Làm rõ 'bài toán kinh tế' tại các đặc khu

(PLO) - Cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (ĐVHC-KTĐB) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 16/4, các đại biểu đề nghị làm rõ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào các đặc khu này cũng như hiệu quả thu được ra sao.

Quy hoạch dự kiến đặc khu kinh tế Vân Đồn.
Quy hoạch dự kiến đặc khu kinh tế Vân Đồn.

Đã rõ cơ chế kiểm soát quyền lực

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá đây là luật khó, có nhiều chính sách thử nghiệm. Các quy định trong dự thảo Luật có thể khác với các luật khác nhưng phải nằm trong khuôn khổ Hiến pháp và phù hợp chủ trương của Đảng. 

Đi vào một số nội dung cụ thể, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nhất trí với việc phạm vi điều chỉnh của luật chỉ là 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, tránh khả năng sau này phát triển tràn lan các đặc khu như việc đã từng xảy ra đối với các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế biển…

Về quy định mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu, theo dự thảo Luật, chính quyền địa phương ở đặc khu gồm có Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) với những đổi mới cơ bản về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm nhằm bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, quy định về tổ chức chính quyền địa phương trong dự thảo Luật được chỉnh lý bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, kết luận của Hội nghị Trung ương 11 (khóa XI) và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá đây là mô hình rất gọn nhẹ. “HĐND không quá 15 người, hoạt động chuyên trách, làm việc thường xuyên, đầy đủ thời gian. 15 người này phải rà soát lại thẩm quyền được giao nên không cần các ban bệ. Chủ tịch UBND đặc khu được phân quyền mạnh, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Đơn cử, đầu tư nhóm A theo quy định hiện nay là do Thủ tướng quyết định nhưng bây giờ giao cho HĐND đặc khu quyết định chủ trương, phân cấp rất mạnh. Cơ chế phân định trách nhiệm của tập thể, cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu; rồi cơ chế kiểm soát chặt chẽ phòng ngừa sự lạm dụng quyền lực, kiểm soát quyền lực tôi thấy khá rõ”, Chủ tịch QH nhận xét.

3 đặc khu sẽ mang lại lợi ích gì?

Tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ việc thành lập 3 đặc khu là để thu hút nguồn lực, tạo ra 3 đầu tàu lôi kéo kinh tế cả nước chứ không phải Nhà nước bỏ ra 1 triệu tỷ để đầu tư vào đây rồi miễn, giảm thuế. “Trong 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ có 2 triệu tỷ, 3 đặc khu này cần hơn 1 triệu tỷ đầu tư thì phải xác định rõ ngân sách là bao nhiêu để có tính khả thi. Ví dụ như ở Vân Đồn, toàn bộ sân bay, nhà ga sẽ do doanh nghiệp đầu tư chứ không phải nhà nước bỏ tiền, tức là phải tạo ra cơ chế. Mục đích làm đặc khu là phải được cái gì đó, bỏ ra 1 đồng để thu lại vài chục, vài trăm đồng chứ không thể nói 10 năm tới đặc khu không được gì”, Chủ tịch QH nêu quan điểm. 

Cùng chung băn khoăn, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng mục tiêu chính của 3 đặc khu này là tạo động lực kinh tế có sức lan tỏa, phát huy được lợi thế so sánh của từng khu vực, tạo sự phát triển nhanh chóng. “Đã là kinh tế thì vấn đề hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu. Câu hỏi phải trả lời ở đây là 3 đặc khu này sẽ mang lợi ích gì cho đất nước và chúng ta sẽ phải bỏ ra cái gì, thu được gì. Trong ngắn hạn tôi đồng tình hiệu quả có thể chưa đem lại nhưng dài hạn phải thu được kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong báo cáo giải trình tiếp thu và giải trình của Chính phủ chưa nói rõ chúng ta sẽ xử lý vấn đề kinh tế, hiệu quả như thế nào”, ông Hiển băn khoăn.

Các chính sách ưu đãi phải phù hợp

Về chính sách thuế, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng cần phải tính kỹ vì “nếu không cẩn thận thì chúng ta chẳng thu được gì nhiều lắm so với số chúng ta bỏ ra, thậm chí không cẩn thận tạo ra gánh nặng cho ngân sách, nhất là sử dụng chính sách miễn, giảm, giãn một cách tràn lan”. Đồng tình với một số ưu đãi thuế như xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế GTGT nhưng ông Hiển cho rằng mức ưu đãi phải tính lại. Bên cạnh đó, theo ông Hiển, cần đánh thuế môi trường cao để giữ môi trường tại các đặc khu. 

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề nghị rà soát lại các quy định để bảo đảm không có những chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài cao hơn nhà đầu tư trong nước. “Đã là ưu đãi thì doanh nghiệp đầu tư trong nước cũng được như thế. Phải rà soát lại để bảo đảm khắc phục tình trạng ưu đãi đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài cao hơn nhà đầu tư ở trong nước, tạo môi trường bình đẳng cho doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia đầu tư”, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói. Còn Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề các nhà đầu tư đã đầu tư vào Phú Quốc, Vân Đồn rồi thì khi chính sách đưa ra có được áp dụng chính sách mới không và có hồi tố các khoản đã đầu tư không?

Bộ Tư pháp thực hiện đúng yêu cầu về thời gian trình dự thảo luật

Trình bày Tờ trình về đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 tại phiên họp diễn ra chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị đưa 19 dự án luật vào Chương xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; điều chỉnh Chương trình năm 2018 đối với 13 dự án. 

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga bày tỏ băn khoăn về việc những hạn chế trong lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và công tác xây dựng luật đã tồn tại hàng chục năm nay. Theo bà Nga, ở đây có vấn đề chấp hành không nghiêm. Bên cạnh đó, bà Nga cũng nhận xét hệ thống luật của chúng ta hiện rất bất ổn, tình trạng một luật sửa nhiều luật diễn ra liên tục, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật. “Đề nghị hệ thống pháp luật phải có tính ổn định tương đối”, bà Nga nói.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu thực tế cuộc sống liên tục phát triển, những gì “chín muồi” thì Chính phủ đề xuất UBTVQH xem xét và QH thông qua để lý giải về tình trạng “xin lùi, xin rút” các dự án luật. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Long cũng thừa nhận nguyên nhân chủ quan từ nhiều năm nay chưa khắc phục được là đầu tư nguồn lực và sự quan tâm của các bộ, ngành trực tiếp soạn thảo luật còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu. Về phía Bộ Tư pháp, Bộ đã thực hiện đúng yêu cầu về thời gian trình dự thảo luật do Bộ soạn thảo và đưa ra những ý kiến thẳng thắn khi thẩm định các dự thảo Luật của các cơ quan khác. 

Đọc thêm