M&A năm 2018: Doanh nghiệp ngoại vẫn… độc diễn?

(PLO) - Thị trường mua bán sáp nhập năm 2017 của Việt Nam chính thức đóng lại thành công bằng vụ M&A lịch sử giữa Cty TNHH Vietnam Beverge với Sabeco với trị giá khoảng 4,8 tỷ USD. Trước đấy là vụ công khai công bố sáp nhập giữa Thế giới di động và Trần Anh; giữa Thế giới di động và Cty dược phẩm Phúc An Khang.  Như vậy, tổng giá trị M&A của Việt Nam trong năm 2017 đã lên hơn 6 tỷ USD, một con số đáng ngạc nhiên so với dự báo trước đó.
Một nhà đầu tư ngoại đang tiến vào thị trường M&A Việt Nam
Một nhà đầu tư ngoại đang tiến vào thị trường M&A Việt Nam

Đạt kế hoạch vào… phút chót

Thống kê của Viện Mua bán - sáp nhập Thụy Sỹ (IMAA) cho thấy, tổng giá trị M&A năm 2016 của Việt Nam đạt mốc kỷ lục 5,8 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 11,92% so với năm 2015. Tuy nhiên, theo đại diện IMAA, tăng trưởng của thị trường M&A tại Việt Nam là đáng ghi nhận nhưng quy mô thị trường chỉ ở mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á. 

Bởi, theo IMAA, tổng giá trị M&A năm 2016 của thị trường Singapore đạt 62,3 tỷ USD trong khi đó, Indonesia, Thái Lan và Malaysia lại chỉ quanh quẩn ở mức 11-16 tỷ USD của các nước. So với thị trường Phillippines, tổng giá trị của Việt Nam vẫn thua khá xa (năm 2016, giá trị M&A của Philippines vào khoảng 6,8 tỷ USD).

Nửa năm đầu của năm 2017, tổng giá trị M&A của Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng hơn 1 tỷ USD. Các dự báo đều cho rằng, có thể giá trị M&A năm 2017 của Việt Nam sẽ không đạt được mức tăng trưởng như năm 2016 bởi, thị trường Việt Nam vẫn chủ yếu là các giao dịch nhỏ với quy mô 3-4 triệu USD, các giao dịch quy mô nhỏ chiếm tới 64,16% về giá trị và chiếm tới trên 90% về số lượng thương vụ.

Ông Đặng Xuân Minh, Giám đốc điều hành Diễn đàn M&A Việt Nam cho biết, lĩnh vực triển vọng nhất trong mọi thương vụ M&A chính là thị trường bán lẻ. Nhiều NĐT đã đến Việt Nam và mua lại các công ty của Việt Nam để phát triển thị phần nhắm vào thị trường 95 triệu dân. 

Có thể kể đến các thương vụ điển hình như NĐT Thái Lan mua lại chuỗi siêu thị Metro, BigC, Nguyễn Kim… Siêu thị Lan Chi, một siêu thị chuyên dành cho thị trường nông thôn cũng đã được Central Group nhắm đến và chiếm gần một nửa cổ phần. Do vậy, lĩnh vực thị trường bán lẻ đã gần như không còn “chiếc bánh” nào hấp dẫn. 

Sau thị trường bán lẻ, lĩnh vực bất động sản cũng là một “điểm đến” của các NĐT. Ông Minh cho biết, hiện nay, nhiều NĐT Việt đang có xu hướng thực hiện M&A các dự án đầu tư của mình tại các vùng đang nổi như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… Hàn Quốc cũng có một số thương vụ lớn tại Việt Nam trong thời gian qua như thương vụ chuyển nhượng tòa nhà Keangnam và khách sạn Hà Nội-Deawoo. 

Việt Nam còn một “con mồi” béo bở, thu hút sự quan tâm của các DN nước ngoài, chính là cơ hội trong cổ phần hóa các DN nhà nước và thoái vốn. Và “con mồi” béo bở nhất của năm 2017 đã xuất hiện. Sabeco thực hiện thoái vốn, thu về cho nhà nước 4,8 tỷ USD, đưa tổng giá trị M&A của năm 2017 lên con số hơn 6 tỷ USD. 

Điều này thực sự khiến nhiều chuyên gia trong lĩnh vực M&A ngạc nhiên, vì vào khoảng giữa năm, đã có những lo ngại cho rằng, nếu không có một cú hích, M&A năm 2017 khó vượt qua được tổng giá trị 5,8 USD của năm 2016. 

Năm 2018: Vẫn là cuộc chơi của các DN ngoại?

Theo các thống kê về các vụ M&A của Việt Nam những năm vừa qua, ngoài thương vụ M&A đình đám, những thương vụ M&A có quy mô từ 20 triệu đến trên 100 triệu USD cũng vẫn do các NĐT nước ngoài cầm chịch cuộc chơi. Trong số đó, các NĐT từ Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore vẫn là những NĐT tạo động lực và thúc đẩy thị trường M&A Việt Nam phát triển. 

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Tổng giám đốc Cty AVM Việt Nam thừa nhận, các DN nước ngoài đang dẫn dắt cuộc chơi M&A. Bởi hiện nay, các DN nước ngoài đang chiếm tới 77% các thương vụ mua bán và sáp nhập lớn do họ có lợi thế về vốn và đã đi trước Việt Nam từ rất lâu. 

Thương vụ sáp nhập Sabeco là một điển hình khi giờ chót, danh sách đăng ký mua cổ phần Sabeco chỉ có 2 cái tên, bao gồm một công ty tư nhân trong nước và một NĐT cá nhân trong nước. Nói rằng, DN nước ngoài dẫn dắt cuộc chơi là hoàn toàn chính xác, dù công bố chính thức cho thấy ông chủ mới của Sabeco là một DN thuần Việt. Bởi thực chất, đứng sau DN thuần Việt này là một NĐT sừng sỏ của Thái Lan với 49% cổ phần. 

Thông tin được bà Trần Kim Oanh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư phát triển công thương đưa ra cũng cho thấy, tính đến tháng 10/2017, các NĐT nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 59,3% tổng vốn đầu tư... 

Và chắc chắn các NĐT ngoại sẽ tiếp tục dẫn dắt cuộc chơi M&A ở Việt Nam trong năm 2018, một năm hứa hẹn M&A sôi động ngay từ đầu năm với rất nhiều cuộc thoái vốn của các DN nhà nước. 

Cụ thể, PV Oil dự kiến dành 49% cổ phần cho các NĐT chiến lược, trong số các NĐT chiến lược đăng ký mua cổ phần có đến ¾ NĐT là DN nước ngoài. Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng đã có những tiết lộ đầu tiên về các NĐT chiến lược cho 49% cổ phần dự kiến bán vào khoảng tháng 4/2018. Theo đó, đã xuất hiện những NĐT nước ngoài đặt mua trọn 49% cổ phần này như World Petro (Mỹ) và MacronPetro Petroleum từ châu Phi. 

Cty Điện lực dầu khí cũng đã được Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa và dự kiến sẽ tiến hành IPO vào khoảng cuối tháng 01/2018 cũng đã hé lộ NĐT nước ngoài đã bày tỏ sự quan tâm và mong muốn được đồng hành cùng Điện lực dầu khí khi tiến hành cổ phần hóa. Theo đó, Ngân hàng BNP Paribas (được đánh giá là một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới) cũng đã có những bước xúc tiến đầu tiên khi biết thông tin Điện lực dầu khí sẽ bán khoảng 28% cổ phần cho các NĐT chiến lược. 

Đọc thêm