Lệ phí trước bạ: Rào cản chuyển dịch nguồn lực xã hội

(PLO) - Theo quan điểm của các chuyên gia pháp luật từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), lệ phí trước bạ được đánh vào thời điểm chuyển sở hữu nên có thể được coi là một rào cản cho việc dịch chuyển nguồn lực. Và để sử dụng hiệu quả công cụ này, cơ quan quản lý phải có quy định phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại.
Các chuyên gia pháp luật của VCCI đề nghị đánh lệ phí trước bạ mức cao đối với việc đăng ký nhà ở xã hội lần thứ 2 nhằm tránh việc người dân trục lợi chính sách
Các chuyên gia pháp luật của VCCI đề nghị đánh lệ phí trước bạ mức cao đối với việc đăng ký nhà ở xã hội lần thứ 2 nhằm tránh việc người dân trục lợi chính sách

Lệ phí trước bạ là khoản thu đánh vào việc đăng ký sở hữu tài sản của người dân và doanh nghiệp. Pháp luật về đăng ký tài sản được hình thành từ 2 lý do chính: một là tránh tranh chấp tài sản có giá trị lớn hoặc rất dễ nảy sinh tranh chấp; hai là để quản lý chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ theo pháp luật dân sự. Tương ứng với đó, pháp luật hiện nay có 4 loại tài sản phải đăng ký gồm: bất động sản; phương tiện giao thông; súng săn, súng thể thao và một số tài sản trí tuệ theo pháp luật về sở hữu trí tuệ. 

Lệ phí trước bạ đối với súng săn, xe máy: có cần nữa không?

Trong văn bản mới đây gửi Bộ Tài chính, VCCI cho rằng, để xác định mức độ đối với từng loại lệ phí trước bạ, cần phân biệt mục đích đăng ký tài sản (mục đích tránh tranh chấp tài sản – mục đích có lợi cho chủ sở hữu nên họ có động lực nộp, hay mục đích quản lý nguồn nguy hiểm cao độ nhằm quản lý của Nhà nước, chứ chủ sở hữu sẽ không có động lực rõ ràng để thực hiện thủ tục đăng ký tài sản cũng như nộp lệ phí trước bạ).

“Trong nền kinh tế thị trường, việc dịch chuyển linh hoạt các nguồn lực xã hội phục vụ sản xuất là rất quan trọng. Ví dụ, một mảnh đất bị bỏ không, không tạo ra giá trị thặng dư cho xã hội, nếu được chuyển sở hữu sang một chủ khác có khả năng sử dụng vào mục đích nông nghiệp, chế tạo hay thương mại đều sẽ mang lại động lực để phát triển kinh tế.

Lệ phí trước bạ được đánh vào thời điểm chuyển sở hữu nên có thể được coi là một rào cản cho việc dịch chuyển nguồn lực như vậy. Khi đó, chính sách về lệ phí trước bạ có thể sử dụng như một công cụ để hạn chế việc chuyển nguồn lực sử dụng vào những mục đích mà Nhà nước không mong muốn và khuyến khích chuyển nguồn lực vào những mục đích mang lại nhiều giá trị xã hội hơn” – các chuyên gia VCCI nhận định.

Trên quan điểm tiếp cận đó, các chuyên gia của VCCI cho rằng, quy định về lệ phí trước bạ đối với súng săn, súng thể thao, xe máy nhằm mục tiêu quản lý nhà nước về nguồn nguy hiểm cao độ hơn là để tránh tranh chấp cho chủ sở hữu.

Do đó, việc đặt thêm rào cản tài chính đối với việc chuyển sở hữu tài sản này là không cần thiết, khiến người dân “ngại” làm thủ tục chuyển sở hữu, từ đó gây khó khăn cho việc quản lý nhà nước. Vì thế, cần cân nhắc việc miễn lệ phí trước bạ đối với các trường hợp đăng ký tài sản từ lần thứ 2 trở đi đối với súng săn, súng thể thao, xe máy.

Giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô dưới 10 chỗ đăng ký lần 2, xe kinh doanh taxi

Theo Dự thảo Nghị định về lệ phí trước bạ, mức lệ phí trước bạ đối với ô tô dưới 10 chỗ ngồi lên đến 10% khi đăng ký lần đầu và 2% khi đăng ký từ lần thứ 2 trở đi. Việc đăng ký sở hữu đối với ô tô dưới 10 chỗ ngồi nhằm cả 2 mục đích tránh tranh chấp và quản lý nguồn nguy hiểm cao độ. 

Việc xác định mức thu lệ phí trước bạ chỉ 2% lần thứ 2 so với 10% lần đầu đã thể hiện tinh thần giảm rào cản khi chuyển sở hữu đối với tài sản là nguồn nguy hiểm cao độ. Tuy nhiên, mức 2% vẫn là mức tương đối cao so với các loại tài sản khác như nhà đất (0,5%), tàu thủy (1%). Do đó, nhằm mục tiêu không gây cản trở, khuyến khích người dân làm thủ tục “sang tên” xe ô tô, phục vụ các mục tiêu quản lý phương tiện, cơ quan soạn thảo cũng cần cân nhắc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ đối với việc đăng ký lần 2 trở đi đối với xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi xuống mức 1%.

Tương tự, cũng cần có chính sách khuyến khích đối với ô tô dưới 10 chỗ ngồi được sử dụng vào mục đích kinh doanh taxi. Hiện nay, theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, xe ô tô sử dụng làm taxi tại đô thị có niên hạn không quá 8 năm. Sau thời gian đó, các hãng taxi buộc phải bán xe cho các chủ sở hữu khác và phải chịu lệ phí trước bạ thêm một lần nữa.

Nhằm mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân tại các thành phố, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc giảm lệ phí trước bạ đối với trường hợp các doanh nghiệp đăng ký xe ô tô nhằm mục đích chở taxi, đến khi các hãng taxi thanh lý xe đó thì có thể đánh lệ phí trước bạ theo mức 10%. Quy định như vậy sẽ khuyến khích việc sử dụng xe ô tô vào mục đích taxi, bảo đảm mục tiêu hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

Áp dụng lệ phí trước bạ mức cao đối với đăng ký nhà ở xã hội lần 2

Liên quan đến nhà ở xã hội, các chuyên gia cho rằng, hiện nay chính sách phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập thấp đang được Chính phủ chú trọng. Do đó, cần cân nhắc miễn lệ phí trước bạ đối với tài sản là nhà ở xã hội.

Theo đó, thủ tục đăng ký mua nhà ở xã hội đã bao gồm cả việc kiểm tra, chứng nhận người mua là người có thu nhập thấp, như vậy, cơ quan đăng ký tài sản hoàn toàn có thể căn cứ vào việc mua tài sản là nhà ở xã hội để tiến hành miễn lệ phí mà không cần phải kiểm tra lại các giấy tờ chứng minh người đăng ký thuộc diện khó khăn theo quy định của Dự thảo. 

Đồng thời, chính sách nhà ở xã hội cũng cần có cơ chế ngăn cản người có thu nhập thấp bán lại nhà ở đó nhằm hưởng chênh lệch. Do đó, các chuyên gia đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về lệ phí trước bạ đối với nhà ở xã hội theo hướng: miễn lệ phí trước bạ đối với trường hợp đăng ký nhà ở xã hội lần đầu; áp lệ phí trước bạ ở mức cao đối với trường hợp đăng ký nhà ở xã hội lần thứ 2; áp lệ phí trước bạ ở mức bình thường (0,5%) đối với trường hợp đăng ký nhà ở xã hội từ lần thứ 3 trở đi.

Đọc thêm