Lực lượng QLTT ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ

(PLVN) - Việc xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT - Bộ Công Thương) sẽ được số hóa toàn bộ trong năm 2020. Điều này sẽ khiến mọi hoạt động của QLTT được rõ ràng, công khai, minh bạch.  

Mới đây, Tổng cục QLTT đã tổ chức chương trình Tập huấn Hệ thống xử phạt vi phạm hành chính cho công chức thực thi nhiệm vụ QLTT trên toàn quốc. Đại diện Tổng cục cho biết, việc áp dụng “Hệ thống xử lý vi phạm hành chính” được coi là nét đột phá trong công tác nghiệp vụ QLTT trong năm 2020, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng lực lượng hướng tới chính quy, chuyên nghiệp và hiện đại. Đồng thời, khẳng định mục tiêu năm 2020, sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động nghiệp vụ QLTT.

Tổng cục QLTT cho biết, đến nay, hệ thống văn bản điện tử đã được triển khai đến toàn lực lượng
Tổng cục QLTT cho biết, đến nay, hệ thống văn bản điện tử đã được triển khai đến toàn lực lượng 

Sau hơn 1 năm hoạt động theo mô hình mới, Tổng cục QLTT đã khắc phục những khó khăn còn tồn tại, toàn lực lượng đã và đang chuyển mình mạnh mẽ bằng việc áp dụng những điểm mới vào hoạt động chung.

Trong đó, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, điều hành, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính là một trong những ưu tiên hàng đầu được Tổng cục QLTT chú trọng và triển khai. Được biết, việc xây dựng, vận hành và phát triển hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp, báo cáo kết quả thanh tra kiểm tra là một trong các nhiệm vụ chính về nghiệp vụ của Tổng cục QLTT được quy định tại Quyết định (QĐ) 34/2018/QĐ-TTg.

Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh khẳng định: “Sau vài tháng chạy đà, thử nghiệm, năm 2020 sẽ là năm ứng dụng CNTT toàn diện và triệt để trong hoạt động nghiệp vụ của lực lượng QLTT”. Hệ thống xử lý vi phạm hành chính là phần mềm đầu tiên được áp dụng nhằm phục vụ hiệu quả công tác này.

Ông Linh cũng cho biết, áp dụng Hệ thống xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động nghiệp vụ sẽ giúp quản lý kế hoạch kiểm tra; quản lý tiếp nhận, xử lý thông tin; quản lý hồ sơ vụ việc; tra cứu, thống kê báo cáo; quản trị hệ thống. Đây là hệ thống hoàn toàn mới đối với công chức thực thi, giúp xóa bỏ hoàn toàn những hạn chế so với cách xử lý thông thường trong việc quản lý, lưu trữ, thu thập thông tin, hoặc đánh giá, báo cáo mỗi khi công chức QLTT muốn tìm lại hồ sơ vụ việc cũng như trình phê duyệt.

Việc áp dụng hệ thống xử phạt vi phạm hành chính được đánh giá là một bước đột phá trong việc ứng dụng CNTT vào hoạt động nghiệp vụ của lực lượng QLTT, tạo sự đồng bộ, giúp thống nhất liên thông quản lý, điều hành, xử lý, lưu trữ hồ sơ trong toàn lực lượng, phục vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt, hệ thống này giúp rút ngắn thời gian tổng hợp, đánh giá, nhận định tình hình mang lại hiệu quả trong việc thực thi nhiệm vụ.

Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cũng chia sẻ, trong thời gian vừa qua, ngoài việc kiện toàn nhân sự, Tổng cục rất chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và việc ứng dụng hiệu quả CNTT vào các hoạt động của Tổng cục. Cụ thể, năm 2019, Tổng cục QLTT đã tập trung triển khai đồng bộ hệ thống email và hệ thống quản lý công văn, chỉ đạo điều hành qua mạng điện tử (mail.dms.gov.vn và dms.gov.vn).

Tổng cục cũng xây dựng Cổng thông tin điện tử mới, đồng thời kết nối 63 Cổng thông tin điện tử của các Cục QLTT địa phương để phục vụ công tác điều hành nội bộ và truyền thông hoạt động công vụ, trở thành một kênh thông tin hữu hiệu trong các hoạt động tuyên truyền về công tác của lực lượng. 

Tính đến nay, Tổng cục đã xây dựng hạ tầng để hơn 6.400 cán bộ QLTT hoạt động, trao đổi thông tin nhanh qua email, website, toàn bộ hệ thống văn bản điện tử đã được triển khai trên toàn lực lượng. Hiện toàn lực lượng không dùng giấy tờ trong tất cả các hoạt động trao đổi, chỉ đạo, điều hành.

Tổng cục cũng đang xây dựng hệ thống đưa CNTT vào hoạt động nghiệp vụ, không chỉ dừng lại ở mức độ để sử dụng trong nội bộ. Xác định CNTT là nền tảng tạo ra cho hoạt động QLTT một cách chuyên nghiệp, chính quy, hiện đại. 

Đọc thêm