Lạng Sơn đề xuất mở lại 3 cửa khẩu, tăng xuất hàng chính ngạch

(PLVN) - Một loạt sáng kiến nhằm thực hiện mục tiêu kép do Chính phủ đưa ra đã được tỉnh Lạng Sơn thực hiện và đề xuất thực hiện, được Bộ Công Thương đánh giá cao trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến hoạt động xuất khẩu suy giảm đáng lo ngại. 
Bộ Công Thương ủng hộ đề xuất mở lại cửa khẩu Nà Hình của UBND tỉnh Lạng Sơn
Bộ Công Thương ủng hộ đề xuất mở lại cửa khẩu Nà Hình của UBND tỉnh Lạng Sơn

Mô hình lao động tập trung trong khu cách ly 

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm của Lạng Sơn cho thấy, tổng thu ngân sách trên địa bàn giảm 18,5% (trong đó số thu từ xuất khẩu giảm đến 53,2%), giảm hơn 58% lượng khách du lịch so với cùng kỳ. Do dịch Covid-19 nên Lạng Sơn đã có nhiều sáng kiến để khắc phục khó khăn, vừa phòng chống dịch vừa tăng cường công tác xuất nhập khẩu (XNK). 

Theo đó, Lạng Sơn đã có tổ chức 3 khu cách ly (dành riêng cho lái xe và chủ hàng Trung Quốc, lái xe và chủ hàng Việt Nam và khu dành riêng cho tổ đội bốc xếp, giao nhận hàng hóa tại cửa khẩu), đồng thời có sáng kiến thành lập tổ lái xe chuyên trách nhưng chưa thấy hiệu quả nên đã đề xuất tất cả lái xe mặc quần áo bảo hộ, trở về tiêu hủy và không phải tiến hành cách ly. Quy trình này đã được Bộ Y tế chấp nhận, đưa vào quy trình kiểm tra y tế, vận chuyển hàng hóa XNK.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, hàng tuần UBND tỉnh đều đề nghị phía bạn hội đàm 2-3 lần để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu đường biên giữa 2 bên. Đến nay, đã thông quan 5 cửa khẩu đường biên. Ông Thiệu đề xuất cần phải thông quan tiếp các cửa khẩu phụ còn lại để tận dụng chính sách mua bán của cư dân biên giới 8.000 NDT/ngày.

Ngoài ra, để tránh hiện tượng ùn ứ như vẫn và đang diễn ra do phía Trung Quốc thiếu lao động bốc xếp, tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất phía Trung Quốc đưa xe sang Việt Nam nhận hàng hóa và sang tải nhưng phía bạn chưa thực hiện được.

Do đó, đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất cho phép Lạng Sơn xây dựng mô hình tập trung lao động bốc xếp sang Trung Quốc làm việc trong khu cách ly và được quản lý phòng dịch tốt nhất hoặc xây dựng tổ đội bốc xếp của Việt Nam, đi về trong ngày, nhưng theo ông Thiệu biện pháp này khá tốn kém. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng cũng cho biết thêm, kim ngạch xuất khẩu 2 tháng giảm 47% so với cùng kỳ, riêng tháng 2 giảm đến 68% và hiện đang tồn hàng chục nghìn tấn bột sắn ở Bình Nghi.

“Không nên đóng các cửa khẩu chỉ xuất đi như Bình Nghi, Nà Nưa, trong khi Trung Quốc đã đồng ý mở”, ông Trưởng đề xuất và cho biết thêm, ngày 16/3, phía Trung Quốc đồng ý mở cửa cửa khẩu Nà Nưa, Na Hình, Bảo Lâm nên đề nghị Chính phủ cần có ý kiến cho phép mở các cửa khẩu này. 

Trung Quốc có nhu cầu 20 mặt hàng nông sản 

Trước những đề xuất để đẩy mạnh xuất khẩu, tránh hiện tượng ùn ứ ở các cửa khẩu của Lạng Sơn, Bộ trường Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương cũng đồng tình với quan điểm mở các cửa khẩu phụ còn lại và Bộ sẽ có báo cáo cụ thể trình Chính phủ về các biện pháp mà tỉnh Lạng Sơn đã đưa ra.

Tuy nhiên, để việc báo cáo hiệu quả hơn, Lạng Sơn cần phải bổ sung thêm nhiều vấn đề để thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra là vừa phòng chống dịch bệnh đi kèm với duy trì phát triển kinh tế ổn định, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp vượt qua “bão” dịch. 

Riêng về việc đưa nhân công Việt Nam thành tổ đội bốc xếp làm việc tại Trung Quốc, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương cần có cơ chế để đội nhân công này được lưu trú trong vòng 15 ngày; Giải quyết vấn đề bảo hiểm cho họ ra sao, đơn vị nào được quyền đứng ra đưa người lao động sang Trung Quốc vì vấn đề này không thể là việc của UBND tỉnh.

“Tốt nhất là có những thỏa thuận song phương để thuận lợi trong hoạt động đưa người lao động sang Trung Quốc làm việc dù chỉ là thí điểm. Ngoài ra, với cả 2 phương án mà UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất, cần phải xây dựng được quy trình an toàn trong quá trình làm việc và khi trở về”, Bộ trưởng Bộ Công Thương gợi ý.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần phải tính đến cơ chế đặc thù để lao động được đi sang làm việc trong một thời gian ngắn nhất định, cần có cơ chế đặc thù giữa 2 chính quyền, 2 quốc gia. Cơ chế này có thể không kéo dài nhưng trước mắt phải làm rõ vấn đề đưa người lao động sang, cần có sự thống nhất của các cơ quan chức năng biên phòng, ngoại giao…

Hiện nay, tình hình phía Trung Quốc cho thấy nước bạn đang có nhu cầu cao trong khôi phục hoạt động và phát triển kinh tế. Đây là cơ hội đối với Việt Nam khi Trung Quốc muốn nhập khẩu một số mặt hàng trong nước còn thiếu.

Cụ thể, Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ khoảng 20 mặt hàng rau củ, trái cây mà Việt Nam có thể cung cấp được nhưng mới chỉ có 8 loại xuất khẩu chính ngạch còn lại vẫn xuất dưới hình thức trao đổi cư dân biên giới. Do đó, việc đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch cần phải khẩn trương hơn. 

Đọc thêm