Liên kết vùng nhưng chưa có cơ chế điều hành thực sự

(PLO) - Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề Kết nối giao thông các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vừa được tổ chức tại TP HCM với sự tham dự của nhiều lãnh đạo bộ, ban, ngành T.Ư và các địa phương trong vùng, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cho rằng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế cả nước. 
Kết nối giao thông vùng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.  Ảnh minh họa
Kết nối giao thông vùng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa phát huy được tiềm năng của vùng và của riêng “đầu tàu” TP HCM. 

Tập trung một số dự án trên cơ sở lợi ích của vùng

Dù có nhiều quy hoạch theo chức năng và không gian nhưng chưa thực sự nâng cao tốc độ tăng trưởng và năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, do cơ chế phát triển còn hạn chế, nguồn lực bị phân tán, các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, quản lý đô thị vẫn bị xử lí theo lợi ích của từng địa phương. Đây là vấn đề lớn nhất cản trở sự phát triển. 

“Chúng ta cứ nói liên kết vùng nhưng chưa có cơ chế điều hành thực sự. Do đó, chúng ta phải xây dựng được chính sách phát triển và cơ chế điều phối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà trọng tâm là quy hoạch phân bố lại sao cho hợp lí, đặc biệt là kết nối về giao thông”, ông Thăng nói. Về điểm này, các địa phương cần phải nêu lên các giải pháp trước mắt và lâu dài đồng bộ, tập trung vào một số dự án, xác định trên cơ sở lợi ích của vùng. 

Liên kết giao thông là liên kết vùng chứ không phải giữa hai tỉnh với nhau và qua Hội nghị phải triển khai những dự án cụ thể. Ví như giữa TP  HCM với Tây Ninh phải triển khai ngay dự án mở rộng quốc lộ 22, cao tốc TP HCM – Mộc Bài, với tỉnh Bình Dương là tập trung mở rộng quốc lộ 13, với Tiền Giang là tập trung làm quốc lộ 20…

Triển khai dự án chậm ảnh hưởng đến liên kết giao thông vùng

Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Trần Lưu Quang cho biết, “phải mất đến 3 giờ để đi 100km từ Tây Ninh đến TP HCM, như thế là quá lâu” nên trong quá trình phát triển các tuyến đường kết nối, mong TP HCM hỗ trợ giúp các tỉnh phát triển chứ không để tỉnh tự làm.

Còn Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái cho rằng, nhiều tuyến đường đi qua địa phương đã được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, nhưng ông cũng kiến nghị sớm triển khai xây dựng Sân bay Long Thành, nghiên cứu tận dụng phát triển thêm cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, sớm triển khai tuyến đường Vành đai 3, kéo dài tuyến đường sắt đô thị kéo dài đến Biên Hòa và địa phận của Bình Dương….

Đại diện các địa phương như Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu đã đưa ra một số kiến nghị như phát triển các tuyến đường vành đai, nâng cao tĩnh không các cầu trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn để nâng cao hiệu quả phát triển vận tải đường thủy… nâng cấp một số tuyến đường tỉnh thành quốc lộ, tạo sự kết nối giữa các tỉnh và giữa các tỉnh với TP HCM. 

Trên cơ sở ý kiến địa phương, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, việc phát triển hạ tầng giao thông trong khu vực đã được chú trọng. Nhiều công trình đã hoàn thành đã mang tính kết nối liên vùng như các tuyến cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, TP HCM – Trung Lương và các tuyến đang triển khai, đang cải tạo nâng cấp Sân bay Tân Sơn Nhất, đầu tư Cảng Cái Mép – Thị Vải… tác động rất lớn đến phát triển kinh tế vùng. 

Tuy nhiên, việc triển khai vẫn đang rất chậm so với qui hoạch mà vấn đề lớn nhất là huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện. Điều đó đã ảnh hưởng đến kết nối giao thông vùng trong thời gian vừa qua, đặc biệt là những tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 đã hoạch định nhưng chưa thể làm được đã ảnh hưởng đến việc liên kết giao thông vùng, làm cho lưu chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Đông xuống cảng khó khăn và chi phí vận tải tăng cao… Với những thực trạng được chỉ ra, hy vọng thời gian tới kết nối giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ có nhiều khởi sắc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Đọc thêm