Ngạc nhiên chưa?

(PLO) - Thưa các bạn, gần chẵn 1 năm Luật Doanh nghiệp (LDN) 2014 đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, do sự lơ là giám sát thực hiện các LDN năm 1999 và năm 2005 đã tạo điều kiện cho các bộ “đẻ” ra hàng ngàn giấy phép con, gây hệ lụy rất nghiêm trọng cho môi trường kinh doanh cho đến tận bây giờ. 
Ngạc nhiên chưa?

Gần đây, cán bộ công chức các bộ, ngành kêu ca đến “khủng khiếp” về rà soát các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) tại một cuộc họp do Bộ Tư pháp chủ trì. Điều đáng ngạc nhiên, sau các cuộc họp liên miên của Tổ công tác thi hành LDN và Luật Đầu tư (LĐT), cuộc họp của Bộ Tư pháp, và của cả Chính phủ, chưa bao giờ một danh sách chi tiết về các ĐKKD được công bố. Chẳng hạn, có bao nhiêu ĐKKD trong các thông tư hiện nay; có bao nhiêu trong số đó được nâng cấp lên nghị định, bao nhiêu được sửa đổi, bao nhiêu được bãi bỏ? Hình như không ai tổng hợp nổi?

Một báo cáo của Bộ KH&ĐT liên quan đến 267 ngành nghề kinh doanh (hiện nay đã là 268) có điều kiện được LĐT quy định cho biết có tới 6.475 ĐKKD, trong đó có 3.299 điều kiện đang quy định tại 170 thông tư, quyết định của các bộ. Đứng đầu danh sách có nhiều ĐKKD là Bộ Tài chính (497 điều kiện), tiếp theo là Bộ Công Thương (488), Bộ Y tế (466), Bộ NN&PTNT (398), và Bộ GTVT (319).

Trong suốt quá trình từ khi LĐT được Quốc hội phê chuẩn cuối năm 2014 tới nay, nhiều ĐKKD khác đã được sồn sồn “đẻ ra”. Gần như bộ máy hành chính rất “mắn đẻ” văn bản? 

Hàng ngàn ĐKKD vẫn được ban hành tại các thông tư cấp bộ, các văn bản của chính quyền địa phương trong suốt 16 năm qua một cách trái luật mà không hề bị tuýt còi!

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành rất sát sao, là không nâng cấp một cách cơ học các ĐKKD từ thông tư lên nghị định và phải loại bỏ những ĐKKD không cần thiết, không hợp lý, gây phiền hà, làm ảnh hưởng đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp (CĐDN). Tuy nhiên, quá trình rà soát hiện nay chỉ gói gọn trong khuôn khổ các cơ quan nhà nước, chưa ai đặt vấn đề cần nghe sự tư vấn, giám sát của CĐDN. Tức là vẫn mấy ông “bàn giấy” với nhau. 

Tại Hội nghị đối thoại và gặp gỡ các DN sáng 29/4 tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra rằng, việc ban hành các luật và văn bản hướng dẫn còn chậm để DN phải chờ đợi; văn bản hướng dẫn không rõ ràng, tính tương thích không cao, cảm tính, thiếu định lượng dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau…; tình trạng gây phiền hà làm mất nhiều thời gian, tiền bạc của DN; thực tế triển khai các cải cách chưa đạt như mục tiêu đề ra... Ông long trọng cam kết, Chính phủ tạo thuận lợi nhất cho DN phát triển. Sau đó mấy ngày, tại phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ, ngày 4/5 ông phát đi thông điệp “kiến tạo và phục vụ”.

Ngạc nhiên không nếu tinh thần này chậm đi vào cuộc sống?

Đọc thêm