Luật cởi trói hay dựng tường ?

(PLO) - Bàn về việc sửa đổi, bổ sung Luật Chuyển giao công nghệ tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng có những quy định trong Luật này không phù hợp, dẫn đến tình trạng nước ta có thể biến thành “bãi rác công nghệ”. Do vậy, cần “dựng một bức tường” pháp luật nhằm ngăn chặn công nghệ lạc hậu, nhập “rác” về Việt Nam.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Thực trạng thì chưa kịp sửa luật, đất nước chúng ta đã tràn ngập các loại “rác” rồi. Rất nhiều nhà máy nghìn tỷ dựng lên dang dở và biến thành đống thép hoen gỉ, có nhà máy được đưa vào vận hành thì trục trặc liên tục do công nghệ lạc hậu, có nhà máy xây dựng xong rồi để đấy, hoặc vì không thể vận hành, hoặc do không có nguyên liệu cung cấp, hoặc nhìn thấy rõ là đi vào sản xuất chỉ có lỗ, đành để đó mà thôi.

Thế mà, người ta vẫn tiếp tục nhập thứ rác rưởi đó, chỉ cần vượt qua tý rào cản của công luận thôi. Không cứ dây chuyền máy móc, công nghệ sản xuất mà cả phương tiện, thiết bị cũng đều là “rác”, thấy nhãn tiền như tàu Hoa Sen, ụ nổi sửa chữa tàu,... và mới đây cả toa xe cũ cũng sẽ được nhập về nếu không có sự ngăn chặn kịp thời. Công nghệ lạc hậu không những thua lỗ trầm trọng mà còn phải trả giá đắt về môi trường, kiểu như công nghệ lò đứng sản xuất xi-măng, bài học nhãn tiền còn sừng sững ra đó.

Tại sao người ta biết là “rác” mà vẫn thi nhau bỏ ngoại tệ nhập về? Câu hỏi được trả lời ngay tại nghị trường là do mua 1 đồng nhưng về tính thành 3 đồng, “lợi nhuận” như thế thì “treo cổ vẫn làm” (ý Các Mác trong Tư bản luận). Nhận rõ điều này, các nhà lập pháp cho rằng phải làm rõ việc luật chưa bao quát hết, còn “lỗ hổng” hay do quản lý điều hành?

Hẳn nhiên, do buông lỏng quản lý thì người ta mới triệt để sử dụng những “lỗ hổng” pháp luật để nhập “rác” vào đất nước tươi đẹp này. Trước nay, chỉ đề cập pháp luật cần thông thoáng, cởi trói cho doanh nghiệp, tạo hành lang pháp lý an toàn,... thì giờ cần đến những bức tường pháp lý ngăn chặn cả “rác rưởi” công nghệ lẫn ý đồ tham nhũng nữa, cũng như pháp luật rõ ràng đến đâu thì cũng phải quản lý, giám sát thật chặt chẽ thì mới khả thi.

Mặt khác, cũng phải truy nguyên trách nhiệm những người đã nhập “rác” vào nước ta. Đã có đại biểu Quốc hội đề nghị phải tìm ra “địa chỉ” của các nhà máy nghìn tỷ “đắp chiếu” cùng những người gây ra tình trạng đó. Thế nhưng, lời đề nghị này chẳng được đáp ứng nồng nhiệt, trừ lòng dân. Nhập công nghệ cũ, lạc hậu gây lãng phí lớn, ô nhiễm nặng, kéo lùi sự phát triển của đất nước, mang dấu hiệu rõ ràng của các tội danh hình sự. Nếu không rốt ráo xử lý, đưa vài vị thủ phạm đầu trò gây ra tình trạng này ra Tòa thì việc nhập “rác” còn tiếp diễn cho dù sửa luật!

Đọc thêm