Ngành Hải quan đóng góp tích cực vào dấu mốc 500 tỷ USD

(PLVN) - Ngày 30/12/2019, Việt Nam ghi nhận xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa vượt mốc 500 tỷ USD. Trong thành tích chung này, có sự đóng góp tích cực của ngành Hải quan. 
Cán cân thương mại của Việt Nam qua các năm và 11 tháng từ đầu 2019
Cán cân thương mại của Việt Nam qua các năm và 11 tháng từ đầu 2019

Số liệu thống kê của ngành Hải quan cho thấy, trong những năm gần đây, kinh tế Việt Nam đã có những bước chuyển mạnh mẽ trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp, các nền kinh tế lớn tăng trưởng không đồng đều.

Tổng trị giá XNK hàng hóa trong gần 20 năm (giai đoạn 2000-2019) của Việt Nam đã đạt 3.995 tỷ USD. Trong đó, chỉ tính riêng 5 năm từ năm 2015 đến năm 2019, XNK của Việt Nam đạt 2.106 tỷ USD, đồng thời cao hơn XNK của cả 15 năm về trước cộng lại (giai đoạn 2000-2014). 

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự phối kết hợp chặt chẽ, tích cực giữa các bộ, ngành và địa phương; thời gian qua Việt Nam đã liên tiếp đạt được các mốc kỷ lục XNK. Năm 2006 Việt Nam xếp hạng thứ 50 thế giới về xuất khẩu (XK) và thứ 44 về nhập khẩu (NK).

Đến năm 2018, Việt Nam đã có bước phát triển ấn tượng xếp thứ 26 về XK và thứ 23 về NK. Với kết quả này, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá XNK hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Trong nội khối ASEAN, Việt Nam có vị trí thứ 3 về XNK, chỉ sau Singapore và Thái Lan.

Theo nhận định của lãnh đạo Tổng cục Hải quan, để đạt được những kết quả nêu trên, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ việc triển khai các Nghị quyết như Nghị quyết: 01/NQ-CP, 02/NQ-CP, 35/NQ-CP, 36a/NQ-CP, 19/NQ-CP... Qua đó nhằm đẩy mạnh việc cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp. 

Thời điểm ghi nhận các mốc kỷ lục trong XNK của Việt Nam
 Thời điểm ghi nhận các mốc kỷ lục trong XNK của Việt Nam

Trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực Hải quan, toàn ngành đã có nhiều nỗ lực và từ đó có những kết quả tích cực trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan, cải cách thể chế, hiện đại hóa hải quan.

Chỉ tính trong 11 tháng đầu năm 2019 đã có 12,1 triệu tờ khai làm thủ tục hải quan, tăng 8,3% so với cùng kỳ 2018. Số lượng tờ khai làm thủ tục hải quan điện tử chiếm 99,94% tổng số tờ khai làm thủ tục hải quan. Số lượng doanh nghiệp khai theo phương thức điện tử chiếm 99,98%. Trị giá khai theo thủ tục hải quan điện tử chiếm 99,34%. Số thu ngân sách hải quan theo phương thức điện tử chiếm 96% tổng số thu ngân sách hải quan; Số thu theo phương thức thanh toán 24/7 chiếm 8,3% tổng số thu ngân sách hải quan trong năm 2019.

Về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, tính đến 10/12/2019, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 188 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với trên 2,7 triệu hồ sơ của khoảng 34 nghìn doanh nghiệp. Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, tính đến 10/12/2019, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 144,7 nghìn; trong đó, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước thành viên ASEAN là 188,7 nghìn. Hiện Bộ Tài chính đang chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN (ACDD).

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, trong thời gian tới, để tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động XNK, toàn ngành Hải quan sẽ tiếp tục công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, trong đó chú trọng đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN với mục tiêu tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động XNK, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. 

Đọc thêm