Lực lượng Hải quan tập trung cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại

(PLO) - Theo nhận định của Tổng cục Hải quan, trong năm 2018, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM), vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có nhiều diễn biến phức tạp. Các đối tượng vi phạm hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh. Đặc biệt trong những tháng cuối năm, công tác chống buôn lậu, GLTM càng trở nên nóng bỏng. 
Ngành Hải quan rất tích cực trong việc thắt chặt với các lực lượng trong công tác chống buôn lậu
Ngành Hải quan rất tích cực trong việc thắt chặt với các lực lượng trong công tác chống buôn lậu

Đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm buôn lậu

Tính đến tháng 10 năm 2018, lực lượng kiểm soát Hải quan toàn ngành đã đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý: 14.109 vụ vi phạm pháp luật Hải quan (tăng 12,49% so với cùng kỳ năm 2017). Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính: 1.172 tỷ, 944 triệu đồng (tăng 118,76%% so với cùng kỳ năm 2017). Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 287 tỷ 37 triệu đồng (giảm 1,58/% so với cùng kỳ năm 2017). Cơ quan Hải quan đã khởi tố 60 vụ. Chuyển cơ quan khác khởi tố 81 vụ.

Trước diễn biến của tình hình buôn lậu, GLTM và với quyết tâm “tích cực, chủ động trong phòng chống buôn lậu, GLTM và hàng giả”, ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo lực lượng kiểm soát Hải quan, nòng cốt là Cục Điều tra chống buôn lậu (ĐTCBL), bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 138/CP, Bộ Tài chính tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao từ công tác tham mưu đến công tác đấu tranh trực tiếp, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Cùng với việc tham mưu hoàn thiện cơ bản, đồng bộ hệ thống cơ sở pháp lý liên quan đến công tác quản lý nhà nước về Hải quan nhằm đảm bảo cho lực lượng kiểm soát Hải quan thực thi hoạt động nghiệp vụ ngày càng hiệu quả, năm 2018, ngành Hải quan đã chủ động, tích cực phối hợp với lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường, Cảnh sát Biển... trong công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Tính đến thời điểm hiện tại, ngành Hải quan đã ký Quy chế phối hợp với các lực lượng như: Biên phòng, Cảnh sát Biển, Tổng cục Cảnh sát, Cục Quản lý thị trường, Tổng cục Lâm nghiệp, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3) - Viện kiểm sát nhân dân Tối cao. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung được Đảng, Nhà nước giao cho mỗi lực lượng.

Còn nhiều khó khăn cần tiếp tục gỡ vướng

Những thành tích đạt được trong công tác phòng, chống buôn lậu của ngành Hải quan là rất lớn. Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan cũng cho biết, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ về chống buôn lậu, GLTM, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, ngành Hải quan đã vấp phải không ít khó khăn. 

Thứ nhất, thẩm quyền điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với hình thức “phạt tiền” và “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” của cơ quan Hải quan còn bị hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác điều tra, xử lý của ngành Hải quan. 

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 33 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 quy định: “Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, khám người, khám nơi cất giữ hàng hóa trong khu vực kiểm soát của Hải quan, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án”. Như vậy, thời hạn điều tra theo quy định đối với lực lượng Hải quan là quá ngắn vì có những vụ việc khi cơ quan Hải quan yêu cầu giám định thì chất lượng và thời hạn chưa được đảm bảo và kịp thời cho công tác điều tra và xử lý vụ án.

Một số khăn nữa mà ngành Hải quan cũng đang phải đối mặt đó là việc thủ tục thành lập DN hiện nay rất thông thoáng nên một số đối tượng lợi dụng đề thành lập các công ty “ma” hoặc mua lại các công ty đã thành lập trước đây để làm thủ tục nhập khẩu lô hàng. Do vậy, việc điều tra, xác minh mất rất nhiều thời gian và gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết những khó khăn này, Tổng cục Hải quan cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục bám sát, thực hiện quyết liệt các chỉ đạo, chỉ thị, nghị quyết,... của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Tài chính về tăng cường công tác chống buôn lậu, GLTM, hàng giả, hàng kém chất lượng, công tác phòng chống tội phạm. Bên cạnh đó, sẽ triển  khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ và tiếp tục hiện đại hóa trang thiết bị cho lực lượng chống buôn lậu cũng như lực lượng kiểm soát, giám sát Hải quan để kịp thời xây dựng kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các hoạt động buôn lậu, GLTM, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. 

Đọc thêm