Lạm phát thấp, chưa hẳn đã mừng!

(PLO) - Kết thúc năm 2014, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 4,09%, mức tăng khá thấp trong 10 năm trở lại đây.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Đây được xem là một thành công của công tác điều hành kinh tế năm 2014, tuy nhiên không ít ý kiến chuyên gia tỏ ra lo ngại bởi lạm phát thấp không phải do tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh được nâng cao…
Tổng cầu yếu?
Không chỉ mức tăng thấp, diễn biến lạm phát năm 2014 cũng có những dấu hiệu bất thường: Trong năm 2014 đã có những bước đi rất chậm và thay vì tăng giá vào những tháng cuối năm như quy luật thì bất ngờ 2 tháng cuối năm, CPI có bước lùi đáng kể, góp phần kéo CPI cả năm xuống mức thấp. 
“Đây là mức lạm phát thấp kỷ lục, thấp hơn nhiều so với nghị quyết của Quốc hội đã đề ra và thấp ngoài dự kiến... Lạm phát không còn là “con ngựa bất kham”- PGS.TS Ngô Trí Long nhận định. Theo TS Vũ Đình Ánh, thành công trong kiềm chế lạm phát năm 2014 là kết quả tất yếu của hàng loạt biện pháp tiếp tục được thực hiện nhất quán theo chủ trương giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Trong báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (NFSC) về tình hình kinh tế năm 2014 và triển vọng năm 2015, NFSC chỉ ra 3 nguyên nhân khiến lạm phát thấp  trong năm 2014:  Thứ nhất,  giá  hàng hóa  và  năng lượng thế giới giảm, góp phần cắt giảm chi phí đầu vào của sản xuất, giảm thiểu tác  động đến  lạm  phát  của  yếu  tố  chi phí đẩy  (mặt hàng xăng A92 giảm  tổng cộng  hơn  30%  trong  năm).  
Dựa  trên bảng  IO  2007,  NFSC  ước  tính mặt  hàng  xăng  dầu  và  các  sản  phẩm hóa dầu chiếm 14,6% chi phí trung gian của  nền  kinh  tế,  tương  đương  8,8% tổng giá trị sản xuất của nền kinh tế; thứ hai, tổng  cầu thấp; thứ ba, tâm  lý lạm phát của dân chúng ổn định nhờ lạm phát được kiểm  soát  trong 2 năm  liên  tiếp  (2012 và 2013). 
Đáng chú ý, tại các báo cáo về hình hình kinh tế các tháng trong năm 2014, NFSC liên tục đưa ra cảnh báo tổng cầu thấp. TS.Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện Kinh tế - Tài chính, trong một hội thảo mới đây cũng khẳng định: “Nguyên nhân chính là do cầu tiêu dùng vẫn yếu và chưa được cải thiện nhiều”. 
Theo ông Tuyến, những năm trước khủng hoảng (2006-2007) tốc độ tăng trưởng tiêu dùng hàng năm là trên 14%, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng đạt mức 6,98% và 7,13%. Từ năm 2010 tới nay, mặc dù tốc độ tăng trưởng tiêu dùng có cải thiện và tăng lên về số tương đối, song năm 2014 tốc độ tăng cầu tiêu dùng vẫn chỉ đạt mức 6,5%. Như vậy có thể khẳng định, cầu tiêu dùng yếu là nguyên nhân đầu tiên tác động làm CPI năm 2014 đạt mức thấp… 
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo về tỉnh hình kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2014 của Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng cho rằng, việc lo ngại lạm phát thấp do tổng cầu thấp là không có cơ sở. Nếu nhìn vào số liệu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội sau khi loại trừ yếu tố giá, tốc độ tăng về lượng vẫn cao hơn các năm trước. 
Cụ thể, năm 2014 tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội sau khi loại trừ yếu tố giá ước tăng 6,5%. Con số này cao hơn mức tăng của các năm 2011, 2012 và 2013 lần lượt là 4,7%, 6,2% và 5,6%, trong khi đó, lạm phát của các năm này lần lượt là 18,13%, 6,81% và 6,04%. Như vậy, CPI năm 2014 tăng thấp không phải do nhu cầu tiêu dùng. 
Thắng lợi… một nửa
Mặc dù nhận định việc điều hành giá năm 2014 đã đạt được “thắng lợi kép” nhưng theo PGS.TS Ngô Trí Long, việc kiểm soát lạm phát năm 2014 chỉ được coi là thành công trọn vẹn nếu tăng trưởng được cải thiện rõ; việc tăng trưởng ở mức 5,98% thì sự thành công chỉ mới một nửa. Bởi lạm phát thấp không phải do hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) được nâng cao; do tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng chất lượng sản phẩm... 
Bên cạnh đó, lạm phát thấp trong bối cảnh thành tựu ổn định kinh tế vĩ mô chưa vững chắc; nợ công, nợ xấu, nợ đọng (xây dựng cơ bản, thuế, nợ các DN với nhau ) còn cao; DN còn nhiều khó khăn; thị trường bất động sản chưa phục hồi, thị trường chứng khoán còn bấp bênh; mô hình tăng trưởng chưa thay đổi,  tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm… “Giảm được lạm phát thấp mà thế này rõ ràng là không bền vững, không mong muốn”, ông Long nói.
TS. Nguyễn Ngọc Tuyến cũng cho rằng, lạm phát thấp vừa là cơ hội, song cũng tạo ra nhiều thách thức đối với kinh tế Việt Nam. Lạm phát thấp, thu ngân sách nhà nươcớc sẽ khó khăn, Chính phủ sẽ tiếp tục thiếu tiền cho đầu tư, trả nợ và thực hiện các nhiệm vụ cải cách và phát triển KT-XH. Giá cả thấp sẽ không khuyến khích đối với đầu tư nhìn từ phương diện hoàn vốn và thu lãi cao, thất nghiệp sẽ tăng lên, tăng trưởng kinh tế vì vậy khó đạt được mức độ cao, mức độ tụt hậu so với các nước vì vậy ngày càng xa.
“Lạm phát thấp nếu kéo dài cộng thêm với thâm hụt ngân sách liên tiếp diễn ra như thực trạng hiện nay thì rất dễ dẫn tới suy thoái kinh tế, hoặc hiện tượng lạm phát cao sẽ quay trở lại, phá vỡ sự ổn định của các cân đối vĩ mô và kinh tế sẽ bị rối loạn…”- ông Tuyến lo ngại.
Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015, tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6,2%,  lạm phát khoảng 5%. Tuy nhiên, theo nhận định của không ít chuyên gia, khả năng mức lạm phát trong năm 2015 sẽ có xu hướng bằng hoặc thấp hơn. “Lạm phát và tăng trưởng kinh tế chỉ thay đổi mạnh khi nào số nợ xấu và những rủi ro trong nền kinh tế được xử lý và kiểm soát một cách triệt để…”- ông Tuyến nhận định.
Theo nhận định của NFSC, lạm phát sẽ không có biến động lớn do tổng cầu trong năm 2015 mặc dù cải thiện so với năm 2014 nhưng ở mức độ vừa phải và không gây áp lực lên lạm phát. Trong khi đó, giá hàng hóa thế giới được dự báo sẽ giảm trong năm 2015, tạo điều kiện cắt giảm chi phí sản xuất và  không tạo ra yếu tố lạm phát chi phí đẩy.
NFSC khuyến nghị: Giá xăng dầu giảm trong năm 2015 là cơ hội thuận lợi cho DN tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí  đầu vào, thúc đẩy sản xuất.  Để DN tận dụng cơ hội này, chính sách thuế nhập khẩu, phí nhập khẩu xăng dầu cần đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu bảo đảm nguồn thu  ngân sách  và mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SXKD.  
Đồng thời, chính sách quản lý giá cần  biện pháp đối với các DN sử dụng nhiều nhiên liệu đầu vào phải điều chỉnh giá bán thích hợp để tạo điều kiện cho các DN giảm giá thành. Mặt khác, với xu hướng giảm giá hàng hóa thế giới  trong năm 2015, cần có các biện pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa sản xuất trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu, quản lý nhập khẩu.  
Bên cạnh các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu cũng cần có các biện pháp khuyến khích tiêu dùng  trong nước thông qua phát triển hệ thống phân phối, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng,  hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm.

Đọc thêm