Ngân hàng “hạ mình”, doanh nghiệp vẫn dè chừng cảnh giác?

(PLO) - Với lạm phát được dự báo 3- 4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu dưới 7% Quốc hội đề ra cho năm nay, nhiều dự báo cho rằng lãi suất còn có dư địa để tiếp tục hạ… Tuy nhiên, hạ lãi suất có phải là vấn đề?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Lãi suất vẫn quá sức chịu đựng của doanh nghiệp
Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện lãi suất (LS) cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7-8%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh (SXKD) thông thường phổ biến khoảng 9-10%/năm đối với ngắn hạn; 10,5-12%/năm đối với trung và dài hạn. Trong đó, một số DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án SXKD hiệu quả, LS cho vay chỉ 6-7%. 
Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 8 của NHNN, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, LS của các khoản vay cũ tiếp tục được các tổ chức tín dụng (TCTD) tích cực điều chỉnh giảm; đến ngày 14/8/2014, dư nợ cho vay bằng VND có LS trên 15%/năm chiếm 4,45% tổng dư nợ cho vay VND, dư nợ có LS trên 13%/năm chiếm 12,45% tổng dư nợ cho vay bằng VND. 
Nếu theo con số thống kê này thì có đến trên 80% dư nợ hiện nay có mức LS vay dưới 13%/năm. Tuy nhiên, trong số đó có bao nhiêu phần trăm dư nợ được hưởng LS mà các ngân hàng (NH) tung ra mời chào (dưới 7- 8%/năm) hay chủ yếu vẫn phải chịu mức 11- 12%/năm - mức LS vẫn quá sức chịu đựng của DN?.
Trao đổi với PLVN, Giám đốc một DN dịch vụ vận tải ở Hải Phòng cho biết, ông đã phải đóng cửa công ty gần 2 năm qua, cũng tính chuyện mở lại hoạt động nhưng “Khó quá!”. Ông cho biết, các tiêu chí để được vay vốn rất khắt khe, ví dụ như phải chứng minh 3 tháng gần nhất kinh doanh có hiệu quả, tài sản thế chấp bây giờ cũng khắt khe hơn rất nhiều, còn LS vẫn 12%/năm... 
Hạ lãi suất- Vẫn còn dư địa 
Tại phiên họp tháng 9 vừa qua,  Chính phủ đã đưa ra đánh giá về tình hình KT-XH với cụm từ “tiếp tục có những chuyển biến tích cực, khá đồng đều trên các lĩnh vực”. Tính chung GDP 9 tháng ước đạt 5,62%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước; CPI tăng 2,25% so với tháng 12/2013, là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Chính phủ dự báo cả năm cơ bản đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, trong đó, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8% là hoàn toàn khả thi. 
Trong báo cáo về tình kinh tế tháng 9 và 9 tháng năm 2014 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), cơ quan này cũng đề xuất trên cơ sở ổn định vĩ mô đang được đảm bảo, nhất là lạm phát có xu hướng giảm, NHNN xem xét cung cấp nguồn vốn với LS thấp ưu đãi cho các TCTD nhằm tạo điều kiện giảm mặt bằng LS cho vay mà không ảnh hưởng đến chênh lệch LS toàn ngành (NIM) của hệ thống TCTD. 
Cũng tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tưởng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, theo tín hiệu thị trường, theo kết quả kiềm chế lạm phát đạt được, NHNN phải xem xét tích cực việc điều hành LS để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN. Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN tiếp tục quan tâm tăng tín dụng cho nền kinh tế theo mục tiêu kế hoạch, song cũng đặc biệt lưu ý: tăng dư nợ tín dụng phải đi liền với chất lượng tín dụng để góp phần thúc đẩy phát triển SXKD, tăng tổng cầu… 
Trao đổi với PLVN, TS Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT BIDV, kiêm Giám đốc Trường đào tạo cán bộ BIDV cho rằng, với tình hình kinh tế như hiện nay, LS (cả huy động và cho vay) có thể hạ thêm 0,5%/ năm. “Với LS huy động hiện khoảng 5,5%/năm, dự báo lạm phát năm nay khoảng 3- 4%, thì hạ thêm 0,5%/năm thì người gửi tiền vẫn có lãi…”, TS Lực phân tích. 
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý, không phải NH cứ huy động được 10 đồng là có thể cho vay 10 đồng mà chỉ cho vay ra được 8- 9 đồng, còn phải để lại dự trữ bắt buộc theo quy định của NHNN, do vậy không phải cứ chênh lệch giữa LS cho vay và LS huy động NH được “ăn” cả. Để hỗ trợ các NH có nguồn vốn rẻ, TS Lực cho rằng, đối với một số lĩnh vực ưu tiên, NHNN cũng cần phải tính toán để giảm LS tái cấp vốn cho các NH…
Lãi suất - có phải là vấn đề? 
Theo NHNN, trong thời gian gần đây, nhiều NH đã chủ động hạ LS huy động. Hiện LS huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8- 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5- 6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và có kỳ hạn dưới 6 tháng; 6-7,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng 7,3-7,8%/năm. 
Các NH cũng đang dư thừa thanh khoản nhưng không phải NH nào cũng hào hứng với việc hạ LS. Lãnh đạo một NH TMCP cho biết mặc dù thanh khoản đang dồi dào song cạnh tranh LS huy động giữa các NH vẫn còn. “Nếu như trước đây chênh lệch LS 0,5%/năm không thành vấn đề, nhưng khi LS hạ nữa thì người gửi tiền chắc chắn sẽ cân nhắc để gửi vào NH có LS cao hơn...”, vị này cho biết. Ông cũng tỏ ra nghi ngại liệu LS cho vay hạ nữa DN có muốn vay và NH có dám cho vay khi nợ xấu vẫn đang là “điểm nghẽn” hiện nay... 
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - NH, thực ra LS không phải là vấn đề bởi có những thời điểm LS cao chót vót, có nhu cầu DN vẫn vay. Còn về thủ tục, vị luật sư này cũng quả quyết: “Đúng là có thời điểm NH kênh kiệu, nhưng giờ đây, có NH còn dán quảng cáo cho vay vốn cả ở gốc cây, cột điện… NH đã phải hạ mình như thế thì không có lý gì hành DN…”. Theo vị chuyên gia này, vấn đề là cung – cầu thị trường, DN vay để làm gì?.

Đọc thêm