Lối đi nào cho doanh nghiệp bán lẻ nội địa?

(PLO) - Các nhà bán lẻ nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam ngày một đông khiến thị trường của Việt Nam đang thay đổi dần “cục diện”. Vì thế, sức ép lên các doanh nghiệp nội địa ngày một gia tăng khiến họ phải tìm cách để thích ứng, tồn tại và phát triển. Nhưng lối đi đúng đang là điều mà các doanh nghiệp trong nước quan tâm. 
Big C – một trong những chuỗi siêu thị bán lẻ mạnh nhất Việt Nam đã bị Tập đoàn Central Group của Thái Lan mua lại
Big C – một trong những chuỗi siêu thị bán lẻ mạnh nhất Việt Nam đã bị Tập đoàn Central Group của Thái Lan mua lại

Các tên tuổi lớn “đổ” tiền vào M&A 

Một xu hướng phát triển mạnh trong thời gian vừa qua cần đề cập, đó là các phi vụ mua bán (M&A) giữa nhà bán lẻ nước ngoài với các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam. Sự xuất hiện ồ ạt của các đại gia bán lẻ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... được ví như một “làn sóng” đang quét qua thị trường bán lẻ Việt Nam.

Bốn tháng đầu năm 2014, đã có ít nhất 3 tập đoàn lớn nước ngoài tiến vào Việt Nam, đó là: tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản - Aeon, Hàn Quốc  với Lotte Mart và Berli Jucker (BJC) của Thái Lan, với tổng vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD.

Đến năm 2015, tiếp tục có thêm tập đoàn bán lẻ hàng đầu khác của Thái Lan là Central Group khi quyết định mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư Phát triển công nghệ và Giải pháp mới - đơn vị trước đó sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim – một trong những nhà bán lẻ điện tử hàng đầu Việt Nam. Ngoài ra,  Emart - Hàn Quốc cũng đã chính thức đặt chân vào thị trường bán lẻ Việt Nam.

Đặc biệt, tháng 5/ 2016, Central Group của Thái Lan lại một lần nữa khiến thị trường bán lẻ Việt Nam xáo trộn khi loan báo đã mua lại Big C từ tay các ông chủ người Pháp. Ngoài ra, các thương hiệu lớn như AuchanSuper – thương hiệu bán lẻ đến từ Pháp và các nhãn hiệu thời trang như Gap, Mango, Topshop... đã trở thành sự quan tâm của nhiều người Việt Nam. 

Dự kiến, trong năm tiếp theo, M&A vẫn còn tiếp tục sôi động với sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài và một số ít của các nhà đầu tư trong nước vào cả lĩnh vực phân phối và cả lĩnh vực sản xuất, dịch vụ.

Điều này dẫn đến một tình trạng mà chúng ta đang thấy rất rõ trong khi chỉ  có một số ít các nhà bán lẻ Việt Nam còn tiếp tục trụ vững và phát triển như Coopmart, Vingroup, . . . còn lại đa số các thương hiệu nội về bán lẻ, phần thì bán bớt cổ phần hoặc hợp tác kinh doanh, phần thì thu hẹp địa điểm do làm ăn khó khăn hoặc thua lỗ. 

Doanh nghiệp FDI ít điểm bán, nhưng quy mô “khủng”

Nhiều ý kiến cho rằng, với thực tế thị trường bán lẻ trong nước  bị nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài thâu tóm sẽ khiến các doanh nghiệp nội, hàng hóa Việt Nam mất dần chỗ đứng, doanh nghiệp nội kinh doanh trong lĩnh vực này giảm? 

Xung quanh vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị TP Hà Nội cho hay, hiện nay cả nước có 750 siêu thị, 150 trung tâm thương mại. Về doanh số bán lẻ, kinh tế nhà nước chiếm khoảng 10%, ngoài Nhà nước chiếm khoảng 86%, doanh nghiệp FDI khoảng 4%. Điều cần lưu ý là tuy các điểm bán của doanh nghiệp FDI mới chiếm một lượng khiêm tốn là 90 điểm trên tổng số siêu thị trong cả nước, song doanh số bán ra 1 điểm của họ gấp 3-4 lần, thậm chí đến 7-8 lần so với 1 điểm của các siêu thị nội do quy mô rất lớn. Đó là điều mà các nhà hoạch định chính sách phát triển thị trường bán lẻ hiện đại của Việt Nam và các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần quan tâm. 

Theo thống kê, thị phần bán ra của các điểm bán doanh nghiệp FDI là khoảng 30 -35% thị phần trong giai đoạn hiện nay; 2/3 còn lại là thị phần của các doanh nghiệp siêu thị nội địa. Sự thâm nhập mạnh mẽ và nhanh chóng bằng nhiều con đường của các nhà bán lẻ nước ngoài là xu hướng tất yếu của quá trình Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Đây thực sự là một áp lực cực lớn đối với các doanh nghiệp nội địa hoạt động trong lĩnh vực này. 

Trước tình hình đó, cách làm được cho là bài bản của một số doanh nghiệp, thương hiệu nội địa như Hapro, Intimex, Coopmart, Fivimart, Citimart... và gần đây là Vinmart sẽ hình mẫu để các doanh nghiệp Việt học hỏi để tồn tại trước sự xâm nhập ngày một mạnh của các ông chủ nước ngoài. 

Đọc thêm