Lồng ghép bình đẳng giới trong điều tra PCI

(PLVN) - Mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam có xu hướng gia tăng, song trên thực tế những doanh nghiệp này đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo đề xuất của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, cần phải lồng ghép bình đẳng giới trong điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Rào cản lớn nhất đối với DN do phụ nữ làm chủ là định kiến xã hội
Rào cản lớn nhất đối với DN do phụ nữ làm chủ là định kiến xã hội

1 năm phải tăng thêm 6% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ

Trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform),  Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây đã công bố báo cáo “Kinh doanh tại Việt Nam - Đánh giá của các doanh nghiệp (DN) do phụ nữ làm chủ”. Báo cáo cho biết có 98,8% DN trên là nhỏ và vừa, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ chiếm 61,4% và thường gặp khó khăn gắn liền với yếu tố về giới. 

Đáng chú ý, tỷ lệ DN do phụ nữ làm chủ có xu hướng gia tăng, từ mức khoảng 21% (năm 2011) lên mức khoảng 24% (năm 2018). Số liệu này cũng tương đồng với dữ liệu DN chính thức cấp quốc gia từ Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT. Theo cơ quan này, tính đến hết tháng 9/2019, toàn quốc có 285.689 DN do nữ giới làm chủ, chiếm 24% tổng số DN cả nước.

Trong khi đó, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt ra mục tiêu “Tỷ lệ nữ làm chủ DN đạt 30% vào năm 2015 và từ 35% trở lên vào năm 2020”; “Như vậy, chúng ta chỉ còn 1 năm nữa và đạt được mục tiêu này là thách thức rất lớn!”- Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh và lưu ý, tỷ lệ nữ làm chủ DN là một trong các tiêu chí đánh giá thành tựu bình đẳng giới của một quốc gia.

Theo tính toán, để đạt được mục tiêu trên, trong năm 2020, cả nước phải tăng thêm 6% số DN do nữ làm chủ, trong khi thực tế trong 7 năm (2011- 2018) tỷ lệ này mới tăng thêm được 3%...

Định kiến - Rào cản lớn nhất

Nhiều báo cáo nghiên cứu trước đây cho thấy DN do phụ nữ làm chủ có các điểm mạnh về sự bền bỉ khi đối mặt với khó khăn, quan tâm hơn đến các chính sách cho người lao động, đóng góp cho xã hội do đặc thù tính giới của phụ nữ lãnh đạo. Và mặc dù việc tăng cường trao quyền cho phụ nữ trong nền kinh tế đang được đẩy mạnh, nhưng các DN nhỏ và vừa do nữ làm lãnh đạo còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. 

Trong điều tra PCI, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó trở ngại lớn nhất là tìm kiếm khách hàng (63% DN trả lời gặp khó khăn này), sau đó là biến động thị trường (34%) và tìm kiếm nguồn vốn (30%). 

Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn, bên cạnh những khó khăn chung thì định kiến về khả năng kinh doanh của phụ nữ là một rào cản lớn đối với họ: “Mặc dù Việt Nam có những quy định tiến bộ về bình đẳng giới và Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đã đặt ra nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ DN do phụ nữ làm chủ, tuy nhiên các quy định này còn chung chung nên kết quả đạt được chưa như mong muốn…”- ông Tuấn phát biểu.

Do đó, Trưởng ban Pháp chế VCCI đề nghị Chính phủ xem xét đánh giá hiệu quả thực thi của Nghị định 39/2018/NĐ-CP, trong đó nên có một chỉ tiêu đánh giá liên quan tới DN nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ xem xét đưa vấn đề tạo thuận lợi và thúc đẩy DN do nữ giới làm chủ phát triển vào trong Nghị quyết mới của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh đề xuất: “Muốn thúc đẩy bình đẳng giới thành công, nhất là trong lĩnh vực kinh tế thì quan trọng nhất với VCCI là lồng ghép bình đẳng giới trong chỉ số PCI. Bởi vì tất cả đều xuất phát từ địa phương và nếu mỗi địa phương có môi trường chính sách tốt để tạo cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp và phát triển DN thì mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, về tỷ lệ DN nữ sẽ đạt được…”.

Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam cũng cho biết, bà đã nhiều lần đề xuất với VCCI về vấn đề này và bày tỏ kỳ vọng, trong thời gian tới, với sự vào cuộc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và thực sự thiết thực hơn thì doanh nhân nữ sẽ vượt qua những rào cản để cống hiến đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội.

Theo Chỉ số nữ doanh nhân của Mastercard (MIWE) 2019 được công bố ngày 26 /11/2019, Việt Nam nằm trong tốp 20 thị trường là nơi các nữ doanh nhân có được điều kiện thuận lợi nhất để phát triển, là một trong 7 thị trường được đánh giá có mức độ bình đẳng giới cao trong các hoạt động khởi nghiệp, tuy nhiên mới chỉ đạt 63,4 điểm/100 và thực tế vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện.

Đọc thêm