Ma trận sở hữu chéo thách thức tái cơ cấu ngân hàng

(PLO) - Có nhiều ý kiến phản ánh vấn đề sở hữu chéo và sở hữu có tính lũng đoạn trong hoạt động ngân hàng (NH) ngày càng nóng hơn, nhất là khi tiến hành tái cơ cấu (TCC) hệ thống NH.
Đại hội đồng cổ đông NHTM CP Sài Gòn sau 2 năm hợp nhất
Đại hội đồng cổ đông NHTM CP Sài Gòn sau 2 năm hợp nhất
Nghiêm trọng…
Theo PGS.TS Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả, Bộ Tài chính), Nghị định 141/2006/NĐ-CP- ngày 22/11/2006 yêu cầu tất cả các ngân hàng thương mại (NHTM) phải có vốn điều lệ tối thiểu là 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2010. Chính áp lực tăng vốn điều lệ đã buộc các NH phải liên kết với nhau thông qua nắm giữ cổ phần của nhau. 
Bên cạnh đó, việc NH Nhà nước (NHNN) thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng trong một  thời gian dài từ năm 2006 đến năm 2010 đã thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bùng nổ một cách mạnh mẽ. Để có đủ vốn cung cấp cho nền kinh tế với quy mô lớn và thường xuyên, các tổ chức tín dụng (TCTD) buộc phải liên kết sở hữu với nhau. PSG.TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, việc sáp nhập các TCTD với nhau theo Đề án TCC hệ thống các TCTD giai đoạn 2011- 2015 của Thủ tướng Chính phủ đã bị một số nhóm NH hoặc cá nhân “lách” để trở thành chủ sở hữu của nhiều NH khác.
Trên thực tế, Luật các TCTD 2010 đã có những quy định rõ ràng về vấn đề sở hữu cổ phần của các cá nhân và các TCTD. Tuy nhiên, để lách luật, các TCTD đã hoặc thông qua trung gian mua cổ phần của các TCTD đã mua cổ phần của mình, hoặc cá nhân thì tìm cách núp bóng người khác để sở hữu cổ phần NH vượt quá con số quy định là 5% vốn điều lệ của TCTD như quy định. 
“Hiện trạng mạng lưới sở hữu chéo (SHC) ở Việt Nam vẫn đang hết sức phức tạp, tạo thành một ma trận chằng chịt đến mức báo động, dù các quy định khống chế tình trạng này không thiếu, mà rất ít thông tin được công khai. Có nhiều ý kiến phản ánh vấn đề SHC và sở hữu có tính lũng đoạn trong hoạt động NH ngày càng nóng hơn, nhất là khi tiến hành TCC hệ thống NH…”- Chuyên gia kinh tế này lo ngại.
Cùng chung nỗi lo này, GS Trần Thọ Đạt và các cộng sự Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, SHC đã có xu hướng diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo GS Đạt, trong số 45 giải pháp thực hiện TCC trong Đề án 254, có đến 24 giải pháp liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến xử lý SHC trong hệ thống các TCTD. 
Một trong những giải pháp cơ bản và hiệu quả nhất được NHNN kỳ vọng để xử lý triệt để SHC là yêu cầu các TCTD trong liên minh tiến hành sáp nhập hoặc hợp nhất. Tuy nhiên, theo GS Đạt, giai đoạn 2011- 2013 mới chỉ có 2 trường hợp sáp nhập và hợp nhất do quan hệ SHC. Đó là NHTM CP Sài Gòn được hợp nhất từ NHTM CP Sài Gòn, NHTM CP Đệ Nhất, NHTM CP Việt Nam Tín Nghĩa; trường hợp thứ hai là giữa Sacombank và Eximbank… Giải pháp được kỳ vọng thứ hai để xử lý SHC được đề cập trong Đề án 254 là yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thoái vốn ở các TCTD với mục tiêu hoàn thành trước 31/12/2015. 
Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy cả 4 cách thức thoái vốn nhà nước tại các NHTM (theo Nghị định 15/NĐ-CP) đều đang gặp nhiều khó khăn khiến cho thời hạn hoàn thành thoái vốn nhà nước tại các TCTD trước ngày 31/12/2015 có thể không đạt được.
... nhưng chưa được bàn tới
“Việc giải quyết SHC trong các TCTD chậm trễ là một trong những cản trở lớn nhất đến quá trình TCC hệ thống NH của Việt Nam hiện nay…”- GS Đạt quả quyết. Tuy nhiên, cũng như nhiều chuyên gia, điều GS Đạt lo lắng hơn cả chính là giải pháp dựa vào thị trường để TCC các NH yếu kém làm tăng tính nghiêm trọng và phức tạp của tình trạng SHC. 
“Theo nguyên tắc “tuyệt đối không dùng tiền của Nhà nước để tái cấu trúc mà cần tiền thực của khu vực tư nhân”, nhưng nếu tiền thực của khu vưc tư nhân không có mà vẫn phải thực hiện mua bán, hợp nhất hay sáp nhập trên hình thức thì tiền ảo của khu vực tư nhân phải được sử dụng. Điều đó có nghĩa là TCC các NH yếu kém sẽ làm gia tăng tính nghiêm trọng và phức tạp của tình trạng SHC hiện nay, hay nói cách khác, chúng ta đối mặt với thực tế đang dùng SHC để tái cấu trúc NH…” - GS Đạt phân tích.
Một dẫn chứng khác, Nghị định 01/2014/NĐ-CP về sở hữu nước ngoài tại các TCTD Việt Nam cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính được sở hữu vượt quá 30% vốn điều lệ của một NHTM theo quyết định của Thủ tướng nhằm “bơm” một lượng tiền thực vào NH gặp khó khăn, qua đó giải quyết thanh khoản. Tuy nhiên, nếu nguồn tài chính không được minh bạch thì nguy cơ chính tình trạng SHC hiện nay lại là cơ sở để các nhóm liên kết tăng cường SHC dựa vào các đề án tái cấu trúc được thiết kế lỏng lẻo. 
“Tóm lại, việc cho phép nhà đầu tư mới tham gia nhưng lại không dựa trên nguyên tắc giảm sở hữu chi phối hay giảm SHC thì sẽ không thể xử lý được một cách bền vững những nút thắt trên…”- GS Đạt phân tích.
Bàn rất nhiều đến TCC hệ thống NH, xử lý nợ xấu tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, song những nội dung liên quan đến SHC đã không hề được người đứng đầu NHNN đề cập tới.

Đọc thêm