Lao động Việt nguy cơ bị “giật” việc từ ASEAN

(PLO) - Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập, các nước  trong khu vực sẽ cho phép tự do luân chuyển lao động trong 8 ngành: kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sỹ, bác sỹ, y tá, điều tra viên và du lịch. 
Lao động Việt nguy cơ bị “giật” việc từ ASEAN
Đây vừa là thời cơ nhưng cũng là thử thách cho TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung khi nguồn lao động chất lượng cao, kỹ năng ngoại ngữ… chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường mang tính cạnh tranh cao.  
Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại Hội thảo khoa học “Cộng đồng kinh tế ASEAN: Cơ hội và thách chức cho thị trường lao động TP.HCM” do Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức ngày 25/8.
Theo Tiến sĩ Trần Văn Thận, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, lâu nay chúng ta vẫn giới thiệu đội ngũ lao động trong nước là cần cù, chịu khó, giá rẻ…, còn yêu cầu về tay nghề và kiến thức chuyên môn chưa  bao giờ là ưu điểm. 
Khi cho phép luân chuyển 8 ngành nghề trên, cơ hội dành cho lao động Việt Nam sẽ càng bị thu hẹp bởi các yêu cầu khắt khe về chuyên môn, ngoại ngữ, nếu người lao động không ý thức rõ “mối nguy” này sẽ bị  thua ngay trên “sân nhà”.
ThS. Lưu Đình Vinh, Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM chỉ ra, năng suất  lao động và kỹ năng lao động là “điểm nghẽn” nguồn nhân lực TP.HCM khi gia nhập AEC. Theo công bố của Tổ chức Lao động Quốc tế thì năng suất lao động Việt Nam nói chung và của TP.HCM nói riêng thuộc nhóm thấp nhất ở châu Á – Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. 
Nguyên nhân do công tác đào tạo không gắn với nhu cầu của xã hội. Ngoài ra, năng suất lao động còn phụ thuộc vào nhiều nhân tố khác cũng rất quan trọng,  như trình độ khéo léo, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, yếu tố tác phong công nghiệp…
Tại TP.HCM, nhiều khảo sát của các tổ chức quốc tế cho thấy kỹ năng tiếng Anh của người lao động ở mức trung bình thấp. Mỗi năm, TP có khoảng 55.000 sinh viên và học viên ra trường nhưng phần đông khó tìm được việc làm do thiếu kỹ năng mềm, yếu kém về kỹ năng làm việc và kinh nghiệm thực tế. Được biết, nguồn nhân lực bậc cao của TP mới đáp ứng 30-40% nhu cầu.
Nhiều đại biểu kiến nghị, để xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao, TP cần định hướng hoạt động của các trường đào tạo, dạy nghề phù hợp với xu thế phát triển thị trường lao động theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập với các tiêu chuẩn chất lượng nghề nghiệp quốc tế, từ năng lực thực hành nghề chuyên môn; kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm; kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động; năng lực ứng dụng tin học và sử dụng tốt một ngoại ngữ…

Đọc thêm