Lịch sử 130 năm, sao đường sắt ngày càng tụt hậu?

(PLO) - Đó là thắc mắc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), tại phiên họp thứ 3 khi cho ý kiến dự thảo Luật Đường sắt, ngày hôm qua (12/9).
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đường sắt nhiều “đồ cổ”

Một số ý kiến đề xuất, dự án luật phải được xây dựng trên tinh thần phát huy những ưu điểm của Luật Đường sắt 2005, bổ sung thay thế các nội dung không phù hợp, cản trở và gây hạn chế sự phát triển của lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt. Tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm phát triển của đường sắt các nước trên thế giới có điều kiện tương đồng với Việt Nam.

Bố cục của Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) được xây dựng gồm 9 chương, 95 điều. Trong đó, giữ nguyên 4/114 điều (chiếm 3,5%); sửa đổi, bổ sung 65/114 điều (chiếm 57%); bãi bỏ 45/114 điều (chiếm 39,5%); bổ sung mới 26 điều.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) khẳng định sự cần thiết sửa đổi Luật Đường sắt năm 2005; nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Đường sắt năm 2005 cũng nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho đầu tư, tổ chức quản lý, khai thác và phát triển giao thông đường sắt theo hướng hiện đại, đưa đường sắt Việt Nam phát triển xứng tầm với vị trí của một ngành kinh tế quan trọng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

Đồng thời tạo lập môi trường hoạt động kinh doanh thông thoáng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt là trong hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải trên mạng lưới đường sắt quốc gia; cạnh tranh bình đẳng giữa vận tải đường sắt với các phương thức vận tải khác, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, tăng cường kết nối với các phương thức vận tải.

Tại phiên họp, các ý kiến đều đánh giá giao thông đường sắt là cực kỳ quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội cũng như đảm bảo an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, theo, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thì đến nay, giao thông đường sắt đã bộc lộ nhiều bất cập: kết cấu hạ tầng đường sắt lạc hậu, xuống cấp, phần lớn đầu tư từ hơn trăm năm trước; đường đơn khổ rộng 1m mà trên thế giới hầu như không dùng; hệ thống tín hiệu nhiều thế hệ, năng lực thông qua thấp ; có nhiều điểm giao cắt đồng mức với đường bộ gây mất an toàn; công nghệ thông tin trong hoạt động hầu như chưa được ứng dụng... 

Sau khi đặt vấn đề về nguyên nhân lạc hậu của ngành đường sắt là do hạn chế của Luật Đường sắt hay do luật chưa đi vào cuộc sống, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng phải tìm rõ nguyên nhân do đâu thì dự thảo Luật sửa đổi mới khắc phục tình trạng lạc hậu yếu kém.

Theo ông Chiến, dự án luật vẫn chưa quan tâm đến chính sách phát triển đường sắt tại các tỉnh vùng cao, vùng núi, vùng khó khăn. “Tôi thấy các tỉnh này chỉ có đường bộ chưa thấy có đường sắt, đường thủy. Trong điều kiện khoa học công nghệ hiện nay, phát triển đường sắt không có gì khó khăn. Trung Quốc đã đưa đường sắt lên tận Tây Tạng rồi”, ông Chiến nói.

Liên quan đến việc tại sao ngành đường sắt nước ta có 130 năm rồi mà chưa phát triển? Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng vấn đề chủ yếu là nằm ở nhận thức. “Chúng ta nhìn nhận đường sắt như thế nào và quy hoạch tổng thể của giao thông chung như thế nào. Chúng ta còn dè dặt đầu tư vào đường hàng không, đường bộ mà chưa tập trung vào phát triển đường sắt, đường thủy”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, nếu đánh giá tồn tại nằm ở vấn đề quản lý thì trong dự án luật cần tách hẳn một Chương quy định về vấn đề quản lý: làm những vấn đề gì và chính sách ra sao. Còn vấn đề kinh doanh đường sắt thì cần phải kinh doanh theo hướng thị trường. “Như dự thảo thì còn “thập thò”, nếu bước ra thị trường thì phải bước ra cho rõ. Cần khẳng định rõ kinh doanh là cái gì, và kinh doanh đường sắt là một ngành kinh doanh được nước ta ưu đãi”, ông Bình cho biết.

Luật Thủy lợi: Chưa bao quát

Cũng tại phiên họp, dự án Luật Thủy lợi cũng được đưa ra xin ý kiến. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận định, việc quản lý công trình thuỷ lợi thời gian qua chưa hiệu quả, nhất là mô hình quản lý chưa phù hợp, như vừa quản lý nhà nước vừa quản lý khai thác, dẫn đến dễ xung đột, thất thoát tiền khi Nhà nước đầu tư nhưng cá nhân, doanh nghiệp hưởng lợi.

“Nếu chỉ dừng như dự thảo thì chưa tạo đột phá, chưa giải quyết được những vấn đề nhập nhằng, chồng chéo chức năng và vấn đề thực tiễn. Đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình kỹ từng ý kiến trong báo cáo thẩm tra để đưa ra mô hình quản lý phù hợp, nếu không chưa đạt mục tiêu đề ra”, bà Nga nói.

Cho rằng, dự án luật cần đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả tiết kiệm sử dụng nước, chi phí đầu tư tối ưu, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, chúng ta đã có rất nhiều hồ đập trữ nước, nhưng kênh mương để dẫn nước phục vụ cho tưới tiêu sinh hoạt lại chưa đầu tư. Chính điều này đã gây lãng phí rất lớn cho ngân sách.

Theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu: “Hiện nay đất sử dụng đã rất thiếu so với tốc độ đô thị hóa. Tại sao ta không tính theo công nghệ ống dẫn ngầm dưới đất. Các nước làm hệ thống ống dẫn ngầm rất hiệu quả, vừa tiết kiệm đất, vừa tiết kiệm nước. Nếu ta tư duy đưa vấn đề này ra Luật là rất tốt”.

Liên quan đến vấn đề đảm bảo bảo vệ an toàn công trình thuỷ lợi lớn, theo Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ đây là vấn đề lớn và quan trọng. Theo ông Tỵ, vấn đề này liên quan đến an ninh quốc phòng, nếu mất an toàn thủy lợi là thảm hoạ. “Bảo vệ không tốt mà đập bị vỡ thì không biết hậu quả đến đâu. Ta mới quy định mang tính kỹ thuật chứ chưa yêu cầu bắt buộc bộ ngành, địa phương phải làm, trong đó có trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Do đó, công tác bảo vệ an ninh an toàn cần làm rõ hơn để tránh đùn đẩy khi tình huống xảy ra”, ông Tỵ đề nghị.

Còn theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Luật này chưa bao quát hết công tác thuỷ lợi trong tình hình mới như biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phục vụ tái sản xuất nông nghiệp cũng như hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Do vậy, Chủ tịch QH đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát kỹ và lưu ý bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ trong hệ thống luật; bớt điều khoản giao Chính phủ quy định.

Phiên họp thứ 3 của UBTVQH khai mạc ngày 12/9 và kéo dài đến ngày 22/9. UBTVQH sẽ cho ý kiến vào 13 dự án luật, như: Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật Quy hoạch; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật về Hội...

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là một nội dung được dư luận quan tâm, chú ý nhiều. Nội dung này sẽ được bố trí thời gian thảo luận vào buổi chiều thứ sáu (16/9).

Vừa qua, Ủy ban Quốc phòng – An ninh đã có phiên họp thẩm tra dự án luật trước khi trình xin ý kiến Thường vụ Quốc hội. Nhiều thành viên cơ quan thẩm tra khi đó đã đặt vấn đề, vụ Chi cục trưởng Kiểm lâm Yên Bái nổ súng sát hại cấp trên là 2 lãnh đạo chủ chốt của tỉnh này (Bí thư Tỉnh uỷ và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh) cho thấy nhiều kẽ hở, bất cập trong quy định về quản lý vũ khí.

Hiện tại, việc quản lý, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ mới đang được quy định bằng một pháp lệnh. Nâng pháp lệnh này lên thành luật được xem là một yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Một nội dung khác dự kiến có trong chương trình phiên họp thứ 3 của UBTVQH là về Nghị quyết của UBTVQH về Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (thay thế Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11).

Dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên và dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cũng sẽ được trình xin ý kiến.

Cũng tại phiên họp, các đại biểu cũng sẽ thảo luận về báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng.

Việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV cũng là nội dung quan trọng được UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp này.

Đọc thêm