Mong báo chí là tấm gương trong để doanh nghiệp tự soi mình

(PLO) - TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)  chia sẻ tại Hội nghị gặp gỡ báo chí (BC) – doanh nghiệp (DN) hôm 19/6 và khẳng định BC có vai trò quan trọng trong việc giúp cho xã hội hiểu hơn về DN và DN hiểu được chính mình. 
Hội nghị gặp gỡ báo chí  – doanh nghiệp
Hội nghị gặp gỡ báo chí – doanh nghiệp

Doanh nhân “chiến sĩ”- báo chí “hậu phương”…

Trong thời kỳ hội nhập, cạnh tranh toàn cầu, Chủ tịch VCCI ví von DN như những người đi biển, đương đầu với sóng to gió lớn, còn nhà báo như những người yêu thương ở hậu phương luôn lo lắng cho những chàng trai ngoài khơi.

Với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 35, và sau đó là các Nghị quyết của Ban Chấp hành TW Đảng, theo Chủ tịch VCCI, chưa bao giờ vị thế của DN, doanh nhân và những chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước hỗ trợ DN DN lại mạnh mẽ như hiện nay. “Đây là sự cổ vũ, động viên rất lớn cho đội ngũ doanh nhân và kiến tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của doanh nhân DN” - TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu VCCI, chặng đường phía trước của DN doanh nhân sẽ còn gian nan khi 60% DN kinh doanh khó khăn và không có lãi. Trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh lại càng khó khăn, khắc nghiệt hơn, doanh nhân chính là chiến sĩ trên thương trường và để đứng vững trên chiến trường là đòi hỏi nỗ lực rất lớn của bản thân cũng như sự hỗ trợ từ “hậu phương”.

“Những năm qua các cơ quan BC đã song hành cùng doanh nhân trong nỗ lực thúc đẩy môi trường kinh doanh, tạo tiếng nói chính đáng, hợp pháp của doanh nhân. Có thể nói những cải thiện mạnh mẽ về môi trường kinh doanh trong thời gian qua có vai trò lớn của BC” - Chủ tịch VCCI chia sẻ.

Tuy nhiên, BC và doanh nhân cũng có lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, BC và doanh nhân vì sự nghiệp phát triển chung nhưng có bộ phận nhà báo có hành động sách nhiễu gây khó khăn cho DN, thậm chí có DN cho rằng BC là một kênh rủi ro đối với DN, bởi chỉ vì một thông tin thiếu trách nhiệm ảnh hưởng đến thương hiệu của DN, thậm chí đẩy DN đến phá sản. Do vậy, hợp tác BC và DN trở thành vấn đề quan trọng, BC phải là tấm gương trong để  DN tự soi mình.

Báo chí có khen, có chê…

Chia sẻ tại Hội nghị, TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) trăn trở: “Làm báo rất khó nhưng làm DN cũng khó khăn không kém!”.

Từ thành công, thất bại của bản thân, ông Dũng đúc rút ra 2 nỗi đau: Một là, DN hiện nay có nguy cơ sa vào tay nhóm lợi ích xấu, thoái hóa biến chất; thứ hai là khát vọng của DN vẫn rất khó được chấp nhận.

“Nhận diện nhóm lợi ích này không khó nhưng không dễ nói, dễ làm. BC đã làm được rất nhiều nhưng hiện nay không nhiều nhà báo dám nói điều này hoặc nói cũng rất mượt mà”, ông Dũng nói.

Với nỗi đau thứ hai của DN, theo ông, BC vẫn còn ngại nói, ngại bản và ngại đấu tranh để cho cái tiến bộ được vào trong nhận thức và kinh doanh. “Hiện có nhiều hình thức kinh doanh mới ra đời nhiều năm, nhiều mô hình khởi nghiệp thành công nhưng vẫn chưa được chấp nhận hoặc không có kế sách gì để nó phát huy hiệu quả, thu thuế tốt như Uber, Grab hay các loại hình kinh tế sẻ chia khác…” - ông Dũng dẫn chứng.  

Theo ông, hơn ai hết, DN, doanh nhân cần BC đồng hành để hạn chế bớt những nỗi đau và tăng thêm nữa những hoài vọng vượt qua khó khăn, thách thức.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn, ông Nguyễn Trường Sơn cũng cho rằng, những DN không phải DN nhà nước khi có mô hình hay, cách làm tốt rất ít khi được BC tuyên truyền vì cho rằng như vậy có lợi cho tư nhân, hoặc có chăng cũng đưa theo quảng cáo.“Lực lượng BC là lực lượng hùng mạnh, có thể làm thay đổi cơ chế chính sách. Chúng tôi rất mong BC giúp đỡ để thay đổi một phần bất cập của xã hội hiện nay...” - ông Sơn bày tỏ. 

Dẫn chứng về môi trường kinh doanh hiện nay, Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn cho rằng tinh thần rất mới, Chính phủ rất quyết liệt, nhưng “ở dưới có làm đâu”. Ông đề nghị BC bằng ngòi bút của mình góp phần làm chuyển đổi nhận thức và hành động của bộ máy công quyền phía dưới…

Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hưng Yên ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng cá biệt vấn có những người làm báo có hành vi tiêu cực, gây khó khăn, “bẻ cong” sự thật để trục lợi  nhưng đại đa số BC phản ánh trung thực, khách quan cả những mặt tốt và xấu của DN. Do vậy, các DN cần xác định rằng, trên thương trường, quan trọng nhất là cần biết mình đang ở đâu trong xã hội. Một trong những kênh thông tin quan trọng của DN được phản ánh qua lăng kính BC. Sự phản ánh trung thực khách quan của BC là rất quan trọng để lành mạnh hoá môi trường kinh doanh.

“Cũng như BC, không hẳn là DN nào cũng tốt. Do đó, việc BC phê phán DN, doanh nhân xấu, đi đôi với cổ vũ, động viên kịp thời DN tốt làm ăn chân chính sẽ góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh, bình đẳng hơn” - ông Dương thẳng thắn chia sẻ.

Báo chí cần tuyên truyền khắc phục điểm yếu của doanh nghiệp

Theo ông Đoàn Minh Huấn,  Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Cộng Sản, trong thời gian qua, BC cũng đồng hành cùng DN thực hiện trách nhiệm xã hội. Nhưng trong quá trình đồng hành cùng BC, DN cũng cần liên kết với nhau tạo sức cạnh tranh tốt hơn, tận dụng lợi thế của mình trong “sân chơi” kinh doanh.

“Khi trao đổi với báo giới nước ngoài, nhiều người cho rằng mỗi một DN Việt Nam như một viên ngọc sáng, trong khi đó DN Nhật Bản như đất sét. Nghe có vẻ như là một lời khen nhưng lại không đúng. Ngọc sáng nhưng không thể gắn kết nhưng đất sét thì lại có tính liên kết tốt. Điều này cho thấy DN Việt đang yếu liên kết” – ông Huấn nói. 

Cũng theo ông Huấn, trong điều kiện kinh tế thị trường hiện đại hội nhập quốc tế, điểm yếu này không được DN khắc phục sẽ là lực cản ngay thị trường trong nước không chỉ thị trường thế giới. Vì vậy, BC Việt Nam  trong thời gian tới cần cố gắng tuyên truyền tác, thông qua vai trò VCCI khắc phục điểm yếu này của DN.

Đọc thêm