Mua bán trực tuyến: Khi nào logistics là một mắt xích?

(PLO) - Logistics là mắt xích then chốt để hoàn tất một giao dịch mua bán trực tuyến. Nhưng, hệ thống logistics phục vụ mua bán trực tuyến hiện nay ở Việt Nam đang rất yếu kém.
Việt Nam chưa có xe chuyên dụng chở hàng hóa phục vụ thương mại điện tử
Việt Nam chưa có xe chuyên dụng chở hàng hóa phục vụ thương mại điện tử

Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội thảo “Logistics và Thương mại điện tử: Đồng hành để cùng phát triển” nhằm trao đổi, tìm nguyên nhân và đề xuất những giải pháp nhằm phát triển dịch vụ logistics và kinh doanh trực tuyến.

35% dân số mua hàng qua mạng

Theo đại diện Bộ Công thương, logistics và thương mại điện tử (TMĐT) thực sự bùng nổ trong những năm gần đây. Qua khảo sát của Bộ Công Thương với các DN liên quan đến Logistics và TMĐT, những khó khăn lớn tác động tới sự phát triển của hai lĩnh vực này là môi trường pháp lý, cơ sở hạ tầng, thị trường và nguồn nhân lực. Cũng theo khảo sát mới đây, tỷ lệ chi phí dành cho dịch vụ logistics và chuyển phát khá cao trong giá bán trực tuyến các sản phẩm. 

Theo ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Lazada Express, TMĐT sẽ tiếp tục tăng trưởng cao tại Việt Nam, trung bình mỗi năm tăng khoảng 30%; các DN chuyển phát nhanh tăng trưởng từ 62% - 200%; giá trị tăng từ 5 tỷ USD lên 10 tỷ USD trong 4 năm tới. Ông Thịnh cũng cho biết, đang có hàng loạt tên tuổi lớn TMĐT thế giới đầu tư vào Việt Nam. Ở trong nước, hàng loạt DN lớn cũng đầu tư mạnh vào lĩnh vực này. “Hàng hóa xuyên biên giới đang là xu hướng của tất cả các nước”, ông Thịnh nói.

Phân tích thêm về tiềm năng phát triển TMĐT ở Việt Nam, Giám đốc Lazada Express cho rằng, nước ta có tỉ lệ dân số trẻ, tỉ lệ tiếp cận công nghệ mới cao; tỉ lệ tăng trưởng GDP cao và ổn định. Dẫn số liệu năm 2017, ông Thịnh cho biết, Việt Nam có gần 95 triệu dân, trong đó có khoảng 50 triệu người dùng internet, tương đương 53%; người dùng mạng xã hội 46 triệu, tương đương 48%; số người mua hàng qua TMĐT là 33,26 triệu người, chiếm 35% dân số. “Xu hướng mua sắm qua TMĐT sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới”, ông Thịnh dự đoán.

Một số ý kiến cũng cho rằng, dù TMĐT Việt Nam đang phát triển rất nhanh nhưng dịch dụ logistics phục vụ cho hình thức kinh doanh này chưa phát triển tương xứng. Hiện nay chi phí cho logistics trong TMĐT chiếm 30% doanh thu của DN.

“Logistics cho TMĐT ở Việt Nam còn rất kém”, ông Thịnh khẳng định. Dẫn ví dụ, ông Thịnh cho rằng, đa số việc vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng đều thông qua xe máy, trong khi loại phương tiện này được thiết kế để chở người chứ không phải chở hàng. “Với tốc độ phát triển TMĐT như hiện nay, không bao lâu nữa khi ra ngoài đường, người ta chỉ toàn thấy shipper (người vận chuyển hàng - PV)”, ông Thịnh nói. 

Chi phí Logistics cho TMĐT cao

Ông Thịnh cũng cho rằng, sở dĩ TMĐT Trung Quốc phát triển, chi phí cho logistics lĩnh vực này thấp là do họ dùng xe đạp điện, xe ba bánh điện có thiết kế riêng biệt để chở hàng hóa. 

Theo ông Nguyễn Quang Thuật, Giám đốc Trung tâm xử lý đơn hàng sendo.vn, thì hiện nay DN TMĐT gặp ba thách thức lớn trong logistics. Đó là hệ thống nhân lực, phương tiện giao hàng gặp nhiều khó khăn; việc miễn phí vận chuyển hàng hóa đến với người tiêu dùng ảnh hưởng doanh thu DN; việc thanh toán bằng tiền mặt gặp nhiều rủi ro…

Ông Trần Đình Toản, Chủ tịch Liên minh Hỗ trợ Xuất khẩu cho rằng TMĐT sẽ là nhân tố dẫn dắt sự phát triển của logistics toàn cầu trong thời gian tới. Theo đó, mặc dù hiện nay chỉ chiếm 5%, nhưng dự kiến đến năm 2020, TMĐT sẽ chiếm khoảng 7,2-7,5% tổng doanh thu logistics thế giới. Năm 2017, thị trường logistics toàn cầu đạt khoảng 9 nghìn tỷ USD.

Theo ông Toản, chi phí logistics trong TMĐT ở Việt Nam còn ở mức cao (30%), trong khi năm 2017, các nhà bán lẻ TMĐT Ấn Độ chỉ chi từ 5 đến 15% doanh thu cho logistics; ở Mỹ là 11,7% (năm 2015).

Đại diện Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, TMĐT muốn phát triển thì không thể thiếu dịch vụ logistics. Tuy nhiên, thời gian qua, sự phát triển của TMĐT không đi liền với sự phát triển của logistics. Người cung cấp dịch vụ logistics cho TMĐT chủ yếu được chuyển sang từ logistics truyền thống, chủ yếu vừa làm vừa học. Ngoài ra, quy định về giao thông liên tục thay đổi, thủ tục hành chính phức tạp, việc ứng dụng công nghệ trong logistics còn thấp là những lí do khiến logistics phục vụ TMĐT còn yếu kém. 

Cần hiện đại hóa trang thiết bị

Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, việc phát triển dịch vụ logistics để tương xứng với sự phát triển của TMĐT đang là yêu cầu cấp bách. Tại Việt Nam, các DN logistics và TMĐT phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động chưa có tính chuyên nghiệp, chưa có sự liên kết chặt chẽ với khách hàng. Trong bối cảnh đó, các DN nên liên kết với nhau, tận dụng cơ sở vật chất của nhau để cùng phát triển. Ngoài ra, cần hiện đại hóa quản lý, trang thiết bị; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ logistics phục vụ TMĐT.

Đọc thêm