“Mở một cửa chính nhưng đóng nhiều cửa phụ thì không biết đi đường nào”

(PLO) - “Mở một cửa chính nhưng đóng nhiều cửa phụ, cửa ngách thì không biết đi đường nào... Chỉ 5 tỷ đồng mỗi xã mà phải lên tận Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định nguồn vốn…”- Phó Thủ tướng Huệ nói. 
“Mở một cửa chính nhưng đóng nhiều cửa phụ thì không biết đi đường nào”

Sáng 1/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, xác định định hướng, giải pháp hoàn thành mục tiêu kế hoạch đặt ra trong năm 2017.

Tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm đạt 13,09%

Theo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm, về công tác giao kế hoạch vốn năm 2017, tổng số vốn từ ngân sách nhà nước trung ương hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia là 15.231 tỷ đồng. Báo cáo của các địa phương cho thấy, hầu hết các địa phương đã hoàn thành việc phân bổ, giao vốn kế hoạch năm 2017 và đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình. Tuy nhiên, kết quả giải ngân nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên phạm vi cả nước đạt thấp. Tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm đạt 13,09%. 

Nguyên nhân của tình trạng trên là do việc triển khai phân bổ và giao vốn kế hoạch chi tiết năm 2017 tại các địa phương còn chậm, một số địa phương chưa  thực hiện công tác giao kế hoạch cho các đơn vị, các cấp trực thuộc. Bên cạnh đó, việc áp dụng các quy định quản lý đầu tư công trong thực hiện các dự án đầu tư thuộc chương trình mục tiêu quốc gia cũng như việc xác định dự án đủ điều kiện để giao kế hoạch vốn trong năm 2017 còn nhiều lúng túng.

Điều đáng nói, một trong những “chìa khóa” nhằm tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia là Nghị định 161/2016/NĐ-CP. Tuy nhiên, mãi đến tháng 12/2016, Nghị định này mới được ban hành nên tiến độ thực hiện các dự án cũng bị ảnh hưởng. 

Thừa nhận kết quả giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, tháng 7/2017, theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước tăng khá nhanh, gấp 2,5 so với tháng 6 và so với cùng kỳ năm trước; nhưng cả 7 tháng mới được hơn 30%.

“Tiến độ giải ngân có tiến bộ nhưng chưa đạt được mục tiêu, nhất là việc phân bổ sử dụng các vốn liên quan đến đầu tư công”- Phó Thủ tướng nói và lưu ý: “Mở một cửa chính nhưng đóng nhiều cửa phụ, cửa ngách thì không biết đi đường nào. Mở là cho thủ tục rút gọn, nhưng đóng là phải có tổ đội lành nghề. Chỉ 5 tỷ đồng mỗi xã mà phải lên tận Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách trung ương đối với các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia”... 

Phải xóa được nghèo, nguồn lực có hạn

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, báo cáo tại cuộc họp cho biết, công tác giảm nghèo 6 tháng đầu năm 2017 đã đạt được những kết quả tích cực. Ngoài nguồn vốn ngân sách trung ương, một số địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ giảm nghèo, đảm bảo an sinh trên địa bàn từ nguồn vốn ngân sách địa phương. Dự kiến đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 6,9%, tức giảm 1,33% điểm so với cuối năm 2016.

Từ nay đến cuối năm, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá tác động thực hiện chính sách theo hướng thu gọn, đổi mới, tránh chồng chéo; giảm chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo; tăng cường đáp ứng nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách xã hội của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Cho rằng các chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt được các kết quả bước đầu nhưng Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ công tác chỉ đạo điều hành chưa phủ khắp toàn quốc. Bởi vậy, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 yêu cầu Bộ LĐ,TB&XH cần thành lập Hội đồng để đánh giá và xác định huyện nghèo theo Nghị quyết 30a.

“Cần phải rà soát, đánh giá kỹ lưỡng hơn, tránh chuyện theo Nghị quyết lúc đầu có 62 huyện nghèo rồi lại thêm 25 huyện được hưởng tiêu chuẩn hỗ trợ đầu tư như các huyện 30a. Sau bao năm làm giảm nghèo bền vững và thực hiện chương trình mục tiêu 30a thì lại đưa thêm vào nhiều huyện, như vậy không ổn. Có vào có ra, hộ nghèo cũng vậy, phải xóa được nghèo, nguồn lực có hạn ”- Phó Thủ tướng nêu rõ.

Đọc thêm