Ngành xây dựng cần được xem là ngành công nghiệp mũi nhọn

(PLO) -Nếu hiểu công nghiệp mũi nhọn là ngành tạo ra động lực và dẫn dắt các ngành kinh tế khác phát triển; là ngành tạo ra vị trí, thương hiệu đặc trưng cho sản phẩm quốc gia thì ngành kiến trúc – xây dựng ở Việt Nam trong thời đoạn này cần phải được xem là ngành công nghiệp mũi nhọn. Đó là quan điểm được ông Lê Viết Hải, Phó Chủ tịch đối ngoại của Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, Chủ tịch kiêm CEO công ty CP xây dựng & kinh doanh địa ốc Hòa Bình nhấn mạnh. 
Những tòa cao ốc đang không ngừng mọc lên.
Những tòa cao ốc đang không ngừng mọc lên.

Hội đủ tiêu chuẩn

Cũng theo ông Lê Viết Hải, trong mọi thời đại, sản phẩm của ngành kiến trúc – xây dựng luôn tạo ra diện mạo cho quốc gia hay thành phố và cũng chính nó tạo nên biểu trưng, lưu lại dấu ấn của một nền văn minh, của đất nước, xứ sở và con người.

Về sức tác động, đi theo đơn vị thi công là đội ngũ các nhà cung cấp vật liệu xây dựng, từ sắt thép cho đến ống nhựa, thiết bị điện, nhôm kính… Một khi ngành xây dựng phát triển thì đương nhiên các ngành phụ trợ của nó cũng phát triển theo.

Hiện nay, ngành kiến trúc – xây dựng có lực lượng nhân công khá đông đảo. Số liệu trong Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2011-2020 của Bộ Xây dựng cho biết “năm 2005 lao động ngành Xây dựng mới có 1.979.900 người chiếm 4,63% lực lượng lao động trong nền kinh tế đến năm 2010, các số liệu tương ứng là 3.108.000 người chiếm 6,34% tăng 1,57 lần về số người; 1,37 lần về tỉ lệ % so với năm 2005".

Ông Lê Viết Hải, Phó chủ tịch đối ngoại của Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, Chủ tịch kiêm CEO công ty CP xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình. Ảnh Võ Anh Tuấn
Ông Lê Viết Hải, Phó chủ tịch đối ngoại của Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, Chủ tịch kiêm CEO công ty CP xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình. Ảnh Võ Anh Tuấn

Cứ với đà tăng gần 1,5 lần về số người thì năm 2017 là hơn 5 triệu người, trên 5,5% tổng dân số. Trong đó, về số lượng lao động trình độ cao, theo tính toán của ông Lê Viết Hải, Phó chủ tịch đối ngoại của Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, Chủ tịch kiêm CEO công ty CP xây dựng & kinh doanh địa ốc Hòa Bình, số lượng kỹ sư và chuyên gia ngành Xây dựng Việt Nam cao gấp 3 lần bình quân thế giới (Việt Nam bình quân có 9.000 kỹ sư, chuyên gia xây dựng/triệu dân; bình quân của thế giới là 3.000).

Vươn ra để lớn lên

Những năm gần đây, ngành xây dựng Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc cả về trình độ quản lý lẫn kỹ thuật thi công và đã thành công trong việc thay thế nhà thầu ngoại ở những dự án lớn đến rất lớn tại thị trường trong nước với yêu cầu kỹ mỹ thuật rất cao. 

Theo số liệu của IHS Global Economics năm 2013, giá trị sản lượng của ngành xây dựng trên toàn cầu lên đến trên 9.000 tỷ USD/năm. Trong đó nhiều nước có thị trường xây dựng phát triển nóng và phụ thuộc rất lớn vào nhà thầu xây dựng nước ngoài, bao gồm những nước nằm trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các nước trong Cộng đồng Kinh tế Đông Nam Á (AEC).

Với sự trưởng thành như hiện nay, nếu ngành xây dựng được xác định là ngành công nghiệp mũi nhọn thì khả năng bứt phá sẽ cao. Chủ tịch kiêm CEO công ty Hòa Bình phân tích: “Theo đánh giá và sự trải nghiệm gần 30 năm của chúng tôi, ngành xây dựng Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt ở thị trường nước ngoài nếu có một chiến lược phù hợp.

Lợi thế đáng kể của chúng ta là khả năng cung cấp dịch vụ xây dựng chất lượng cao nhưng chi phí xây dựng lại rất thấp, chỉ sau Ấn Độ (thấp 2 – 3 lần, thậm chí 4 lần). Tính cạnh tranh của Nhà thầu Việt Nam không chỉ ở yếu tố nhân công, mà còn cả về vật liệu xây dựng cũng như dịch vụ tư vấn thiết kế, giám sát thi công, quản lý dự án và các dịch vụ liên quan khác.”

Quận 2 Tp. HCM, có những khu cầu tháp nhiều như cánh chuồn chuồn. Ảnh Võ Anh Tuấn
Quận 2 Tp. HCM, có những khu cầu tháp nhiều như cánh chuồn chuồn. Ảnh Võ Anh Tuấn

Nếu ngành xây dựng được xác định là ngành công nghiệp mũi nhọn thì Nhà nước sẽ có chiến lược và chính sách hỗ trợ tích cực. Cùng với sự đoàn kết, hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong ngành thì, theo ông Hải “khi ra biển lớn, không phải chúng ta chỉ đi một thuyền lớn mà là đi cả hạm đội.”.

Lấy công làm thủ, việc có chiến lược bài bản để ngành xây dựng vươn ra nước ngoài còn là cách để tự cân bằng nội lực. Phó chủ tịch đối ngoại của Hiệp hội nhà thầu Việt Nam phân tích:

“Việc cọ xát với thị trường nước ngoài còn là phương cách rất hữu hiệu nhằm nâng cao trình độ, năng lực cạnh tranh của ngành xây dựng Việt Nam, đảm bảo luôn theo kịp trình độ thế giới và cũng là cách tốt nhất để về lâu dài chúng ta bảo vệ thị trường nội địa.

Hơn nữa, phát triển thị trường nước ngoài còn bảo đảm cung cấp việc làm ổn định hơn cho lực lượng lao động rất lớn trong ngành xây dựng khi thị trường trong nước bão hòa hoặc có biến động.”

Đọc thêm