Mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Khó như đi... lên trời!

(PLO) - Ngày 12/6/2017, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Theo Luật trên, để tạo điều kiện cho phát triển, những doanh nghiệp (DN) này sẽ được hỗ trợ tín dụng, thuế, kỹ thuật, thị trường, pháp lý, nhân lực, mặt bằng sản xuất...
Các địa phương nên có quỹ đất để xây dựng khu công nghiệp cho DNNVV
Các địa phương nên có quỹ đất để xây dựng khu công nghiệp cho DNNVV

Nhưng thực tế, DNNVV đang rất khó khăn trong việc tiếp cận quỹ đất để tập trung sản xuất. Nhiều DN đang phải tận dụng diện tích đất eo hẹp của gia đình, thậm chí, nhiều trường hợp phải ra... lề đường mới có đất để sản xuất. 

Cần một tiểu ban giải quyết các vướng mắc về quỹ đất sản xuất

Theo ông Đào Đức Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Công Nghiệp Đông Hưng (xã Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội), ở các địa phương nên lập một tiểu ban giải quyết các vướng mắc về quỹ đất sản xuất. Khi có đơn phản ánh của DN liên quan đến quỹ đất thì tiểu ban này cần đến tận nơi để khảo sát, xem xét thực tế nguyện vọng của DN đó. Nếu thấy nguyện vọng của DN đó cấp thiết thì tiểu ban đó đề xuất lên chính quyền địa phương giải quyết nguyện vọng của DN; nếu nguyện vọng của DN không sát với thực tế thì cần giải thích rõ và tư vấn những hướng đi phù hợp hơn cho DN đó.

“Phải có một tiểu ban như thế thì công việc mới tập trung; như hiện nay đơn từ kiến nghị của DN cứ đưa đến các cơ quan chức năng rồi vòng quanh từ đơn vị này đến đơn vị khác, cuối cùng DN không được giải đáp nguyện vọng. Như thế rất khó cho phát triển”, ông Thanh nêu thực trạng.

Theo ông Thanh, không phải DN nào cũng nắm chắc về Luật Đất đai và các quy định, chính sách liên quan. Ngoài ra, không phải DN nào hiện nay cũng sử dụng đúng mục đích quỹ đất được giao. Do đó, cần giám sát việc xin và sử dụng quỹ đất. Ông Thanh cho biết, hiện nay có những DN “cơ hội” ở các tiểu khu kinh tế, khu công nghiệp sử dụng không hết đất. Do đó, Nhà nước phải có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn. Nếu thấy đơn vị nào sử dụng không hết đất thì phải thu hồi lại, giao cho DN khác sử dụng. “Có DN khai sử dụng 70% quỹ đất nhưng thực tế họ chỉ sử dụng chưa đến 50%, số còn lại họ sử dụng vào mục đích khác trái quy định”, ông Thanh cho biết. 

“Người ăn không hết, kẻ lần không ra”

Ngoài ra, hiện nay một số DN có quỹ đất nông nghiệp, đất rừng nhưng việc xin giấy phép để đầu tư xây dựng nhà máy, xưởng sản xuất gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian và cả tiền bạc. “Có một thực trạng là bộ máy ở trên chỉ đạo rất đúng, nhưng bộ máy ở dưới lại rất nhiễu, cứ yêu cầu thế nọ, thế kia rồi kéo dài thời gian, không giải quyết thủ tục cho DN”, ông Thanh nêu vấn đề và mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước cấp cơ sở nên làm việc trên tinh thần phục vụ, kiến tạo DN như định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Ông Thanh cũng cho rằng, cần có những chính sách mở hơn nữa trong việc để DN đem tài sản đất đai đi thế chấp vay vốn. Theo ông Thanh, hiện nay DN thuê đất dài hạn từ 20 năm đến 50 năm mới được mang giấy sử dụng đất đi thế chấp vay vốn ngân hàng, còn nếu chỉ thuê đất ngắn hạn từng năm một thì không được quyền thế chấp.

Giám đốc Công ty CP Đầu tư tổng hợp Phi Long (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) - ông Quách Văn Dương còn kiến nghị, để hỗ nơi sản xuất cho các DNNVV, kinh phí thuê mặt bằng thời gian đầu nên có những chính sách giảm giá, tạo điều kiện để DN phát triển ổn định rồi mới tăng kinh phí cho thuê. Ông Dương cũng cho rằng, ở các địa phương, quỹ đất còn nhiều, tuy nhiên đa số hiện nay chủ yếu quy hoạch để phát triển đô thị, khu dân cư chứ chưa chú trọng phát triển các tiểu khu kinh tế, cụm công nghiệp

DNNVV có vai trò quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của nền kinh tế cả nước. Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam (Vinasme) cho biết,trong số các DN đăng ký kinh doanh, có đến khoảng 97% là DNNVV nhưng đóng góp 43,2% GDP,  31% giá trị xuất khẩu, 29% các khoản nộp ngân sách, tạo việc làm cho khoảng 62% tổng số lao động cả nước.

Đọc thêm