Làm sao để tránh bị trục lợi khi đấu giá hạ tầng giao thông?

(PLO) - Lo ngại việc cho thuê, chuyển nhượng dễ phát sinh nguy  cơ xin cho, nhũng nhiễu, tiêu cực, cộng đồng DN cho rằng việc đưa ra một phương pháp xác định giá thuê, giá chuyển nhượng hợp lý, minh bạch sẽ giúp thu hút các DN tham gia thuê, nhận chuyển nhượng tài sản, đồng thời giảm nguy cơ bị lợi dụng để trục lợi.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ủng hộ việc cho thuê, chuyển nhượng tài sản công như hạ tầng giao thông, thuỷ lợi để các DN tư nhân khai thác và vận hành giúp tài sản này được khai thác hiệu quả, mang lại nhiều giá trị gia tăng, tránh lãng phí, đồng thời cũng giúp tinh giản bộ máy Nhà nước, các DN và chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn xác định giá khởi điểm để đấu giá cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông và thủy lợi.

Xác định giá khởi điểm – áp dụng phương pháp nào?

Khoản 1 Điều 5 của Dự thảo quy định, giá khởi điểm cho thuê được tính theo phương pháp chi phí. Điều 7 của Dự thảo cũng quy định giá khởi điểm chuyển nhượng cũng được tính theo “giá trị còn lại của tài sản”.

Sau khi tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận thấy, đối với tài sản là hạ tầng giao thông, thuỷ lợi thì phương pháp chi phí và giá trị còn lại không thực sự phù hợp.

Các tài sản như hạ tầng giao thông, thuỷ lợi có yếu tố địa tô chênh lệch rất lớn, doanh thu phụ thuộc rất nhiều vào vị trí của tài sản, mà ít phụ thuộc vào chi phí. Khi Nhà nước đầu tư các công trình hạ tầng, ngoài mục đích để tạo doanh thu, thì còn có nhiều các mục đích khác về phát triển kinh tế, an sinh xã hội, thậm chí cả quốc phòng an ninh. Tình trạng hai công trình hạ tầng có chi phí đầu tư ngang nhau, nhưng do ở vị trí khác nhau nên doanh thu chênh lệch rất lớn.

Nếu áp dụng phương pháp chi phí để tính giá thuê, có thể sẽ dẫn đến tình trạng sẽ không có DN nào muốn tham gia đấu giá những tài sản tại khu vực vùng sâu vùng xa, hoặc những tài sản mới đi vào vận hành, các chi phí khấu hao, chi phí vốn vay còn lớn. Như vậy sẽ không bảo đảm mục tiêu thu hút tư nhân tham gia quản lý, vận hành hạ tầng giao thông, thuỷ lợi.

Do đó, các DN và chuyên gia đề nghị cân nhắc việc sử dụng phương pháp chi phí để định giá thuê, giá chuyển nhượng, mà nên sử dụng phương pháp doanh thu.

Sử dụng doanh thu dự kiến hay doanh thu thực?

Điều 5 của Dự thảo quy định về giá cho thuê đã sử dụng doanh thu thực. DN sẽ phải trả cho Nhà nước một tỷ lệ nhất định trên doanh thu thực mà DN có được từ việc quản lý tài sản.

Điều 7 của Dự thảo quy định về giá chuyển nhượng lại sử dụng doanh thu dự kiến. DN sẽ phải trả cho Nhà nước một số tiền được ấn định trước khi ký hợp đồng.

Theo các chuyên gia, việc sử dụng doanh thu dự kiến hay doanh thu thực sẽ có ảnh hưởng lớn đến hành vi của các DN và chủ sở hữu tài sản công. Cụ thể, nếu áp dụng phương pháp doanh thu dự kiến, nếu thu được nhiều hơn dự kiến thì DN được hưởng toàn bộ, nếu thu ít hơn dự kiến thì DN cũng phải chịu toàn bộ. Theo phương pháp này, Nhà nước sẽ không cần phải giám sát doanh thu thực của doanh nghiệp, nhưng công tác tính toán, dự kiến giá thu sẽ phải được thực hiện chặt chẽ, thông qua dịch vụ thẩm định giá chuyên nghiệp.

Nếu áp dụng phương pháp doanh thu thực, thì rủi ro của việc thu ít hơn hoặc cơ hội tăng thu sẽ được cả Nhà nước và DN san sẻ theo tỷ lệ thoả thuận trước. Theo phương pháp này, Nhà nước sẽ phải thực hiện việc giám sát doanh thu thực của DN thông qua các cơ chế báo cáo, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán… Phương pháp này còn có thể tạo ra động lực gian đối khi DN tìm cách khai báo giảm doanh thu để giảm số tiền phải nộp lại cho Nhà nước, hoặc gây tranh chấp khi có những khoản thu khó xác định.

Mỗi công trình hạ tầng giao thông, thuỷ lợi có nhiều khoản thu khác nhau. Ví dụ, đối với DN khai thác hạ tầng sân bay thì ngoài các loại phí thu từ dịch vụ hàng không, còn có nhiều các khoản thu khác như phí dừng đỗ xe, vận tải mặt đất, cho thuê xe ô tô, cho thuê mặt bằng, bán lẻ, ăn uống, cho thuê văn phòng, quảng cáo,… Chẳng hạn, theo một báo cáo của Cục Hàng không dân dụng Hoa Kỳ năm 2013 thì doanh thu từ dịch vụ hàng không chỉ chiếm 55% tổng thu của các sân bay, 45% còn lại đến từ các dịch vụ phi hàng không.

Các khoản thu từ công trình hạ tầng giao thông, thuỷ lợi có thể được chia thành 2 nhóm: nhóm 1 là khoản thu do Nhà nước quản lý theo Luật Giá, Luật Phí và lệ phí; nhóm 2 là khoản thu theo nguyên tắc thị trường. Một số khoản thu do Nhà nước quyết định về mức giá như dịch vụ hàng không, dịch vụ cảng biển, dịch vụ thuỷ lợi… cần được áp dụng phương pháp chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Những khoản thu khác thì không cần thiết chia sẻ rủi ro.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần phải phân loại các khoản thu này để đưa ra phương pháp thu phù hợp.

Sau khi phân tích, VCCI đề nghị áp dụng phương pháp thu như sau: Đối với những khoản thu do Nhà nước quy định về mức giá, phí và có thể dễ dàng kiểm soát được sản lượng (như dịch vụ hàng không, dịch vụ cảng biển, dịch vụ thuỷ lợi…) thì áp dụng phương pháp doanh thu thực; Đối với những khoản thu theo cơ chế thị trường, khó kiểm soát sản lượng thì áp dụng phương pháp doanh thu dự kiến.

Đọc thêm