Mở rộng thị trường cho hàng Việt: Có thể tin tưởng 100% vào kênh 'tham tán thương mại'?

(PLO) - Tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho hàng Việt không chỉ là nhiệm vụ tối quan trọng của DN mà còn là trách nhiệm nặng nề của mỗi tham tán thương mại (TTTM). Hiện nay, rất nhiều DN chỉ trông chờ vào kênh TTTM để kết nối thị trường. Nhưng lời giới thiệu của các TTTM có thể tin cậy 100%?
Mở rộng thị trường cho hàng Việt đang trông mong khá nhiều vào hệ thống thương vụ tại nước ngoài
Mở rộng thị trường cho hàng Việt đang trông mong khá nhiều vào hệ thống thương vụ tại nước ngoài

Trông chờ vào tham tán thương mại...

Hiện nay, rất nhiều DN có nhu cầu xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài nhưng không biết bắt đầu từ đâu, làm ăn, giao dịch như thế nào cho hiệu quả và tránh các rủi ro có thể xảy ra. Ông Dương Việt Bắc, Giám đốc HTX Hoàng Tuấn (Sơn La) cho biết, hầu hết các đặc sản phẩm nông nghiệp ở Sơn La đều đã được xây dựng thương hiệu như quả nhãn có sản phẩm Long nhãn sông Mã, đã xuất được khoảng 500kg sang Mỹ, Úc. Hiện nay, quả chanh leo, xoài cũng đang từng bước tiến hành xây dựng thương hiệu… 

Ông Bắc khẳng định, ông đang rất quan tâm đến thị trường châu Âu, Úc nhưng các cơ sở và đơn vị sản xuất của hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng thị trường và đưa sản phẩm ra nước ngoài. Đặc biệt cần nhiều thông tin về quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của các thị trường khó tính vì hiện nay, HTX đã tổ chức sản xuất hữu cơ, áp dụng các tiêu chuẩn global gap. 

Tương tự như ông Bắc, nhiều DN thuộc các ngành nghề khác như khăn mặt bông, sơ sợi, miến dong đều mong muốn được hệ thống thương vụ nước ngoài cũng như các TTTM giới thiệu cho họ các đơn vị có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng mà DN sẵn có. 

Chưa hết, có DN còn cho biết, họ sản xuất cần phải đặt mua nguyên liệu bông từ nước ngoài và đã mua phải hàng kém chất lượng từ Ấn Độ mà không có cách nào để “ốp” nhà cung cấp phải chịu trách nhiệm với lô hàng của mình. Từ đó, DN này đề nghị, các TTTM có cách nào đó giúp DN trong nước tránh rủi ro trong các trường hợp tương tự. 

Ông Lê Quốc Khánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông lại có một đề nghị khác biệt hẳn khi đề xuất các TTTM giúp Rạng Đông phát triển kênh bán hàng theo hình thức B2C (bán hàng trực tiếp cho khách hàng), đặc biệt bán hàng thông qua thương mại điện tử mà thị trường trọng tâm là châu Mỹ và Mỹ Latin như Achentina, Mexico, Mỹ. 

Ông Khánh cho biết thêm, hiện trên 50% sản phẩm của Rạng Đông đã xuất khẩu đến nhiều nước như Brazil, các nước Trung Đông, Ai Cập và Hàn Quốc nhưng ông Khánh mong muốn phải phát triển mạnh hơn nữa các sản phẩm có thương hiệu Việt Nam ra nhiều nước trên thế giới vì sản phẩm của Việt Nam thường có uy tín cao hơn các sản phẩm Trung Quốc. Và để làm được việc này, hệ thống thương vụ Việt Nam nói chung, các TTTM nói chung buộc phải làm việc hết công suất và trách nhiệm của mình để có thể giúp các DN Việt tiếp cận thị trường quốc tế nhanh nhất và dễ nhất. 

Luật sư Ngô Văn Hiệp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng cho biết, ông đã tư vấn cho nhiều DN xuất nhập khẩu. Trong quá trình làm việc, khi phải tiến hành xác minh từ các thị trường khác, ông đều tận dụng kênh TTTM nhưng nhiều TTTM hồi âm rất lâu, chờ vài tháng mà không có bất kỳ một thông tin quay trở lại nào, trong khi DN và luật sư thì lúc nào cũng như “ngồi trên đống lửa”. 

Tham tán thương mại cần lăn lộn hơn nữa

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hoạt động hỗ trợ DN là hoạt động thường xuyên của các Thương vụ tại nước ngoài, trong đó, tập trung vào cung cấp thông tin liên quan đến chính sách quản lý xuất nhập khẩu của nước sở tại. Đội ngũ TTTM sẽ phải hỗ trợ DN trong tìm hiểu thị trường, kết nối với đối tác và ký kết hợp đồng...

Đặc biệt, việc hỗ trợ DN trong nước xác minh, tìm hiểu thông tin về đối tác tại địa bàn; tham gia giải quyết các vụ việc tranh chấp; và tư vấn các vấn đề pháp lý giúp DN trong nước đưa hàng hóa tiếp cận thị trường sở tại chính là nhiệm vụ trọng tâm của TTTM. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định: “Lời giới thiệu của tham tán không thể đảm bảo 100% được vì việc giới thiệu DN có uy tín chỉ là theo sự hiểu biết của các tham tán và ở một thời điểm nhất định. Đa số TTTM không thạo điều tra để tìm hiểu tung tích, lịch sử của các công ty tại nước sở tại”. 

Do đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị, các DN khi tiến hành làm ăn, giao dịch với các đối tác nước ngoài cần phải thật cẩn thận, tránh để bị đối tác lừa, chiếm đoạt hàng hóa, tiền bạc. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, việc DN nhập khẩu bông “ăn trái đắng” từ DN Ấn Độ là một ví dụ điển hình cho việc DN Việt cần phải thận trọng hơn trong việc làm ăn với đối tác nước ngoài. 

“Chúng ta cần phải chi thêm một khoản chi phí nữa để thuê các công ty giám định có uy tín trước khi xếp hàng xuống tàu rồi mới giải tỏa tiền gửi đi cho bạn hàng theo quy định của hợp đồng. Nếu thuê thêm một lớp bảo vệ nữa trước khi xuất hàng xuống tàu thì chắc chắn rủi ro lớn kia sẽ không bao giờ xảy ra” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định.

Dẫn ví dụ về một vị TTTM tại Nhật Bản, Luật sư Hiệp cho biết, khi ông nhận được thông tin về một công ty Nhật có dấu hiệu lừa đảo chuẩn bị làm ăn với một DN Việt, ông đã nhờ TTTM ở Nhật Bản đến tận nơi tìm hiểu và chụp lại địa chỉ theo liên lạc mà họ đã cho nhưng không có một công ty nào ở địa chỉ đấy. Ông Hiệp kết luận, chính nhờ sự nhiệt tình, trách nhiệm của TTTM mà DN thân chủ của ông đã tránh được một vố lừa. 

Do đó, Luật sư Ngô Văn Hiệp cho rằng, nếu các TTTM tận tâm hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa thì DN Việt sẽ không rơi vào các tình huống phải tranh chấp với đối tác. Đây cũng là điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi gắm các TTTM trong một hội nghị. Thủ tướng cho rằng, đội ngũ TTTM cần phải lăn lộn hơn nữa, tránh tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa” trong công tác thương vụ. 

Đọc thêm