Năm 2018: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là ưu tiên hàng đầu

(PLO) - Thủ tướng vừa ký ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018, trong đó nhấn mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018 và các năm tiếp theo. 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018

Quán triệt tinh thần “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo và hiệu quả” 

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, nhất là các quy định về đầu tư kinh doanh, quy hoạch, môi trường, đất đai…, bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo mục tiêu đã đề ra; tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, tạo chuyển biến căn bản, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, nhất là các chỉ số đang có điểm số và xếp hạng thấp. 

Các cấp, các ngành nhận thức rõ trọng trách là người đứng đầu quản lý ngành, lĩnh vực và địa phương, quán triệt sâu sắc tinh thần “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo và hiệu quả”; tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; tuyệt đối không chủ quan trong chỉ đạo, điều hành, chủ động nắm sát tình hình trong nước và quốc tế, kịp thời có đối sách, giải pháp phù hợp; có khát vọng đổi mới và phát triển, sâu sát với thực tiễn và công việc, chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, yếu kém thuộc ngành, lĩnh vực quản lý…

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường để thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục với mức độ và thời điểm phù hợp, không để ảnh hưởng lớn đến chỉ số giá tiêu dùng.  

Tăng cường kiểm soát các giao dịch tiền ảo

Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nội dung. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành thận trọng, linh hoạt chính sách tiền tệ, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát các giao dịch tiền ảo.

Bộ Tài chính tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; phát động phong trào ngành tài chính hành động liêm chính, nói không với tiêu cực, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu tiêu cực trong lĩnh vực hải quan, thuế. Quản lý chặt chẽ tài sản công, công khai, minh bạch theo giá thị trường, không để thất thoát, lãng phí; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, thúc đẩy công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển hệ thống phân phối, bán lẻ, bảo đảm đồng bộ, lành mạnh, không để xảy ra tình trạng chi phối, lũng đoạn thị trường bán lẻ. 

Thanh tra, kiểm tra công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển sinh đại học, tuyển sinh đào tạo giáo viên năm 2018. Chỉ đạo các địa phương tổ chức đợt cao điểm tổng rà soát, đầu tư cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh và cung cấp nước sạch trong trường học; sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định mới về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư…

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước theo kế hoạch đã được phê duyệt. Tạo chuyển biến căn bản trong xử lý các doanh nghiệp, dự án thua lỗ; tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chí đánh giá chỉ số cải cách hành chính gắn với sự hài lòng của người dân, bảo đảm công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng. 

Thanh tra Chính phủ chủ trì rà soát quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra; nghiên cứu, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 22/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra. Cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng.

Các bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác tiếp công dân. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Trung ương chỉ đạo giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo ngay tại địa phương, nhất là khiếu nại đông người liên quan đến đất đai. Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về hội, chấn chỉnh hoạt động trao tặng giải thưởng đối với các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, bảo đảm đúng mục đích tôn vinh, khích lệ, tránh để xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm, nhất là việc bình xét, xếp hạng các sản phẩm không bảo đảm chất lượng.

Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường quản lý nhà nước về báo chí, cung cấp thông tin kịp thời, tạo đồng thuận xã hội. Quyết định ngay việc sắp xếp các cơ quan báo chí thuộc Bộ, các doanh nghiệp và các Hội thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ thành một cơ quan báo, một cơ quan tạp chí theo đúng Đề án Quy hoạch Phát triển và Quản lý Báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI quyết định và chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/4/2015; 75/NQ-CP ngày 09/8/2017; 08/NQ-CP ngày 24/01/2018. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định tên cơ quan báo chí theo thẩm quyền.  

Đọc thêm