triển khai quyết liệt các hoạt động tư vấn, huấn luyện cho lực lượng lãnh đạo các HTX, tổ hợp tác hiện nay cũng như trong tương lai, giúp trình độ quản lý của các HTX, tổ hợp tác thực sự tương thích với đòi hỏi phát triển kinh tế -xã hội của đất nước. Đây là điều kiện đầu tiên, quan trọng nhất để các HTX giải quyết 4 vấn đề cơ bản mà các HTX đang gặp khó khăn là tiêu thụ sản phẩm, đất đai, vốn và công nghệ. 

Phát biểu tại Đại hội, đồng quan điểm với Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, coi trọng phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là kinh tế HTX. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ hoạt động của kinh tế hợp tác chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; mô hình HTX kiểu mới thành công chưa nhiều; một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng chưa thật sự quan tâm đến hoạt động của HTX…

Do đó, Thủ tướng chỉ đạo, phải củng cố Liên minh HTX Việt Nam với tầm nhìn là Liên minh của tổ chức đại diện cho 30 triệu xã viên. Liên minh HTX cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hệ thống chính trị để phát huy sức mạnh tổng hợp, dẫn dắt phong trào HTX thông qua “Khuyến khích, Hỗ trợ, Học hỏi và Truyền bá”. Các bộ, ngành, địa phương cần nhận thức đầy đủ hơn về vai trò HTX trong phát triển kinh tế- xã hội, cần xác định HTX có vị trí quan trọng trong chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là trong tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

“Tôi cho rằng nhân tố thành công của các mô hình HTX đều có một điểm chung, đó là vai trò của người lãnh đạo. Một lãnh đạo HTX thành công không chỉ cần có kiến thức, kỹ năng của một doanh nhân thực thụ mà còn đòi hỏi phải có một trái tim cống hiến cho cộng đồng…Tôi đề nghị các đồng chí từ nay đến cuối năm nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ một kế hoạch hành động để khuyến khích các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả”, Thủ tướng nói.

Đọc thêm