Lo ngại giảm phát?

(PLO) - Chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 6/2015 chỉ tăng 0,55% so với tháng 12/2014 và tăng 1% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng thấp nhất trong tháng 6 kể từ năm 2011 đến nay. 
Chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 6/2015 tăng ở mức thấp (Ảnh MH).
Chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 6/2015 tăng ở mức thấp (Ảnh MH).
Theo nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm 2015 và dự báo” do Học viện Tài chính  tổ chức ngày hôm qua (30/6), nguy cơ nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát lớn hơn nhiều so với nguy cơ lạm phát cao quay trở lại như trước đây…
Lạm phát thấp do tổng cầu
Theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện  Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài  chính) tình trạng lạm  phát thấp  không phải bây giờ mới xuất hiện. Khi tốc độ lạm phát của tháng 12/2014 so với cùng kỳ năm trước giảm xuống mức 1,84%, vấn đề lạm phát thấp đã được đặt ra. 
Vào thời điểm đó, giá dầu thế giới giảm mạnh được cho là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát rơi xuống dưới mức. Tuy nhiên, giải thích này đến nay không còn thuyết phục. Mặt bằng giá xăng dầu trên thế giới cũng như trong nước vào thời điểm giữa tháng 6/2015 đã ở mức ngang bằng so với thời điểm tháng 12/2014. 
Trong khi đó, CPI 6 tháng đầu năm 2015 còn chịu tác động của việc tăng giá điện, tỷ giá và giá dịch vụ y tế. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tỷ giá tăng 2% sẽ khiến cho CPI tăng thêm 0,6% và giá điện tăng 8,42% đã đẩy chỉ số CPI tăng thêm 0,22%. 
“Như vậy, trong nửa đầu năm 2015, các yếu tố chi phí đẩy chỉ số CPI tăng, về cơ bản, có tác động kéo lạm phát thấp hiện nay chỉ có thể giải thích bởi nguyên nhân còn lại- động thái của tổng cầu”- TS Độ nhận định
Thực tế, kể từ năm 2008 đến nay, tăng trưởng kinh tế luôn trong tình trạng thấp hơn mức tiềm năng (khoảng 6,5%), tức là tốc độ tăng của tổng cầu luôn yếu hơn tốc độ tăng của tổng cung. Điều này đã khiến chênh lệch tổng cầu - tổng cung liên tục giảm và kéo lạm phát giảm theo.
Với các kịch bản lạm phát được đưa ra, TS Độ cho rằng để nền kinh tế tránh xa vùng giảm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế cần đạt được từ mức 6,5% trở lên. Nếu nền kinh tế chỉ tăng trưởng ở mức 6 – 6,25%, xác suất rơi vào tình trạng giảm phát là tương đối lớn. Do đó, với tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 6,28% trong 6 tháng đầu năm 2015, nguy cơ nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát đang lớn hơn nhiều so với nguy cơ lạm phát cao quay trở lại trước đây.
Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP cho giai đoạn 2016 – 2020 ở mức 6,5 - 7%, đây là mức tăng GDP cần tiến tới để tránh rơi vào tình trạng giảm phát. Song theo TS Độ, làm thế nào để đạt được mức tăng trưởng này là thách thức lớn?
Giảm lãi suất để thúc tăng trưởng kinh tế
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ mức 6,5% trở lên, theo nhận định của các chuyên gia, một trong những diều kiện cần là phải giảm được lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay. Tuy nhiên, quá trình giảm lãi suất hiện đang diễn ra rất chậm chạp, nguyên nhân được chỉ ra là do các ngân hàng phải duy trì mức lãi suất cao để giữ chân người gửi tiền. 
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy đã bắt đầu có sự căng thẳng cung – cầu vốn trên thị trường khi tính đến 19/6, tín dụng đã tăng trưởng 6,28%, trong khi huy động vốn chỉ tăng 4,8%.
Theo TS Nguyễn Đức Độ, để giảm lãi suất cho vay đồng thời vẫn đảm bảo mức tăng trưởng tín dụng mục tiêu 15% (cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP và lạm phát cộng lại ) không thể trông chờ vào huy động vốn trên thị trường mà cần có thêm tiền từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tuy nhiên tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán trong 6 tháng đầu năm chỉ ở mức 5,09%, thấp hơn con số 6,37% của cùng kỳ năm ngoái. 
“Điều này có nghĩa NHNN chưa sẵn sàng cho chính sách giảm lãi suất. Và lý do quan trọng là để ổn định tỷ giá”- TS Độ nhận định. Theo ông, NHNN đang đứng trước bài toán khó giữa tăng tỷ giá hay bơm VND để hạ lãi suất.
Theo TS Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, để kiểm soát lạm phát ổn định thì vấn đề kiểm soát tiền tệ luôn phải đặt ra hàng đầu, đi kèm với nó là vấn đề phát triển hệ thống phân phối hàng hóa đảm bảo sự cân bằng tương đối cung - cầu hàng hóa. 
“Trong 6 tháng cuối năm, tín dụng vẫn tiếp tục gia tăng, thêm vào đó, chính sách nới room các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ thu hút thêm dòng vốn FII qua thị trường chứng khoán, tốc độ giải ngân dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng trong 6 tháng cuối năm đặt ra thách thức cho việc kiểm soát dòng tiền đối với NHNN để kiểm soát lạm phát, đặc biệt là vấn đề kiểm soát tỷ giá…”- TS Thanh nhận định. Theo bà, chính sách nào cũng phải chấp nhận đánh đổi và vấn đề tỷ giá phải hết sức thận trọng bởi không chỉ liên quan đến lạm phát.
“Trong giai đoạn 2012- 2014, NHNN đã rất thành công trong việc hạ lãi suất, giảm lạm phát, đồng thời với ổn định tỷ giá và thị trường vàng. Một trong những lý do dẫn đến thành công này là các dòng tiền nóng đã hướng vào thị trường trái phiếu. 
Khi dòng tiền chảy vào trái phiếu, áp lực lên tỷ giá sẽ giảm bớt, cơ hội giảm lãi suất sẽ rộng mở, việc phát hành trái phiếu Chính phủ sẽ dễ dàng hơn, tín dụng sẽ tăng trưởng cao hơn và việc xử lý nợ xấu sẽ thuận lợi hơn. Do vậy, hướng dòng tiền vào trái phiếu vẫn là một mũi tên trúng nhiều đích trong bối cảnh hiện nay…”- TS Độ đề xuất.

Đọc thêm