Ngân hàng lên tiếng việc cho vay làm cao tốc Bắc - Nam

(PLVN) - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định vốn cho các dự án (DA) BOT nói chung và DA cao tốc Bắc - Nam tới đây sẽ là trách nhiệm ngành Ngân hàng (NH) phải quan tâm, nhưng ở mức nào, xử lý ra sao cho hợp lý trong điều kiện khả năng nguồn vốn, đảm bảo an toàn, hiệu quả cho các NH thương mại là vấn đề sẽ được cân nhắc.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chủ trì cuộc Họp báo
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chủ trì cuộc Họp báo

Hôm qua (1/10), trả lời câu hỏi về khả năng thu xếp vốn cho DA cao tốc Bắc Nam ra sao sau khi Bộ GTVT có quyết định hủy đấu thầu quốc tế, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định vốn cho các DA BOT đang là vấn đề rất “nóng”.

Vừa trở về từ Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn và sự kiện thông xe tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn mới đây, ông Tú cho biết, sau thông xe tuyến cao tốc này, giai đoạn 2 còn đoạn lên cửa khẩu Hữu Nghị sẽ cần hơn 8.000 tỷ đồng, tỉnh Cao Bằng đề xuất con đường từ Đồng Đăng qua TP Cao Bằng đi Trà Lĩnh, dự kiến 20.000 tỷ đồng, rồi đường từ Hòa Bình đi Mộc Châu cần khoảng 22 nghìn tỷ đồng nữa... “Sơ bộ đó mới là những con đường lớn phía Bắc, chưa kể phía Nam. Cho nên vốn cho các BOT là vấn đề rất lớn”, ông Tú nói. 

Với cao tốc Bắc - Nam phía Đông, với nhà thầu trong nước, điều này, theo Phó thống đốc, là “câu chuyện mà ai cũng biết”, đó là vốn NH. “Hôm họp ở Lạng Sơn, tôi cũng báo cáo Thủ tưởng cùng các Bộ, ngành là việc tham gia các DA cao tốc, DA liên quan đến BOT giao thông đúng là quyết tâm cao của các NH thương mại, với trách nhiệm rất lớn. Cứ hình dung, cho vay trung và dài hạn ít nhất từ 15 năm trở lên. Thứ hai nguồn vốn rất lớn, mấy chục nghìn tỷ chứ không phải một vài trăm triệu.

Thứ ba liên quan đến các chỉ số an toàn của NH, như không vượt qua 15% vốn tự có đối với một đơn vị vay, rồi hệ số an toàn vốn K… cũng là vấn đề nếu không được bổ sung vốn điều lệ kịp thời, thì khả năng giải ngân tiếp của các NH cho các DA năm bảy nghìn tỷ là khó, chưa kể trách nhiệm tín dụng còn phải cung ứng cho các tất cả lĩnh vực khác nữa. Cho nên vốn cho các DA giao thông nói chung và sắp tới cao tốc Bắc - Nam nói riêng là vấn đề ngành NH phải quan tâm”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Tuy nhiên, vị đại diện NHNN cũng cho biết, quan tâm như thế nào, xử lý bằng cách nào cho hợp lý đang là vấn đề ngành NH cân nhắc. “Tất nhiên không phải cả cao tốc Bắc - Nam cùng một lúc phải “xuống tiền” hết,  mà sẽ từng đoạn. Về phía NH sẽ cố gắng trong điều kiện khả năng nguồn vốn, đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh doanh cho các NH”, ông Tú nói và cho biết để làm được điều này cần phải làm rõ chính sách liên quan đến BOT để không gây rủi ro như giá cả BOT và việc lập trạm…

Liên quan đến vốn cho DA cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, "đã cơ bản được giải quyết". Ông Tú cho biết, câu chuyện DA Trung Lương - Mỹ Thuận không phải là giải ngân vì vốn NH thương mại sử dụng sau cùng để khỏi phải trả lãi, hiện các NH thương mại, DN BOT, UBND tỉnh Tiền Giang (cơ quan nhà nước có thẩm quyền với dự án) đang trao đổi để thống nhất sớm ký cam kết hợp đồng. 

Về phản ánh của các NH thương mại có vướng hạn mức tín dụng, Phó Thống đốc giải thích, đây là hạn mức cho vay của các NH đối với các đối tượng cần thiết ưu tiên, DN không vướng, còn các NH kêu, nói hạn mức sắp hết… “Tất cả những vấn đề này đang được xem xét một cách thấu đáo. Vấn đề tăng thêm hay không tăng thêm cũng không phản ánh NH đó tốt hay không tốt, đúng hay không đúng, mà vấn đề đó có phù hợp với đúng đối tượng hay không”, Phó Thống đốc giải thích và cho biết đây là yếu tố kỹ thuật, có tính chất điều hành hướng đến mục tiêu của Chính phủ là cần khuyến khích đối tượng nào, không khuyến khích đối tượng nào bởi Luật không có chế tài, mà cần có công cụ (trực tiếp hay gián tiếp) để điều tiết.

9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng gần 9%

Báo cáo của NHNN cho biết, nhờ thực hiện quyết liệt các giải pháp, tín dụng tăng ngay từ đầu năm đến 24/9/2019  tăng 8,64%. Tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng khá như: Tín dụng đối với DN ứng dụng công nghệ cao tăng 22,04%; đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 13,2%; đối với DN nhỏ và vừa tăng 11,42%; đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 6%; đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 1,85%. 

Các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp; khuyến khích nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao hay nhà ở xã hội... cũng được các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai quyết liệt. Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của NHNN. Đại diện NHNN cũng khẳng định với mức tín dụng tăng 8,64% trong 9 tháng đầu năm, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay là hoàn toàn khả thi bởi xu hướng các tháng cuối năm tín dụng thường tăng cao hơn so với đầu năm.

Đọc thêm