Làm thế nào để Doanh nghiệp Việt Nam đủ lớn bước vào “sân chơi” toàn cầu?

(PLVN) - Tại Hội nghị đối thoại giữa Thủ tưởng chính phủ với doanh nghiệp (DN) sáng nay - 23/12, Người đứng đầu Chính phủ trăn trở khi đến nay, Việt Nam mới có 7 cái tên DN trong Top 200 DN tốt nhất châu Á và chưa có DN nào vào top 500 DN lớn nhất thế giới…
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đề xuất giải pháp phát triển DN
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đề xuất giải pháp phát triển DN

97% DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong những năm gần đây, tỷ trọng DN quy mô vừa tăng từ 2,5% lên 3,5% tổng số DN, tỷ trọng nhóm DN siêu nhỏ giảm từ 70% xuống 63%. 

“Điều này cho thấy, vị thế và tiềm lực kinh tế của các DN Việt Nam đã được cải thiện đáng kể; đã xuất hiện một số tập đoàn, DN tư nhân có quy mô, tiềm lực lớn như Vingroup, Trường Hải, SunGroup, FLC, Vietjet... đã tham gia mạnh mẽ vào các lĩnh vực vốn trước đây chủ yếu do khu vực nhà nước và FDI thực hiện như sản xuất ô tô, điện thoại, kinh doanh hàng không, phát triển hạ tầng, công nghệ thông tin, lĩnh vực công nghệ, chế tạo kỹ thuật cao..., bước đầu xây dựng được thương hiệu sản phẩm của DN và của quốc gia…”, Bộ trưởng đánh giá.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, đa số DN của nước ta có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, chiếm tới hơn 97% tổng số DN. Mặc dù đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực trong 2 năm trở lại đây, số lượng DN cỡ vừa đang tăng lên và chiếm tỷ trọng khoảng 3,5%, nhưng vẫn là rất khiêm tốn so với các nước khác trong khu vực (trung bình phải đạt khoảng 5-10%). Chúng ta hiện mới có chưa đến 30 DN có giá trị vốn hóa đạt trên 1 tỷ USD.

Bổ sung cho số liệu DN, Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, với tốc độ bình quân mỗi năm có thêm 17% DN thành lập mới, đến nay Việt Nam có khoảng 800 nghìn DN. Sự lớn mạnh này, theo Thủ tưởng là rất đáng mừng nhưng so với nhiều nước phát triển, tỷ lệ DN trên quy mô dân số của chúng ta vẫn còn thấp (120 người dân mới có 1 DN, trong khi các nước ASEAN là 1 DN/90 người dân, còn các nước phát triển thì cứ 10 người dân có 1 DN).

Đáng chú ý, Việt Nam mới có 7 cái tên DN trong Top 200 DN tốt nhất châu Á có doanh thu dưới 1 tỷ USD. Và đến nay, chúng ta chưa có DN nào vào Top 500 DN lớn nhất thế giới. 

“Cái mà quý vị nói rất nhiều là sự đơn lẻ của từng DN, nếu DN Việt Nam biết hợp lực lại, đoàn kết lại thì kết quả sẽ khác…”, Thủ tướng nói và khẳng định đoàn kết lại để làm lớn hơn DN Việt Nam là vấn đề đặt ra hiện nay. Thủ tướng cũng bày tỏ sự tin tưởng trong thời gian tới, sẽ có nhiều DN quy mô lớn ra đời tại Việt Nam.

Sẽ có Nghị quyết “thúc” DN lớn…

Tại Hội nghị, Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan xây dựng một nghị quyết của Chính phủ về định hướng phát triển DN trong thời gian tới để xử lý những bất cập, tồn tại và đề ra giải pháp.

Đồng thời đề nghị mỗi bộ, ngành khẩn trương xây dựng một chương trình hành động nhằm thực hiện các cam kết hỗ trợ cộng đồng DN trong năm 2020 tầm nhìn 2025. 

Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT phải làm đầu mối đốc thúc cập nhật, tổng hợp gửi báo cáo Thủ tướng, trong đó nhấn mạnh những việc mà Hội nghị đã nêu ra như phối hợp trong đào tạo nguồn nhân lực, cùng DN tìm kiếm thị trường, xây dựng những trung tâm triển lãm sản phẩm ở các thành phố, thị xã lớn.

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng nhắc lại trăn trở của Chính phủ, Thủ tưởng Chính phủ khi nói về một thế hệ DN Việt Nam có thể vượt qua các khó khăn, thách thức để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, chủ động hội nhập và tiến lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu;

Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ trong lĩnh vực phát triển DN, trước bối cảnh đất nước chuẩn bị bước vào một thập kỷ mới, phát triển nhanh, bền vững, hướng tới mục tiêu thịnh vượng và hùng cường, trên cơ sở đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển DN và kinh tế tư nhân trở thành trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, Bộ KH&ĐT đã đề xuất gợi mở một số định hướng và giải pháp. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, quan trọng nhất, cần có cơ chế chính sách tập trung phát triển DN nhằm hình thành lực lượng DN có quy lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế. 

“Sản phẩm của những DN này cần được coi là sản phẩm quốc gia, thành công của những sản phẩm chủ lực này cũng chính là sự thành công của quốc gia. Hơn nữa, các DN lớn này cần có một sợi dây, một cơ chế liên kết lại với nhau để tạo ra sức mạnh tổng hợp; trở thành cơ chế đóng góp và xây dựng chính sách; đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam tham gia các sân chơi lớn tầm quốc tế; thảo luận những bài toán phát triển, hợp tác lớn với các tập đoàn xuyên quốc gia,…”, Bộ trưởng phát biểu.

Đồng thời, theo Bộ trưởng,  chính lực lượng DN này sẽ đóng vai trò đầu tầu dẫn dắt các DN nhỏ và vừa trong nước tham gia và các mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng, đưa DN Việt Nam lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị toàn cầu. 

“Chính phủ khuyến khích, hỗ trợ kết nối DN, giúp các DN Việt Nam liên kết, tạo khối thống nhất, có chiều sâu, hỗ trợ lẫn nhau trong đầu tư, kinh doanh, cùng tạo nên sức mạnh, tên tuổi và thương hiệu DN, sản phẩm và kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế…”, Bộ tưởng đề xuất.

Về phía DN, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chính các DN cũng cần có những suy nghĩ trăn trở cùng với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tìm các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước, vươn ra thị trường thế giới, tạo lập và khẳng định thương hiệu của chính DN, từ đó, xây dựng thương hiệu quốc gia.

Đọc thêm