Nâng cao tính chủ động trong tìm hiểu pháp luật của doanh nghiệp

(PLO) - Công cuộc cải cách môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã tạo nên một làn sóng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong thời gian qua. Đi cùng với sự phát triển và thay đổi nhanh chóng về điều kiện kinh tế - xã hội ở trong nước cũng như tình hình thế giới, số lượng và nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội ngày càng gia tăng và phức tạp. Do vậy, hỗ trợ pháp lý thông qua hình thức tư vấn pháp luật cho DN ngày càng trở nên cần thiết.

Đại diện Bộ Tư pháp trao đổi, giải đáp thắc mắc của các DN tại Hội nghị hỗ trợ pháp lý cho DN năm 2017
Đại diện Bộ Tư pháp trao đổi, giải đáp thắc mắc của các DN tại Hội nghị hỗ trợ pháp lý cho DN năm 2017

Đa dạng các hình thức tư vấn, hỗ trợ 

Năm 2017, số lượng DN thành lập mới đạt khoảng 120 nghìn, tăng hơn 14% so với cùng kỳ. Hoạt động của các DN đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội. Hoạt động tư vấn pháp luật cho DN là hình thức hỗ trợ pháp lý nhằm giải đáp những vướng mắc pháp lý hoặc đưa ra những phương hướng giải quyết vướng mắc cho DN, nhằm hỗ trợ giải quyết một cách nhanh chóng và trực tiếp, hiệu quả cho DN, giảm bớt công sức và chi phí cho DN đồng thời tạo thói quen tuân thủ pháp luật khi giải quyết những vướng mắc trong quá trình hoạt động của DN.

Hoạt động tư vấn pháp lý đòi hỏi tính chuẩn xác cao nên người làm công tác này cần phải có năng lực, trình độ chuyên môn và nhiều kỹ năng mềm có liên quan. Thực tế cho thấy, vướng mắc về pháp lý của DN hiện nay rất đa dạng, các DN không tìm hiểu các quy định của pháp luật để giải quyết vướng mắc đó mà thường làm theo thói quen hoặc giải quyết tình huống theo ý chủ quan của chủ DN. Do đó, yêu cầu đặt ra với người tư vấn pháp lý phải là người có hiểu biết xã hội, nắm chắc quy định pháp luật trong phạm vi quản lý, có sự tổng hợp, sắp xếp các văn bản pháp luật khoa học và cập nhật các văn bản pháp luật kịp thời. Từ đó mới có thể giải quyết, tư vấn đúng đắn, áp dụng quy định pháp luật một cách phù hợp, giải đáp đúng yêu cầu DN.

Hiện nay, việc giải đáp pháp luật cho DN được thực hiện thông qua nhiều hình thức đa dạng như: giải đáp trực tiếp tại cơ quan, địa điểm tiếp công dân; tổ chức hội nghị đối thoại với DN; tiếp nhận và giải đáp bằng văn bản, qua hộp thư điện tử, trên các chuyên mục hỏi đáp của Cổng Thông tin điện tử… Việc giải đáp không chỉ cung cấp thông tin pháp lý mà còn xâu chuỗi những sự việc của vụ việc, phân tích vấn đề của người được hỗ trợ trên quan điểm pháp lý, để cho DN được hỗ trợ có thể bày tỏ quan điểm, yêu cầu và giúp đỡ họ tìm ra cách giải quyết. Tuy nhiên, mức độ và phạm vi tư vấn chỉ giới hạn trong phạm vi dữ liệu của DN cung cấp, trong phạm vi ngành, lĩnh vực mà công chức, viên chức đó đang thực hiện nên vẫn chưa phát huy hết hiệu quả.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong việc cập nhật các thông tin liên quan đến công tác hỗ trợ pháp lý cho DN, các Sở, ban, ngành đã xây dựng các trang thông tin điện tử, trong đó có chuyên trang hỗ trợ pháp lý cho DN gồm các bài viết nghiên cứu, trao đổi nghiệp vụ về công tác này, giới thiệu các chính sách pháp luật mới của Trung ương, địa phương dành cho DN. Ngoài ra, thông qua hình thức niêm yết bộ thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông và Bộ phận một cửa tại các xã, phường,thị trấn, đơn vị, các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực đã được công khai, nhờ đó các DN có thể tiếp cận dễ dàng hơn các quy định trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước.

DN còn thiếu chủ động tìm hiểu pháp luật

Việc tiếp cận thông về chính sách, pháp luật phục vụ quá trình kinh doanh của DN hiện nay còn yếu bởi chính bản thân mỗi DN chưa chủ động tìm hiểu pháp luật, chưa bố trí cán bộ phụ trách công tác pháp chế của DN. Trình độ hiểu biết pháp luật và áp dụng pháp luật của chủ sở hữu, người quản lý DN còn nhiều hạn chế, nhất là pháp luật quốc tế, do đó làm hạn chế khả năng cạnh tranh cũng như tìm kiếm các đối tác kinh doanh có tiềm năng. Nhiều DN nhỏ và vừa chưa quan tâm đến kiến thức pháp luật cũng như chưa có điều kiện sử dụng thường xuyên các dịch vụ tư vấn pháp  lý, tham gia thường xuyên các chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho DN. Vì vậy, việc cung cấp thông tin pháp lý, giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho DN, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ pháp chế cho DN, phòng chống rủi ro pháp lý, đảm bảo hành lang pháp lý an toàn cho sự hoạt động và phát triển của DN là việc làm cần thiết.

Mặt khác, sau gần 10 năm thực hiện Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 về hỗ trợ pháp lý cho DN, các nội dung và hình thức hỗ trợ pháp lý cho DN được quy định trong Nghị định cần được đánh giá và hoàn thiện thêm cho phù hợp với thực tế. Ở một số nơi, do lực lượng cán bộ ở các cơ quan quản lý nhà nước làm công tác hỗ trợ pháp luật cho DN còn kiêm nhiệm và nguồn kinh phí dành cho công tác này còn chưa được thực sự quan tâm. Kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho DN còn hạn chế, thiếu tập trung, chưa được thực hiện một cách đồng bộ nên ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác này trong thời gian qua. Còn tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kinh phí sử dụng vào hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN còn hạn chế và chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, trong khi đó còn rất nhiều tỉnh, thành phố nguồn kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho DN chưa được đảm bảo, chưa được coi trọng.

Tại các Bộ và cơ quan ngang Bộ, hoạt động hỗ trợ pháp lý từ các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý DN nói chung còn ít và không thường xuyên,sâu rộng, đầy đủ. Một số vướng mắc, khó khăn của DN liên quan đến pháp lý còn chậm được giải đáp, giải quyết kịp thời. Vẫn còn tồn tại vướng mắc trong chính sách về sắp xếp, đổi mới DN Nhà nước, đặc biệt là cổ phần hóa chậm xử lý như việc bán cổ phần ra bên ngoài, chính sách bán cổ phần ưu đãi, quy định về xác định giá trị DN…

Các chương trình sinh hoạt, tọa đàm, chuyên đề bồi dưỡng nghiệp vụ cho các DN chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của DN trong việc giải quyết các vướng mắc, vấn đề nôi cộm về pháp luật, nhất là kiến thức pháp luật liên quan đến đầu tư ra thị trường nước ngoài, đàm phán ký kết và giải quyết tranh chấp các hợp đồng thương mại có yếu tố nước ngoài. Nội dung hỗ trợ pháp lý đôi khi còn nặng về hình thức, chưa đi sâu vào khó khăn, vướng mắc thực tế của DN. Báo cáo viên pháp luật có kinh nghiệm và khả năng truyền đạt nội dung kiến thức pháp luật cho DN còn thiếu.

Nhận thức đầy đủ hơn về vai trò của tư vấn pháp luật

Một trong những giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tư vấn pháp lý cho DN đó là bản thân mỗi DN cần nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của công tác để có thể thúc đẩy DN hoạt động tuân thủ pháp luật, nâng cao hiệu quả của quá trình đưa pháp luật vào thực tiễn đời sống xã hội. Đồng thời cần nghiên cứu làm rõ mối quan hệ giữa Bộ, ngành với các DN nhằm thu hẹp khoảng cách giữa hai nhóm đối tượng này để gia tăng khả năng được tiếp cận cơ hội và tư vấn pháp lý cho DN.

Song song với đó, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động tư vấn pháp lý. Theo đó,  xác định rõ đối tượng cần được tư vấn; cá nhân, tổ chức có nhiệm vụ tư vấn và nội dung tư vấn. Ngoài ra cũng cần xây dựng chế tài để hoạt động tư vấn pháp lý không đơn thuần là hoạt động mang tính hình thức, chiếu lệ mà phải thực sự là hoạt động có ý nghĩa, mang lại hiệu quả thiết thực. Ngoài các phương pháp truyền thống, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các chuyên trang, chuyên mục tư vấn pháp lý trên các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí nhằm hướng đến sự thích ứng, bắt kịp xu thế của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Các Bộ, ngành, địa phương cần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tư vấn pháp lý đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác tư vấn pháp lý về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn pháp lý mà còn gắn với đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ, các kỹ năng mềm khác. Trong đó, phải xác định rõ con người là yếu tố then chốt nên cần quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng gắn với sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ chuyên môn. 

Đọc thêm