Lật lại tính pháp lý của đề xuất thành lập Hãng hàng không SkyViet

(PLO) - Cho rằng Đề án thành lập Hãng hàng không SKyViet trên cơ sở tổ chức lại Vasco được xây dựng theo đúng quy định pháp luật, đúng chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2007, Bộ Giao thông Vận tải đang ráo riết chuẩn bị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung cho Công ty cổ phần Hàng không SkyViet bất chấp ý kiến trái chiều của dư luận.
Sở hữu đất đai, hạ tầng hàng không là khát khao của tất cả các hãng hàng không, chuyển đổi đất quốc phòng chưa sử dụng vào mục đích kinh tế, nâng cấp hạ tầng là đúng đắn song cần được thực hiện đúng pháp luật và quy hoạch
Sở hữu đất đai, hạ tầng hàng không là khát khao của tất cả các hãng hàng không, chuyển đổi đất quốc phòng chưa sử dụng vào mục đích kinh tế, nâng cấp hạ tầng là đúng đắn song cần được thực hiện đúng pháp luật và quy hoạch

Tại sao “một chủ trương đúng đắn” như nhận định của Bộ GTVT, cần thiết phải thực hiện ngay, đến mức bỏ qua cả cảnh báo về tính hiệu quả cũng như nguy cơ thất thoát vốn, tài sản của nhà nước nhưng bị bỏ lửng gần 9 năm?

Liệu Vietnam Airlines và Bộ GTVT có làm trái các quy định của Nhà nước khi thực tế pháp lý cho thấy sau chỉ đạo của Thủ tướng tại Công văn số 1567/TTg - CN ngày 18/10/2007 còn có hàng loạt văn bản pháp lý khác, trong đó quan trọng nhất là Nghị định 183/2013 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng cty Hàng không Việt Nam (VNA)?

“Nhiều văn bản pháp lý bị “bỏ quên”?

Trong thông cáo báo chí phát đi từ Bộ GTVT về việc đơn vị này báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thành lập Công ty cổ phần Hàng không VASCO, trong đó điểm đáng chú ý nhất chính là việc, Công ty Bay dịch vụ Hàng không (VASCO) - chi nhánh của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ được chuyển đổi thành một hãng hàng không cổ phần tên là SkyViet đều khẳng định: Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1567/TTg- CN ngày 18/10/2007 đã phê duyệt và cho phép VNA xây dựng đề án thành lập hãng hàng không cổ phần trên cơ sở tổ chức lại VASCO.

Trên cơ sở Văn bản số 1567/TTg- CN ngày 30/12/2015, ông Phạm Viết Thanh, người đại diện phần vốn nhà nước tại Vietnam Airlines đã có Công văn số 2336/BC-TCTHK-NĐDVNN về việc xin phê duyệt chủ trương góp vốn thành lập hãng hàng không theo mô hình công ty cổ phần trên cơ sở sắp xếp lại Vasco có quy mô vốn điều lệ tối thiểu 300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo hồ sơ PLVN có được thì Văn bản số 1567/TTg- CN được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 22/9/2008, phê duyệt các dự án phát triển đội máy bay của VNA và Vasco đến năm 2015 và 2020. Tại Điều 4 của Văn bản này có ghi rõ: Cho phép VNA thuê tư vấn định giá Vasco như một doanh nghiệp thông thường và cho phép chỉ định VietAir (sau khi được thành lập) mua lại Vasco theo giá trị đã được tổ chức tư vấn độc lập xác định.

Tuy nhiên, 4 năm sau, tại Quyết định số 586/QĐ-TTG phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của VNA thì Vasco vẫn được xếp là đơn vị trực thuộc VNA (theo Phụ lục 1 ban hành kèm điều lệ nói trên). Ngày 15/11/2011, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh có Văn bản số 2129/ TTg- ĐMDN yêu cầu VNA báo cáo Thủ tướng tình hình thực hiện tái cơ cấu Vasco, trình thủ tướng trong quý IV/2011.

Đến tháng 1/2013, tại Quyết định số 172/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu VNA giai đoạn 2012-2015 thì tại điểm II, mục 1 của Quyết định này vẫn ghi rõ các đơn vị phụ thuộc công ty mẹ gồm có 9 đơn vị, trong đó có Công ty Vasco.

Cũng tại quyết định này, Thủ tướng yêu cầu Hội đồng thành viên VNA tiếp tục thực hiện Kế hoạch phát triển đội máy bay của VNA được Thủ tướng phê duyệt tại Công văn số 1567/TTg-CN. Tại quyết định này không hề có dòng nào nhắc gì tới việc tái cơ cấu hay cho phép VNA thành lập hãng hàng không cổ phần trên cơ sở tái cơ cấu Vasco và được phép chọn cổ đông góp vốn không thông qua đấu giá công khai.

Đặc biệt, tới năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 183/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA)- văn bản pháp lý mới nhất điều chỉnh mọi hoạt động của VNA và cũng là văn bản có hiệu lực cao nhất (sau các luật chung như Luật Hàng không, Luật Doanh nghiệp...). Nghị định số 183 có hiệu lực thi hành từ ngày 5/4/2014 và tại Phụ lục 1, Công ty Vasco vẫn trong danh sách các đơn vị trực thuộc VNA.

Vì sao Vasco, một đơn vị trực thuộc, hạch toán phụ thuộc, nằm trong cơ cấu VNA- doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ, sở hữu nhiều vốn, tài sản của Nhà nước đột nhiên được định giá thấp (300 tỷ đồng) sau đó “bán” cổ phần cho Ngân hàng Techcombank thông qua hình thức “lạ” - không có trong quy định của pháp luật (như khẳng định của ông Vũ Anh Minh- Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp- Bộ GTVT là: hiện nay chỉ có quy định về quy trình chuyển đổi từ Công ty TNHH MTV nhà nước sang công ty cổ phần, chưa có quy trình thủ tục chuyến đổi từ công ty, công ty TNHH trực thuộc tổng công ty sang công ty cổ phần).

Đây là dấu hỏi lớn mà cho tới nay VNA chưa trả lời trước công luận và Bộ GTVT thì dường như “bỏ qua” các văn bản pháp lý được ban hành sau Công văn số 1567/TTg- CN. Trong “thương vụ” này, trong vai quản lý nhà nước, Bộ GTVT đã không xem xét toàn bộ các văn bản pháp lý Chính phủ ban hành mà trước sau chỉ căn cứ một công văn từ hơn 9 năm trước để khẳng định đang làm đúng và muốn nhanh chóng cấp phép ngay cho hãng hàng không mới được thành lập từ mô hình công ty cổ phần lạ đời này?

Bộ GTVT đang ráo riết chuẩn bị cấp phép cho Công ty cổ phần Hàng không SkyViet bất chấp ý kiến trái chiều của dư luận
Bộ GTVT đang ráo riết chuẩn bị cấp phép cho Công ty cổ phần Hàng không SkyViet bất chấp ý kiến trái chiều của dư luận

“Techcombank có “bẻ lái” VNA?

Phân tích về thương vụ “Vasco”, báo Đấu Thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 11/4 có bài viết đặt nghi vấn, phải chăng Ngân hàng Techcombank đã “bẻ lái” VNA?

Báo này phân tích: “Trên cơ sở làm ăn hiệu quả và nhận thấy vai trò quan trọng trong việc thành lập một công ty có pháp nhân độc lập, trong Nghị quyết ĐHCĐ lần thứ nhất (năm 2015) VNA đã có nội dung “ĐHĐCĐ thông qua chủ trương thành lập Công ty TNHH MTV Bay dịch vụ hàng không từ Chi nhánh Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO)”.

Tuy nhiên, sau đó VNA nhận được đề nghị của Ngân hàng Techcombank mong muốn góp vốn cùng VNA để sáng lập hãng hàng không mới. Hai bên thống nhất thành lập mô hình công ty cổ phần.

Câu hỏi đặt ra là Vietnam Airlines đã xin ý kiến cổ đông về việc thay đổi nội dung trong Nghị quyết ĐHĐCĐ hay chưa và vì sao Techcombank có thể “bẻ lái” chủ trương của một tập đoàn kinh tế lớn đặc thù như VNA? Nếu là một đơn vị khác đề xuất, liệu VNA có dễ dàng thay đổi cả một kế hoạch lớn đã được thông qua tại ĐHĐCĐ - thiết chế quyền lực cao nhất của một công ty đại chúng?

Việc lựa chọn Techcombank để hợp tác thành lập hãng hàng không mới có đảm bảo tính cạnh tranh khi lựa chọn nhà đầu tư. Bởi VNA mặc dù đã cổ phần hóa, song tỷ lệ sở hữu Nhà nước vẫn áp đảo, việc bảo toàn tài sản, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản vẫn là ưu tiên hàng đầu và tuân thủ theo pháp luật.

Trong khi đó, bất chấp dư luận “nóng bỏng”, ngày 10/3/2016, Công ty cổ phần Hàng không SkyViet đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0313687528. Công ty này dự kiến chính thức đi vào hoạt động sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung.

Nguồn tin PLVN cho biết, Bộ GTVT vẫn giữ quan điểm: Đề án được xây dựng theo đúng quy định pháp luật, đúng chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (từ năm 2007) nên sẽ xem xét và cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung cho Công ty cổ phần Hàng không SkyViet.

Để làm rõ những căn cứ pháp lý trong đề xuất cấp giấy phép cho SkyViet, phóng viên PLVN đã nhiều lần liên lạc với ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam để có câu trả lời xung quanh vấn đề này nhưng đã nhiều lần cố gắng mà phóng vẫn không thể liên hệ được với ông này. Ngay trong ngày 11/4, phóng viên đã có 2 lần gọi điện kết nối với ông Thanh nhưng vẫn không nhận được phản hồi nào!

Báo PLVN tiếp tục thông tin.

Đọc thêm