Lạm phát tăng do năng lực sản xuất

(PLO) - Báo cáo vừa công bố hôm 3/3 của Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) vừa đưa ra nhận định chính tăng trưởng hoạt động kinh tế đang bắt đầu tạo áp lực làm lạm phát tăng đều và dự báo lạm phát toàn phần sẽ tăng mạnh lên mức 5,2% vào cuối năm.
Lạm phát tăng do năng lực sản xuất

Tăng trưởng mạnh hơn

Báo cáo của HSBC cho biết, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng ngành sản xuất PMI giảm nhẹ nhưng vẫn duy trì ở ngưỡng phát triển mở rộng: Trong tháng 2, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của Nikkei giảm từ 51,5 điểm của tháng trước xuống còn 50,3 điểm. Theo HSBC, mặc dù điều này thể hiện tốc độ tăng trưởng chậm hơn nhưng vẫn đáng được khích lệ do số lượng đơn hàng xuất khẩu mới lại tăng nhanh, hoàn toàn tương phản với hoạt động thương mại ảm đạm của các nước trong khu vực.

Theo ông Đặng Ngọc Tú – Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), chỉ số PMI của HSBC là một chỉ số tổng hợp được xây dựng để đánh giá khái quát về hoạt động trong ngành sản xuất. Kết quả chỉ số PMI dưới 50 cho thấy nền kinh tế sản xuất giảm sút; trên 50 có nghĩa là phát triển; bằng 50 là không có sự thay đổi…

“Chúng tôi cho rằng trở thành trung tâm sản xuất của thế giới là một yếu tố khiến sự tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất Việt Nam làm gia tăng sức hấp dẫn của đất nước. Chính điều này cùng nhu cầu trong nước mạnh mẽ đã giúp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt mức kỷ lục năm 2015 và giúp thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2016 mặc cho kinh tế toàn cầu vẫn còn suy yếu.

Tăng trưởng đầu tư và tiêu dùng khu vực tư nhân là hai nguyên nhân dẫn đến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) phát triển mạnh từ mức 6,0% năm 2014 lên 6,7% trong năm 2015. Chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 6,7 - 6,8% trong hai năm kế tiếp…”- Báo cáo của HSBC phân tích.

Áp lực tăng lạm phát

Cũng theo HSBC, tăng trưởng mạnh hơn dẫn đến tình trạng lạm phát tăng dần. Như dự đoán, các hoạt động kinh tế phục hồi đang tác động dần dần đến áp lực lạm phát tăng cao hơn: chỉ số CPI toàn phần của tháng 2 đã tăng từ mức 0,8% trong tháng 1 lên 1,3% so với năm trước.

Trong khi giá năng lượng tiếp tục giảm nhưng mức tăng giá cả thực phẩm vẫn trội hơn. Tương tự, lạm phát cơ bản cũng đang tăng dần, trong tháng 2 tăng thêm 0,2 điểm phần trăm, đạt mức 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong báo cáo mới đây, NFSC cũng cho biết, lạm phát bình quân 2 tháng đầu năm 2016 đã tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước (2 tháng đầu năm 2016 tăng 1,03% so với cùng kỳ năm 2015; 2 tháng đầu năm 2015 tăng 0,64% so với cùng kỳ năm 2014), song lạm phát cơ bản tháng 2 năm 2016 (tăng 1,93% so với cùng kỳ năm trước) tăng thấp hơn so với tháng 2 năm 2015 (tăng 2,31% so với cùng kỳ năm 2014).

HSBC đưa ra dự đoán lạm phát toàn phần sẽ tăng từ 0,6% trong quý IV/2015 để trở lại mức 3,3% so với cùng kỳ vào cuối quý II/2016 và tăng mạnh lên mức 5,2% vào cuối năm, đạt mức trần mục tiêu của Chính phủ đề ra. “Như vậy, chúng tôi hy vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ chuyển sang áp dụng các biện pháp thắt chặt trong nửa sau của năm nay và thị trường sẽ có diễn biến tương tự như dự báo của chúng tôi là lãi suất tăng 50 điểm đầu tiên trong quý III/2016…”- Báo cáo của HSBC đưa ra kỳ vọng.

Khẳng định năm 2016 lạm phát “chưa ở mức lo ngại” nhưng ông Đặng Ngọc Tú cho rằng chắc chắn lạm phát năm nay sẽ cao hơn năm 2015 vì đang tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động. “Chưa ở mức lo ngại” bởi theo ông Tú, tăng trưởng đang có được nhờ tăng năng lực sản xuất nhiều hơn chứ không phải do tăng tổng cầu. 

Đọc thêm