Mua sắm tập trung: Chưa ai đăng ký!

(PLO) - Theo lộ trình, phương thức mua sắm tập trung (MSTT) tài sản nhà nước được chính thức triển khai từ năm 2016, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính vẫn chưa nhận được văn bản đăng ký nào của các bộ, ngành, địa phương…
Hình minh họa
Hình minh họa

Do chưa có con số đăng ký nên số tiền tiết kiệm được qua phương thức mua sắm này chưa thể công bố, song theo đại diện Cục Quản lý công sản (QLCS), Bộ Tài chính, theo thông lệ quốc tế, áp dụng phương thức MSTT sẽ tiết kiệm được 10- 17% trên tổng giá trị mua sắm…

Vừa tập trung, vừa phân tán

Tại cuộc họp báo tổ chức chiều qua (28/4), đại diện Cục QLCS cho biết, MSTT là phương thức mới được quy định tại Quyết định 08/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 35/206/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Nếu như trước đây việc MSTT thực hiện theo cách thức giao ngân sách cho các đơn vị để thực hiện mua sắm sau đó cấp tài sản cho đơn vị sử dụng thì cách thức MSTT có sự thay đổi, đó là MSTT theo cách thức ký thỏa thuận khung: Đơn vị MSTT tổng hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp lựa chọn nhà thầu, ký thỏa thuận khung với nhà thầu được lựa chọn.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài sản trực tiếp ký hợp đồng mua sắm với nhà thầu được lựa chọn, trực tiếp thanh toán cho nhà thầu được lựa chọn, tiếp nhận tài sản, hồ sơ về tài sản và thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, chế độ bảo hành, bảo trì tài sản từ nhà thầu được lựa chọn.

Theo Phó Cục trưởng Cục QLCS, ông Nguyễn Tân Thịnh, việc MSTT đang quy định hiện nay là bắt buộc thực hiện. Những tài sản đã thuộc đối tượng, thuộc danh mục MSTT thì phải MSTT. Tuy nhiên, không phải tất cả tài sản công đều phải MSTT mà MSTT chỉ áp dụng đối với tài sản mua sắm với số lượng lớn hoặc chủng loại hàng hóa, dịch vụ được sử dụng phổ biến tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị; và tài sản có yêu cầu tính đồng bộ, hiện đại.

Cho đến nay, Bộ Tài chính đã ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn, trong đó có danh mục MSTT, trình tự MSTT (trừ danh mục thuốc thuộc trách nhiệm ban hành của Bộ Y tế). Về lộ trình, phương thức MSTT sẽ thực hiện từ năm 2016.

Công khai và tiết kiệm

Theo Phó Cục trưởng Cục QLCS Nguyễn Tân Thịnh, ưu điểm lớn nhất của phương thức MSTT là tiết kiệm chi phí mua sắm công thông qua các lý do: Mua sắm với số lượng lớn giá mua sẽ giảm; giảm đầu mối thực hiện mua sắm do khi thực hiện mua sắm tập trung thì chỉ thực hiện một hoặc một số cuộc đấu thầu trong năm cho mỗi loại mặt hàng.

Phương thức này cũng khắc phục được tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức, vượt nhu cầu thực tế và mua sắm xa xỉ, không hiệu quả; hạn chế tiêu cực, sai phạm trong việc mua sắm công do việc thực hiện mua sắm được chuyên nghiệp hóa, công khai, minh bạch. Đặc biệt, khi phương thức MSTT đi vào vận hành một cách chuyên nghiệp sẽ giảm bộ máy và biên chế trong mua sắm công.

Từ chối đưa ra số liệu mua sắm tài sản công của năm 2015 với lý do phải sau khi báo cáo Chính phủ về tình hình tài sản nhà nước năm 2015 Bộ Tài chính mới có thể công khai, tuy nhiên ông Thịnh cho biết, ước tính mỗi năm trị giá tài sản mua sắm công khoảng 200 nghìn tỷ đồng.

“Chưa thể ước tính con số tiết kiệm được trong năm nay vì vẫn chưa có bộ, ngành, địa phương nào đăng ký nhưng theo thông lệ quốc tế, áp dụng phương thức MSTT sẽ tiết kiệm được 10- 17% trên tổng giá trị mua sắm” - ông Thịnh cho biết.

Một con số được Phó Cục trưởng Cục QLCS đưa ra là 500 tỷ đồng tiết kiệm được trong giai đoạn thực hiện thí điểm phương thức này, song ông Thịnh cũng giải thích thêm là quy mô MSTT giai đoạn thí điểm nhỏ, các đơn vị đăng ký MSTT giai đoạn vừa rồi là tự nguyện. “Cơ bản các mục tiêu đặt ra cho giai đoạn thí điểm đều đặt được, tuy nhiên có một số vấn đề về bảo hành, dịch vụ sau bán hàng do tài sản sử dụng phân tán, sau khi nhận phản ảnh chúng tôi đã khắc phục được…”- ông Thịnh cho biết.

Cũng như phương thức mua sắm trước đây, các thông tin liên quan đến MSTT đều phải công khai, từ nhu cầu (số lượng, chủng loại, nguồn vốn, thời gian thực hiện, kế hoạch chọn nhà thầu) đến công khai kết quả, trong đó công khai số lượng tài sản mua sắm; chủng loại tài sản mua sắm; đơn giá mua sắm tài sản; nguồn vốn mua sắm tài sản; hình thức mua sắm tài sản; nhà thầu cung cấp tài sản; các khoản hoa hồng, chiết khấu, khuyến mãi (nếu có) khi thực hiện mua sắm.

Vấn đề được báo giới quan tâm là hoa hồng, chiếu khấu, khuyến mại được sử dụng như thế nào? Ông Thịnh cho biết, chiết khấu được giảm trừ vào giá, riêng phần hóa hồng, khuyến mại, thông thường, như trước đây, Nhà nước không thu, các đơn vị được sử dụng miễn đảm bảo công khai, minh bạch. Tuy nhiên, theo phương thức MSTT, khoản này không để lại được mà theo quy định phải nộp vào ngân sách.

Lý giải vì sao cho đến thời điểm này vẫn chưa có bộ, ngành, địa phương nào có văn bản đăng ký mua sắm tài sản công theo phương thức MSTT, ông Thịnh cho biết, các văn bản về vấn đề này cũng mới có hiệu lực từ ngày 10/4.

“Các bộ, ngành, địa phương rất quyết tâm thực hiện theo phương thức này, nhưng chắc phải đến tháng sau mới có đăng ký. Khi nào tập hợp số liệu đăng ký, chúng tôi sẽ công khai”- ông Thịnh cho biết. Đại diện Cục QLCS cũng cho biết, phải sau kỳ nghỉ lề 30/4 - 1/5 này thì Bộ Tài chính mới công bố đơn vị thực hiện MSTT và nguyên tác đặt ra là không tăng thêm biên chế…

Đọc thêm