Luật Đầu tư công với việc nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công

(PLO) - Kể từ ngày 01/01/2015, Luật Đầu tư công sẽ chính thức có hiệu lực. Sự ra đời của Luật Đầu tư công được kỳ vọng sẽ tạo bước tiến lớn trong quản lý; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước; góp phần và tạo điều kiện pháp lý để đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản; tạo điều kiện thuận lợi và bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân trong việc tiếp cận và thực hiện các dự án công. 
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Bùi Hà – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch & Đầu tư xung quanh Luật mới này.
Thưa Vụ trưởng, Luật Đầu tư công là một luật mới ở nước ta, sự ra đời của Luật Đầu tư công có ý nghĩa và tác động như thế nào đối với với việc nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, thưa Ông?               
- Luật Đầu tư công được ban hành là thực sự cần thiết nhằm tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước để hướng tới thực hiện mục tiêu đột phá xây dựng hạ tầng đồng bộ trong thời gian tới. 
Luật sẽ tạo ra hệ thống pháp lý đồng bộ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công làm cơ sở để thực hiện, đưa hoạt động đầu tư công vào nề nếp.
Các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán sẽ có điều kiện để giám sát, kiểm tra việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công có bảo đảm đúng các quy định pháp luật hay không. Nhờ đó, việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công sẽ có hiệu quả hơn.
Luật Đầu tư công được ban hành với nhiều nội dung đổi mới, chưa được quy định ở các văn bản pháp luật hiện hành. Vậy, đó là những nội dung gì, thưa Ông?
- Có thể nói nội dung Luật Đầu tư công lần này có nhiều nội dung rất đổi mới. Các nội dung này đều chưa được quy định ở các văn bản pháp luật hiện hành. Cụ thể như:
Thứ nhất, đã thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư tại chương II, là nội dung đổi mới quan trọng nhất của Luật Đầu tư công; đó là điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án; nhằm ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí và đơn giản trong việc quyết định chủ trương đầu tư, nâng cáo trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư;
Thứ hai, tăng cường và đổi mới công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn, coi đó là một trong những nội dung quan trọng nhất của công tác thẩm định chương trình, dự án đầu tư công ;
Thứ ba, bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ và xuyên suốt trong toàn bộ quá trình quản lý chương trình, dự án Đầu tư công; từ khâu đầu tiên là xác định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện dự án, đến khâu cuối là đánh giá hiệu quả, quản lý chương trình, dự án sau đầu tư;
Thứ tư, đổi mới mạnh mẽ công tác lập kế hoạch đầu tư; chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; 
Thứ năm, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công;
Thứ sáu, đổi mới hoàn thiện quy chế phân cấp quản lý đầu tư công phân định quyền hạn đi đôi với trách nhiệm của từng cấp.      
Thưa Vụ trưởng, có ý kiến cho rằng, Luật Đầu tư công ra đời trong bối cảnh đang xây dựng Dự án Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp sẽ dẫn đến sự trùng lặp giữa hai Luật này. Quan điểm của Vụ trưởng như thế nào về vấn đề này?
- Luật Đầu tư công quy định việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quản lý Nhà nước về đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.  Như vậy, với quy định của Luật Đầu tư công, mọi đối tượng sử dụng vốn đầu tư công, kể cả doanh nghiệp đều được điều chỉnh trong Luật này; nhưng chỉ điều chỉnh các nội dung có liên quan làm cơ sở pháp lý về xác định chủ trương đầu tư, xây dựng kế hoạch vốn để bố trí vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật. 
Ví dụ: Vốn đầu tư doanh nghiệp công ích quốc phòng, các dự án đường sắt của Đường sắt Việt Nam, các dự án điện ở các vùng dân tộc được Tập đoàn Điện lực triển khai thực hiện,... được Quốc hội thông qua trong dự toán Ngân sách Nhà nước hàng năm.
Riêng về các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước, sau khâu Nhà nước bố trí vốn, các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Như vậy, doanh nghiệp Nhà nước, về lĩnh vực đầu tư công, chịu sự điều chỉnh trực tiếp của 2 luật: Luật Đầu tư công và Luật Quản lý sử dụng vốn đầu tư Nhà nước vào sản xuất kinh doanh nhưng không phải trùng lặp mà là có sự kết hợp tạo ra khuôn khổ pháp lý đồng bộ trong quản lý vốn đầu tư công vào doanh nghiệp Nhà nước.
Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp theo Quyết định số 585/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 585) do Bộ Tư pháp chủ trì, Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. 

Đọc thêm