Ngành thời trang kiệt quệ vì Covid-19

(PLVN) - Việc virus Corona đang lây lan mạnh mẽ tại nhiều thành phố ở châu Âu, trong đó có các kinh đô thời trang như London, Milan hay Paris, đang khiến ngành công nghiệp này hoàn toàn bị tê liệt. Thậm chí, những người tham gia các show diễn thời trang còn có nguy cơ trở thành mầm bệnh, mang nó đi khắp thế giới.  
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mầm bệnh mang đi khắp nơi?

Thông thường cứ 2 lần/năm, các nhà thiết kế thời trang xa xỉ trên thế gới sẽ trình làng những bộ sưu tập cho mùa tới. Điều này tạo ra một thế giới riêng của những nhà bán lẻ, phóng viên thời trang, người có ảnh hưởng trên Instagram, khách hàng giàu có và các chuyên gia PR, tất cả sẽ đi từ New York đến London rồi Milan và cuối cùng là Paris.

Năm nay, đội quân này đến Milan vào giữa tháng 2 trùng thời điểm với đợt bùng phát dịch Covid-19 ở chính khu vực miền Bắc Italy - nước tới nay đang là quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus. 

Tiếp đó, địa điểm dừng chân cuối cùng của show thời trang là Paris - thủ đô hoa lệ của nước Pháp - nơi các show diễn bắt đầu vào ngày 24/2. Trong ngày đầu tiên này, số ca nhiễm virus Corona ở Pháp chỉ là 14, nhưng đến ngày cuối cùng của tuần lễ thời trang, đã có hơn 200 ca nhiễm mới được ghi nhận.

Nhiều người tham dự bị thiếu ngủ, một số đã hắt hơi, ho và cảm lạnh theo mùa. Nhiều show diễn phát khẩu trang cho người dự khán trước khi bắt đầu. Trước tình hình bệnh dịch, một số khách hàng cao cấp và biên tập viên các tạp chí nổi tiếng của Mỹ như The New York Times Magazineđã quyết định rời Paris sớm, thậm chí một số người còn không tới đây. 

Tại show diễn của hãng Lacoste, diễn ra vào ngày gần cuối cùng của tuần lễ thời trang Paris, gần 30% khách từ giới truyền thông đã hủy tham dự. Hay tại show diễn của Miu Miu, nhà thiết kế của hãng là Miuccia Prada đã hủy buổi gặp gỡ vào chào hỏi sau khi màn trình diễn kết thúc, mặc dù trước đó 2 tuần ở Milan, việc này vẫn được thực hiện.

Thêm nữa, sau khi có tin đồn nói rằng vì giao thông ở Italy bị hạn chế, hãng Louis Vuitton đã sử dụng máy bay riêng của ông chủ Bernard Arnault, người giàu thứ 3 thế giới - để chuyển những chiếc túi LV từ Italy về Pháp.

Trước show diễn của Alexander McQueen tại Paris hôm 2/3, ông Francois-Henri Pinault, giám đốc điều hành tập đoàn xa xỉ Kering - chủ sở hữu của Gucci, Saint Laurent và Balenciaga - đã đặt câu hỏi rằng ngành công nghiệp thời trang có nên số hóa tất cả mọi thứ và trình chiếu các show diễn và cửa hàng trên mạng Internet hoặc một hệ thống nào khác…

Theo South China Morning Post, ít nhất một khách tham dự tuần lễ thời trang ở Milan đã được xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.  Một người này gặp gỡ hàng ngàn người khác, rồi đi lại tỏa ra khắp nơi trong vòng vài tuần. Câu hỏi đặt ra là liệu họ có trở thành mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng toàn cầu hay không, khi vô tình trở thành những người mang mầm bệnh từ các show thời trang tới phần còn lại của thế giới. Chính vì vậy mà hàng loạt biên tập viên thời trang hàng đầu, người mẫu và người khách hàng… tới tham gia show diễn đã phải tự cách ly sau khi trở về.  

Kiệt quệ vì Covid-19 

Ngành công nghiệp thời trang đang đứng trước cuộc khủng hoảng lớn trước virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2). Nhiều show diễn thời trang của các nhà mốt buộc phải bị hủy bỏ. Cụ thể, tuần lễ thời trang Rakuten dự kiến bắt đầu ngày 16/3 ở Tokyo, đã bị hủy bỏ. Tương tự, Shanghai Fashion Week dự kiến diễn ra từ ngày 26/3-2/4 cũng bị hoãn vô thời hạn. Những tuần lễ thời trang sau đó ở Thượng Hải và Bắc Kinh cũng bị hoãn. Còn lại một số diễn ra trong bầu không khí dè chừng như show của Dolce & Gabbana. Các nhà mốt khác như Giorgio Armani, Laura Biagiotti, để không lãng phí công sức của đội ngũ sáng tạo, vẫn cho show diễn tiến hành nhưng… không có bất kỳ khán giả nào đến xem.

Thay vào đó, show sẽ được phát trực tiếp trên website của hãng và mạng xã hội Facebook, Instagram. Nhưng ngay cả như vậy thì nỗi lo ngại dịch bệnh lây lan rộng vẫn đè nặng lên tâm trí khiến nhà thiết kế và các người mẫu, trong hậu trường tập dượt, tất cả đều kè kè khẩu trang để tự bảo vệ bản thân.

Những con đường vắng bóng người, ga tàu điện ngầm, các chuyến xe buýt trống trơn. Tại Padiglione Visconti - nơi diễn ra Milan Fashion Week, không khí nhộn nhịp không còn nữa. Hình ảnh các fashionista dập dìu khoe street style, đèn máy ảnh chớp liên tục được thay thế bằng bầu không khí nặng nề. Dòng người qua lại thưa thớt và ăn mặc kín đáo, gần như không ai còn nhận ra ai vì tất cả đều mang khẩu trang.

Quảng trường Gae Aulenti, khu kinh doanh sầm uất bậc nhất ở Milan chỉ còn những đài phun nước cao lẻ bóng. Hàng loạt nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, các điểm tham quan của thành phố 1,4 triệu dân tê liệt. Hơn nửa triệu phòng khách sạn đã bị hủy trong khoảng thời gian từ ngày 24/2 đến cuối tháng tư vì dịch bệnh. Ước tính tổng mức thiệt hại doanh thu của ngành khách sạn Ý lên tới 200 triệu euro (220 triệu USD).

Tại châu Á, tâm điểm của dịch bệnh, từ tháng 1/2020, tình hình đã ảm đạm. Theo Jefferies, ngành thời trang thế giới hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, từ doanh số bán hàng cho đến khâu sản xuất. Người tiêu dùng Trung Quốc hiện đang chiếm khoảng 40% trong 281 tỷ euro tổng chi tiêu các mặt hàng xa xỉ năm 2019 và tạo ra 80% tốc độ tăng trưởng doanh số tại các tập đoàn LVMH hay Kering. Thế nhưng, dịch bệnh khiến người Trung Quốc không còn tâm trí nào để chi tiêu. Hàng loạt cửa hiệu thời trang từ cao cấp như Gucci, Dior, Chanel, Louis Vuitton cho tới trung cấp như Nike, Hugo Boss, Levi’s, Uniqlo... tại Trung Quốc, Hồng Kông đã đóng cửa, nhân viên mất việc. 

Đọc thêm