Mua sắm điện tử, nhưng thanh toán tiền mặt vẫn phổ biến

(PLVN) - Ông Trần Văn Trọng - Chánh văn phòng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) - cho biết, trong mấy năm gần đây, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, thương mại điện tử đang có sự phát triển vượt bậc nhưng thanh toán phi điện tử vẫn chiếm ưu thế…
Ông Trần Văn Trọng - Chánh văn phòng Vecom.
Ông Trần Văn Trọng - Chánh văn phòng Vecom.

Theo khảo sát được Vecom thực hiện vào cuối năm 2019 về tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) khi nhận hàng, kết quả cho thấy đa số người mua hàng vẫn thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch mua sắm qua mạng (86% người tham gia khảo sát có mua sắm trực tuyến chọn hình thức thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng).

86% người tham gia khảo sát có mua sắm trực tuyến chọn hình thức thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng.
 86% người tham gia khảo sát có mua sắm trực tuyến chọn hình thức thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng.

Ông Trần Văn Trọng - Chánh văn phòng Vecom - cho biết, để thúc đẩy hoạt động TTKDTM, thời gian qua Vecom đã tiến hành nhiều hoạt động để hỗ trợ, trong đó, Vecom đã cùng với các cơ quan nhà nước, làm việc với DN và cố gắng thay đổi thói quen người tiêu dùng (NTD).

Tuy nhiên, để thúc đẩy hơn nữa quá trình TTKDTM thì cơ quan quản lý cần có cơ chế chính sách thuận lợi cho DN triển khai. Đồng thời, phải cho cộng đồng thấy được TTKDTM tiện lợi hơn phương thức thanh toán truyền thống ra sao: từ việc đăng ký sử dụng tới khâu ứng dụng, mức độ bảo mật, chi phí... Đặc biệt, cơ quan nhà nước phải là đơn vị đi đầu triển khai ứng dụng TTKDTM vào các dịch vụ công. 

Với quá trình chuyển đổi số, cơ quan quản lý nhà nước cần có sự vào cuộc quyết liệt mới tạo được khí thế và xu hướng của cộng đồng. Trong đó, quan trọng là phải có cơ chế chính sách về thanh toán có tính tương đồng với thực tiễn.

Về phía nhà cung cấp, các đơn vị cung cấp giải pháp hay trung gian thanh toán cần có sự liên kết với nhau để đồng nhất giúp người dùng dễ dàng sử dụng cho cả DN và NTD. Bên cạnh đó, cần có một số giải pháp công nghệ thanh toán mới (Smart POS, NFC,...).

Về phía DN dùng dịch vụ, theo ông Trọng, hiện nay các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán đang quá nhiều, nhưng lại không đồng bộ với nhau dẫn tới lãng phí trong việc mở rộng thị trường và bối rối cho người sử dụng lựa chọn kênh thanh toán. Do đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán nên tích hợp đồng bộ với nhau để tiết kiệm nguồn lực phủ thị trường về dịch vụ.

Về phía NTD, ông Trọng cho biết, tỷ lệ thanh toán tiền mặt (trên 80%) vẫn chiếm đa số do thói quen tiêu dùng truyền thống chưa được thay đổi và niềm tin vào mua sắm online chưa cao. Do vậy, cần thiết đẩy mạnh việc tuyên truyền đối với NTD. NTD cũng nên trang bị các kỹ năng mua sắm trực tuyến và TTKDTM để tránh các trường hợp bị lợi dụng và hiểu được lợi ích của mua sắm trực tuyến.

Đọc thêm