Nắng nóng gay gắt nhưng hàng loạt dự án chống hạn vẫn “khát” vốn!

(PLO) -Theo kế hoạch trung hạn được Ủy ban thường vụ (UBTV) Quốc hội, Chính phủ đã thông qua, trong 3 năm ( 2017-2020), 36.800 tỷ đồng sẽ được “rót” cho 42 dự án thủy lợi sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, nhưng thực tế hàng loạt dự án đã không được bố trí đồng nào ngay trong năm 2017. 
Nắng nóng gay gắt nhưng hàng loạt dự án chống hạn vẫn “khát” vốn!

37 dự án nằm chờ vốn

Cục Quản lý xây dựng công trình (Cục QLXDCT), Bộ NN&PTNT xác nhận, ngoài các dự án dở dang theo Nghị quyết 726/NQ-UBTVQH ( NQ phân bổ vốn TPCP bổ sung giai đoạn 2014-2016 cho các dự án dự kiến hoàn thành trong 2014-2015 nhưng chưa bố trí đủ vốn-PV), dự án giãn, hoãn tiến độ, các dự án khởi công mới là những đối tượng thuộc danh mục để bố trí nguồn vốn nói trên. 

Nhưng số tiền gần 37 nghìn tỷ đó vẫn hiện vẫn đang nằm trên giấy. Bởi trong 42 dự án, chỉ 5 dự án theo Nghị quyết 726/NQ-UBTVQH là đã được thông qua (tháng 5/2017) nguồn vốn với 6.053 tỷ đồng. Và trong quý III/2017 vốn kế hoạch năm 2017 của các dự án này dự kiến sẽ được khơi thông đến các kho bạc địa phương để bố trí. 

Tình trạng hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng khó được giải quyết khi hàng loạt dự án thủy lợi phải thi công cầm chừng vì thiếu vốn (Ảnh minh họa)
Tình trạng hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng khó được giải quyết khi hàng loạt dự án thủy lợi phải thi công cầm chừng vì thiếu vốn (Ảnh minh họa)
Nhưng ngoài 5 dự án này, thì hàng loạt các dự án khác vẫn đang phải “treo niêu” chờ vốn.  Cụ thể, 2 dự án gồm Hồ Bản Lải (Lạng Sơn) và Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (Ninh Thuận) với tổng vốn dự kiến 6.033 tỷ đồng, tuy thuộc danh mục dự án giãn, hoãn tiến độ nhưng tới nay các dự án này vẫn chưa được bố trí vốn kế hoạch 2017 để triển khai. 

Ngoài ra, 35 dự án khởi công mới, trong đó có dự án Ngàn Trươi - Cẩm Trang giai đoạn 2 và Dự án Ja Mơ giai đoạn 2, với tổng vốn dự kiến là 21.034 tỷ đồng. Nhưng theo Cục QLXDCT thì cả 35 dự án này cũng đều chưa được bố trí vốn kế hoạch 2017 để thực hiện. 

Ảnh hưởng đến khả năng chống hạn

Cục QLXDCT cho biết, từ đầu năm đến nay, do vốn kế hoạch năm 2017 chưa được bố trí hoặc chưa khơi thông đến kho bạc nên tất cảcác dự án vốn TPCP không thể giải ngân. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn công trình trước mùa mưa lũ 2017, các dự án vượt lũ, chống lũ và dự án phục vụ chống hạn vẫn được triển khai thi công như: kênh 2 Cửa Đạt, dự án Ngàn Trươi – Cẩm Trang, công trình đầu mối Krông Pách, công trình đầu mối Ia Mơ, dự án Tân Mỹ. 

Theo tìm hiểu của Báo PLVN, với 35 dự án dự kiến mở mới trong trung hạn 2017-2020, ngay sau khi được thông qua danh mục (tháng 3/2017), Cục QLXDCT, Tổng cục Thủy lợi và Vụ Kế hoạch đã trình Bộ NN&PTNT và Thủ tướng Chính phủ chủ trương đầu tư. 

Cục QLXDCT xác nhận, đến 30/4/2017, các dự án đều được quyết định chủ trương đầu tư. Hiện nay, các chủ đầu tư đang triển khai khảo sát, lập hồ sơ dự án đầu tư, dự kiến sẽ trình Bộ thẩm định trình Bộ xem xét phê duyệt trước 30/10/2017. 

Đề cập các khó khăn, vướng mắc đối với việc triển khai các dự án, Cục QLXDCT cho hay, nhiều luật vừa ban hành hoặc sửa đổi như Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đất Đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường kèm theo rất nhiều quy định, thủ tục mới so với trước đây, do vậy công tác thủ tục, chuẩn bị dự án rất mất thời gian mà không thể rút ngắn như: thẩm định nguồn vốn; cấp phép khai thác nguồn nước, các yêu cầu về môi trường; chính sách đền bù; yêu cầu giảm tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư.  

Có một nghịch lý đang diễn ra, trong bối cảnh hàng loạt các dự án không được bố trí vốn với các dự án mặc dù đã được bố trí vốn trong trung hạn nhưng địa phương lại không có vốn bố trí thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng như dự án kênh Tà Pao, kênh Krông Pách thượng, kênh Ja Mơ.

Thậm chí, đối với các dự án mới, Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng một số địa phương vẫn dây dưa chưa thành lập hoặc giao nhiệm vụ cho Chủ đầu tư hợp phần đền bù, khiến tiến độ triển khai nhiều dự án diễn ra rất chậm chạp. 

Trước thực trạng này, tại cuộc họp sơ kết 6 tháng mới đây, lãnh đạo Bộ NN&PTNT yêu cầu phải khẩn trương cân đối, điều hòa nguồn vốn, bố trí vốn phù hợp với khả năng thực hiện của dự án, đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công được giao (bao gồm cả kế hoạch vốn năm 2016 được phép kéo dài). Thực hiện nghiêm yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đến 31/7 giải ngân tối thiểu 50% kế hoạch vốn của Bộ đã được giao. Tiếp tục hoàn thiện các thủ tục phê duyệt các dự án TPCP và hoàn thành giao vốn trung hạn, vốn năm 2017. 

Đọc thêm