Một số bộ, ngành phản hồi đề xuất ưu đãi của Samsung: Nhiều đòi hỏi chưa có cơ sở xem xét

(PLVN) - Mặc dù đồng ý về mặt chủ trương thực hiện Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (TT R&D) cho Samsung Việt Nam, nhưng do nhiều ưu đãi chưa có cơ sở xem xét nên nhiều bộ, ngành lưu ý trong quá trình thẩm định dự án cần ràng buộc điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư theo hướng, nếu không đáp ứng các điều kiện liên quan đến mục tiêu R&D thì các ưu đãi sẽ bị thu hồi.  
Một số bộ, ngành phản hồi đề xuất ưu đãi của Samsung: Nhiều đòi hỏi chưa có cơ sở xem xét

Cần có cơ chế ràng buộc

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), việc thành lập TT R&D của Samsung Việt Nam là điều kiện bắt buộc để hai dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp thiết bị di động, điện tử và viễn thông công nghệ cao của SEV tại Bắc Ninh và SEVT tại Thái Nguyên được hưởng cơ chế và mức độ ưu đãi như hiện nay. 

Đồng thời, hoạt động R&D của dự án phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Công nghệ cao, là “hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao” và “nghiên cứu sáng tạo công nghệ cao mới”, được khuyến khích đầu tư và thuộc diện được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định.

Cũng theo Bộ KH&ĐT, về bản chất, mô hình hoạt động của TT R&D tại Khu đô thị Tây Hồ Tây không thay đổi so với Trung tâm SVMC, chỉ khác về địa điểm thực hiện và thay vì đi thuê thì Công ty SEV sẽ nhận chuyển nhượng dự án và xây dựng tòa nhà hiện đại hơn để tự phục vụ hoạt động R&D, đảm bảo sự ổn định lâu dài. 

Đối với đề xuất được áp dụng cơ chế doanh nghiệp chế xuất bao gồm cả giao dịch liên quan đến chuyển nhượng dự án và xây dựng tòa nhà, theo Bộ KH&ĐT, TT R&D tại Tây Hồ Tây được kế thừa các cơ chế, chính sách từ TT SVMC chuyển sang thì các giao dịch liên quan đến chuyển nhượng dự án và xây dựng tòa nhà được hưởng theo cơ chế của doanh nghiệp chế xuất là hướng tới sự đồng bộ trong cả gói chính sách ưu đãi áp dụng chung cho TT R&D.

Nhưng trong quá trình hoạt động, trường hợp SEV có nhu cầu điều chỉnh mục tiêu của Dự án thì phải phù hợp với quy hoạch của khu đất; đồng thời ưu đãi liên quan đến mục tiêu R&D của dự án sẽ bị thu hồi hoặc điều chỉnh lại theo quy định của pháp luật nếu không đáp ứng các tiêu chí về ưu đãi. Chính vì vậy, Bộ này lưu ý, cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cần có quy định ràng buộc các nội dung nêu trên tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Trong văn bản góp ý về cơ chế, chính sách với TT R&D của SEV, liên quan đến vấn đề thuế thu nhập doanh nghiệp theo kiến nghị của SEV, Bộ Tài chính cho biết, Chi nhánh Trung tâm Nghiên cứu là đơn vị hạch toán phụ thuộc SEV nên pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp hiện chưa có quy định về việc phân bổ chi phí giữa hai doanh nghiệp độc lập (SEV và SEVT).

Đồng thời đến nay, Công ty SEV vẫn chưa lựa chọn xong phương án thực hiện dự án nên chưa có đủ cơ sở để có ý kiến cụ thể về việc phân bổ chi phí nghiên cứu và phát triển của TT SVMC giữa Công ty SEV và SEVT. Do đó, doanh nghiệp căn cứ theo các quy định của pháp luật về thuế để thực hiện khi có phương án triển khai cụ thể.

Nhiều đòi hỏi chưa có cơ sở pháp lý

Liên quan tới đề xuất ưu đãi của SEV, Bộ Xây dựng cho rằng, hiện theo quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt thì lô B1CC3 Khu đô thị mới Tây Hồ Tây mà SEV có nhu cầu đầu tư có chức năng thương mại dịch vụ. Để thực hiện được dự án thì cần được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc điều chỉnh chức năng, chỉ tiêu lô đất phù hợp với quy định. Còn các thủ tục chuyển nhượng dự án và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án, theo Bộ Xây dựng cần được thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh bất động sản.  

Phản hồi ý kiến đề xuất của SEV, UBND TP Hà Nội cho rằng, để được áp dụng các ưu đãi (về thuế nhập khẩu) thì doanh nghiệp phải được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định hoặc dự án được Bộ KH&CN chứng nhận là dự án ứng dụng công nghệ cao.

Hà Nội cũng cho rằng, để được hưởng miễn lệ phí trước bạ khi cấp sổ đỏ thì SEV phải có văn bản (hoặc giấy phép, giấy chứng nhận) của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nghiên cứu khoa học hoặc doanh nghiệp khoa học, công nghệ theo quy định. 

Liên quan đến vấn đề ưu đãi thuế, văn bản góp ý của Hà Nội cũng nhấn mạnh: “Chưa có cơ sở pháp lý xác định Chi nhánh SEV (TT R&D) là doanh nghiệp chế xuất hay được áp dụng các ưu đãi đối với doanh nghiệp chế xuất. Do vậy, việc đề nghị áp dụng Chi nhánh SEV (TT R&D) là doanh nghiệp chế xuất chưa có đủ cơ sở để xem xét”.

Trước đó, như PLVN đã thông tin, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đề xuất hàng loạt ưu đãi mạnh về chính sách khi xây dựng Dự án tòa nhà TT R&D tại Khu đô thị Tây Hồ Tây. Trong đó đề xuất cho áp dụng cơ chế doanh nghiệp chế xuất bao gồm cả các giao dịch liên quan đến chuyển nhượng dự án, xây dựng văn phòng và các hoạt động sau này.

Thậm chí, trường hợp có nhu cầu, Samsung Việt Nam được quyền thay đổi mục tiêu sử dụng của tòa nhà TT R&D hoặc được quyền chuyển nhượng tòa nhà gắn với quyền sử dụng đất của dự án cho một bên khác để thực hiện mục tiêu nghiên cứu phát triển hoặc kinh doanh bất động sản.

Đọc thêm