Mô hình Tổng cục Quản lý thị trường lên đến… nghị trường

(PLO) -Mô hình Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã bước sang tháng hoạt động thứ 2 nhưng những băn khoăn về hoạt động của mô hình này vẫn khiến nhiều giới chức e ngại. Một lần nữa, những băn khoăn này lại được đưa ra chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương (BCT) Trần Tuấn Anh. 
Còn nhiều băn khoăn về mô hình ngành dọc của Tổng cục QLTT.
Còn nhiều băn khoăn về mô hình ngành dọc của Tổng cục QLTT.

Địa phương còn trách nhiệm không?

Báo PLVN đã từng có nhiều bài viết đề cập đến mô hình mới của QLTT, trong đó trích dẫn ý kiến từ đại diện chính quyền địa phương về những e ngại xung quanh việc địa phương sẽ quản lý địa bàn như thế nào, trách nhiệm với hoạt động QLTT ra sao… Thậm chí, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng còn cho biết sẽ kiến nghị lên Chính phủ về mô hình hoạt động mới này của lực lượng QLTT. 

Mới đây, tại phiên chất vấn Bộ trưởng BCT trong Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) lại một lần nữa bàn đến những vần đề mà Báo PLVN đã đề cập. ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) thẳng thắn đặt vấn đề với Bộ trưởng BCT: “Chính quyền địa phương còn có trách nhiệm trong QLTT trên địa bàn nữa hay không và nếu có thì lực lượng chuyên trách nào sẽ giúp chính quyền thực hiện nhiệm vụ này? Bên cạnh đó, đặc thù công tác QLTT luôn gắn với địa bàn, với mô hình tổ chức mới có khó khăn hay ảnh hưởng gì đến hiệu quả công tác phối hợp xử lý hay không”?

Bộ trưởng BCT Trần Tuấn Anh cho rằng, hiện nay các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã phát triển ở mức độ tinh vi, phức tạp hơn. Gian lận thương mại giờ đây không chỉ ở một địa bàn cục bộ cấp xã, huyện, tỉnh nữa mà có phạm vi rộng hơn, liên tỉnh, liên vùng. 

Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet, mạng xã hội, thương mại điện tử, giờ đây Internet đang trở thành một kênh tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém phẩm chất mà các lực lượng chức năng rất khó phát hiện và xử lý. 

Cách tổ chức lực lượng QLTT theo mô hình cũ bị giới hạn và chia cắt theo địa phương đã không còn theo kịp nhu cầu quản lý. Do đó, việc tổ chức lực lượng QLTT theo mô hình tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, bao gồm các Cục ở địa phương trực thuộc Tổng cục QLTT (BCT) sẽ đáp ứng đòi hỏi trong bối cảnh mới, nhất là trong việc khắc phục được tình trạng cắt khúc theo địa giới hành chính trong chỉ đạo điều hành của lực lượng hiện nay. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng BCT khẳng định, công tác QLTT không tách rời với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trên địa bàn. Tại địa bàn, QLTT vẫn là lực lượng nòng cốt thực hiện phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm; hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và gian lận thương mại. 

Hiện nay, BCT đang lấy ý kiến và tới đây sẽ ký kết Quy chế phối hợp giữa Bộ với 63 UBND tỉnh/thành phố trong công tác đấu tranh chống gian lận thương mại để đảm bảo hiệu quả công tác phối hợp.

Sẽ kiểm tra hàng hoá đi đường bằng chứng từ điện tử?

 Cũng theo Bộ trưởng BCT, trong thời gian tới, dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Do vậy, để góp phần bảo đảm thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, BCT sẽ điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cũng như xây dựng mới hạ tầng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực QLTT cho phù hợp với mô hình tổ chức mới cũng như tình hình mới.

Đặc biệt, đẩy mạnh số hóa, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành và công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng QLTT. Trước mắt, sẽ triển khai ngay 02 hoạt động nghiệp vụ QLTT liên quan đến số hoá và khắc phục những bất cập lớn kéo dài trong nhiều năm về việc xử lý chứng từ, hoá đơn đi đường. 

Theo đó, BCT sẽ xây dựng và triển khai hệ thống chứng từ điện tử hàng hóa đi đường. Hệ thống này sẽ cho phép thương nhân lựa chọn phương thức chứng từ điện tử thay cho chứng từ giấy. Với chứng từ điện tử, QLTT sẽ kiểm tra trên mạng, giải quyết được bất cập về vấn đề chứng từ giấy theo hàng cho DN cũng như tránh được gian lận thương mại, không thể quay vòng được như chứng từ giấy.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, xử phạt hiện nay của lực lượng QLTT cũng sẽ được triển khai áp dụng công nghệ thông tin ngay. Hiện nay, trong một ngày, lực lượng QLTT xử phạt hàng nghìn vụ vi phạm trên toàn quốc. Tuy nhiên, công tác báo cáo, thống kê về tình hình xử phạt chỉ bằng thủ công dẫn đến việc xử phạt vẫn còn bị trùng lặp về thương nhân hoặc hành vi. 

Số hóa công tác báo cáo kiểm tra, xử phạt sẽ giúp Bộ theo dõi tức thời cũng như sẽ công khai các hành vi vi phạm, đặc biệt sẽ giúp cảnh báo các hành vi gian lận thương mại, hàng giả trên cả thị trường; giúp người dân, DN sớm nhận dạng hành vi vi phạm, sản phẩm bị làm giả kịp thời./.

Đọc thêm